Có nhiều giảng viên đi qua bao ngã rẽ của ngành nghề, đã chọn làm nghề giáo. Chọn là một chuyện, việc gắn bó lâu dài với hoạt động giảng dạy liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó có sự phù hợp và lòng yêu nghề.
Được xem là nghề cao quý, xã hội trọng dụng nhưng việc lựa chọn nghiệp giảng đối với người trẻ rất cần sự tìm hiểu chín chắn, vượt qua được ảo mộng về sự lấp lánh của nghề.
TS. Đinh Thị Thanh Nga trong một giờ giảng (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)
Bén duyên với nghiệp giảng
“Tốt nghiệp ngành Báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) với thành tích thủ khoa đã cho tôi cơ hội được ở lại trường làm công việc giảng dạy. Khi đó, tôi cũng mơ hồ về con đường “lệch pha” một chút so với những gì mình dự định ban đầu. Trước khi có quyết định về lại trường cũ làm việc, trong lúc chờ nhận bằng tốt nghiệp, tôi cũng có một thời gian làm thư ký cho Ban Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuy chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đã giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành giáo dục. Và cũng thời gian này, được sự hướng dẫn, động viên của nhiều thầy cô, tôi quyết định bước vào con đường dạy học và từ đó trở thành giảng viên”, ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (hiện đang là giảng viên Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) nói về cơ duyên đầu tiên khi đến với nghề giáo, tại chính ngôi trường đầu tiên chị bắt đầu nghiệp giảng của mình.
Theo ThS. Ngọc, dù có bằng đỏ của ngành này, nhưng khi bắt đầu công việc ở một ngành khác, nghiệp vụ vẫn có thể là số không và hoàn toàn lạ lẫm. Để theo được nghề, người giảng viên chỉ còn cách nỗ lực rất lớn, không ngừng học hỏi, tìm tòi, bổ sung nghiệp vụ, hoàn thiện bản thân. Bởi vì, chị quan niệm, để dạy cho người khác trở nên giỏi, bản thân người thầy phải giỏi. Trong quá trình giảng dạy, chị nhận ra ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, người giảng viên còn rất cần sự kiên nhẫn và lòng bao dung với sinh viên. Kiên nhẫn để có thể giảng đi giảng lại một nội dung cho rất nhiều lớp, nhiều thế hệ người học bằng đa phương thức, cách tiếp cận mà không gây nhàm chán. Bao dung để hiểu được tâm tư tình cảm, tính cách đặc biệt của sinh viên, đặt mình trong hoàn cảnh của các em để có chung góc nhìn phù hợp.
Tương tự, TS. Đinh Thị Thanh Nga (Trưởng bộ môn Hành chính hình sự, Khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn) cũng từng có cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục như vậy khi bước vào con đường sư phạm. Ngay tại thời điểm tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM, chính bản thân chị cũng không hề nghĩ mình sẽ trở thành một giảng viên. Với kết quả học tập khá nổi bật, được người thân và bạn bè động viên, chị thử sức ứng tuyển vào nghề giáo. Và cứ thế, chị bước vào nghề giáo mà không có một sự chuẩn bị nào cả. Nhận thức mình không phải là “dân sư phạm” nên nguyên một năm đầu, chị đã dành thời gian để ngồi nghe giảng, học tập kinh nghiệm giảng dạy, đồng thời lên kế hoạch đi học các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng phục vụ nghề. Đến nay, sau 20 năm gắn bó với nghề, chị đủ tự tin thổ lộ mình đã chọn đúng công việc bản thân thấy phù hợp và yêu thích. TS. Nga cho rằng việc mình đến với nghề giáo có thể chỉ từ một lần thử sức ngẫu nhiên nhưng hành trình theo đuổi, bám trụ được với nghề lại là quá trình học tập và lao động vô cùng nghiêm túc.
Còn TS. Bùi Ngọc Hiền (Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu Học viện Cán bộ TP.HCM) thì cho rằng mình… được nghề giáo chọn. Bởi khi còn là học sinh phổ thông, TS. Hiền từng mơ ước trở thành một người lính và đã nỗ lực đứng vào hàng ngũ quân đội. Tuy nhiên, ở tuổi 26, với sức trẻ, người trung úy biên phòng này tiếp tục thi và học thêm ngành Hành chính học thuộc Học viện Hành chính Quốc gia. “Học xong, tôi vẫn chưa hề nghĩ đến nghề giáo. Rồi trong quá trình về làm việc tại Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM, tôi được tạo điều kiện đi giảng thử và tiếp đó nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thầy cô đi trước, tôi trở thành một nhà giáo. Từ đó đến nay, tôi nghĩ nghề giáo có lẽ là nghề phù hợp nhất với mình”, TS. Hiền chia sẻ.
Theo TS. Hiền, thực tiễn công việc giảng dạy đã thay đổi cái nhìn của anh về nghề giáo. Trước khi vào nghề, anh từng nghĩ nghề giáo có phần nhàm chán vì phải giảng đi giảng lại một bài cho nhiều lớp, nhiều thế hệ người học, thậm chí từ năm này qua năm khác. Nhưng khi vào nghề, anh nhận ra nghề giáo đòi hỏi người dạy phải học hỏi, nghiên cứu không ngừng để cập nhật tri thức liên quan đến bài giảng, môn học. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống tri thức nhân loại không ngừng được bổ sung, trong đó có nhiều tri thức mới, thậm chí xa lạ. Chính từ việc không ngừng cập nhật kiến thức, người dạy thông qua bài giảng truyền đạt được sự hứng khởi, điều mới mẻ đến người học, xóa tan đi sự nhàm chán.
Phải yêu nghề, nghiệp vụ vững vàng
Có nhiều cách bén duyên với nghề giáo, từ tốt nghiệp sư phạm bài bản, chính quy đến việc rẽ ngang bởi một ngành nghề khác. Nhưng theo một quan niệm, người thầy giỏi không chỉ truyền đạt được tri thức mà chính là người biết truyền cảm hứng. Điều này đòi hỏi người học sư phạm, theo đuổi nghề giáo phải có thực lực giỏi, yêu nghề, nghiệp vụ vững vàng. Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, Bộ GD-ĐT có chính sách “ràng” điểm sàn xét tuyển đối với đầu vào khối ngành sư phạm. Một phần lý do chính là mong muốn nâng chất lượng đầu vào, tìm được những hạt giống thực sự tốt để ươm mầm, đáp ứng được quá trình đổi mới đào tạo, bàn giao cho xã hội những giáo viên giỏi.
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc trong giờ dạy trực tuyến
Việc siết chuẩn đầu vào, mặt khác cũng tạo được tâm thế mới cho những bạn trẻ có ý định lựa chọn nghề sư phạm. Các bạn sẽ phải tỉnh táo nhìn nhận đúng năng lực và sự phù hợp của bản thân, xác định được việc chọn vào sư phạm chính là bản thân phải trở nên ưu tú hơn, tránh những ảo mộng. TS. Đinh Thị Thanh Nga cho hay, nếu thực sự yêu nghề, khi được giảng, người thầy có thể quên đi cả những lo âu muộn phiền trong cuộc sống. Nghề giáo cũng rất được trọng dụng, tôn vinh; song các bạn trẻ khi lựa chọn nghiệp giảng cũng cần cân nhắc rằng nghề này chỉ đảm bảo một mức thu nhập vừa phải… Và chưa kể, thực tiễn đào tạo hiện nay, với chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, người thầy phải nỗ lực đáp ứng rất nhiều. Một trong số đó, theo TS. Bùi Ngọc Hiền, người thầy phải tăng cường khả năng ngoại ngữ, nắm vững công nghệ để không chỉ làm sinh động bài giảng mà còn thích nghi nhanh với điều kiện giảng dạy trực tuyến như thời gian qua cả nước áp dụng do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Mê Tâm
Bình luận (0)