Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giao thông đường thủy: Phòng chống đuối nước – Bài toán còn dang dở

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh Trường THPT Số 1 Nghĩa Hành học bơi trên cạn
Tính trung bình mỗi năm, ở Quảng Ngãi có hơn 30 học sinh bị chết do đuối nước. Trong vòng 5 năm, từ 2008 đến nay, đã có hơn 200 học sinh bị chết do đuối nước. Mỗi khi bước vào năm học mới, nhà trường cũng như chính quyền địa phương đều cảnh báo tình trạng này cho học sinh, cũng như các bậc phụ huynh. Nhưng rồi nhiều cái chết thương tâm vẫn xảy ra.  
Dạy “chay” 
Quảng Ngãi có hơn 130km bờ biển, 4 con sông lớn và rất nhiều nhánh sông nhỏ chằng chịt, đó là chưa kể đến rất nhiều đầm phá, ao hồ. Tất cả đều có thể trở thành hiểm họa đối học sinh từ tiểu học đến THPT. Rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng căn bản vẫn là các em không biết bơi, chủ quan dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Không chỉ riêng Quảng Ngãi, mà đối với tất cả các tỉnh duyên hải miền Trung, môn học bơi rất thiết thực với học sinh. Đây là môn học mà các em cần phải được luyện tập từ nhỏ. Bởi khi gặp nguy hiểm các em tự cứu mình trước khi được người khác cứu. Học bơi trong nhà trường ở Quảng Ngãi được triển khai hơn 2 năm nay. Thầy giáo dạy cho các em biết nhiều kiểu bơi khác nhau. Nhưng các em cũng chỉ được học trên lý thuyết. Tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều chưa thể xây dựng hồ bơi nên các em không thể thực hành tại trường. Còn nếu các em về nhà thực hành trên sông, trên biển thì nguy cơ đuối nước sẽ cao hơn.
Sau khi được thầy giáo hướng dẫn các động tác bơi, em Võ Đoàn Nhật Yên – học sinh lớp 11, Trường THPT Số 1 Nghĩa Hành tâm sự: “Đối với học sinh chúng em, đó là điều thiệt thòi. Bởi bọn em học kiến thức lý thuyết nhưng chưa thực hành, chưa biết được khả năng của mình, nên chưa vận dụng được, học lý thuyết rồi mà bọn em chưa thể áp dụng vào thực tế”. Còn em Nguyễn Ngọc Ánh thì bức xúc: “Em cảm thấy rất khó chịu, nhà trường dạy học bơi, nhưng chúng em không có hồ bơi để thực hành”.Thầy Lưu Thành – giáo viên thể dục Trường THPT Số 1 Nghĩa Hành là người có hơn 30 năm dạy môn thể dục bậc THPT cho biết: “Thực tế là chúng tôi chỉ dạy “chay”, dạy lý thuyết chứ không thể triển khai thực hành, bởi điều kiện cơ sở vật chất. Chúng tôi cảm thấy rất thiệt thòi. Ở Nghĩa Hành không có hồ bơi để dạy cho các em”.
Bài toán không dễ có đáp số
Học bơi ở trường trên lý thuyết thì không thể giúp gì cho các em, nếu như có tình huống xấu xảy ra trên thực tế. Ngoài vùng tiếp giáp với sông nước thì ở Quảng Ngãi và miền Trung nói chung, mùa mưa lũ thường đưa đẩy con người đến với những tình huống phải đi đò, lội sông. Và mỗi lần như thế là một nguy cơ lớn đến tính mạng của những người không biết bơi.
Trường học nào ở Quảng Ngãi cũng có giáo viên được tập huấn về bơi lội, các kỹ năng cứu người chết đuối. Nhưng tất cả đều dừng lại ở giáo viên, chưa thể truyền đạt một cách cụ thể cho các em học sinh. Không có hồ bơi thì sẽ không dạy thực hành được. Ngành GD-ĐT Quảng Ngãi vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện Đề án xây dựng hồ bơi trong trường học. Ông Huỳnh Hậu, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học cho biết, nhanh nhất thì phải bước sang năm 2014, may ra Đề án xây dựng hồ bơi trong các trường tiểu học ở Quảng Ngãi mới có thể được HĐND tỉnh thông qua. Còn trước mắt, ngành giáo dục phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho học sinh, các bậc phụ huynh nhận thức đầy đủ về nguy cơ đuối nước có thể xảy ra vào mùa mưa lũ năm nay.
Cách nay gần 3 năm, Quảng Ngãi đã cùng với 15 tỉnh có số lượng trẻ em bị đuối nước cao nhất cả nước kí cam kết với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giảm tỷ lệ đuối nước. Trong đó cam kết triển khai công tác dạy bơi cho trẻ em và đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. Đây được coi là nội dung quan trọng nhất, giúp các em có thể tự mình chủ động đối phó với nguy hiểm khi có tai nạn xảy ra. Nhưng từ đó đến nay, việc dạy bơi cho trẻ trong các trường học ở Quảng Ngãi  vẫn bị bỏ ngỏ. Vẫn chưa biết chắc chắn thời điểm nào các em mới có thể được thực hành bơi tại trường học. Đối với Quảng Ngãi, chỉ khi nào tỷ lệ học sinh biết bơi càng cao thì nguy cơ chết đuối mới có thể giảm xuống. Đây là bài toán đơn giản, nhưng để thực hiện được thì không dễ chút nào.
Bài, ảnh: Phước Trung
Quảng Ngãi là một trong 15 tỉnh, thành phố của cả nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em và vị thành niên cao nhất trên toàn quốc.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)