Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Lấn chiếm vỉa hè: “Căn bệnh” khó chữa?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bất chấp biển cấm, người dân vẫn vô tư lấn chiếm vỉa hè đường Trường Chinh (quận Tân Bình) để buôn bán
Lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Bởi trong khi các cơ quan chức năng càng ra sức xử phạt thì thực trạng trên càng lộng hành, kéo dài từ tháng này qua năm nọ. Phải chăng “căn bệnh” trên đã vô phương cứu chữa?
Quận nào cũng có
Ai cũng biết vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ lưu thông. Nhưng điều hiển nhiên ấy chẳng mấy ai quan tâm. Và hầu hết vỉa hè ở các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM cứ thế bị chiếm dụng tối đa để giữ xe, buôn bán, trưng bảng hiệu… Đó là các tuyến đường như: Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, Âu Cơ (quận Tân Bình), Hòa Bình, Phan Anh, Lê Văn Quới, Thoại Ngọc Hầu (quận Bình Tân), Sư Vạn Hạnh, Tô Hiến Thành, Thành Thái, Ngô Gia Tự (quận 10), Nguyễn Trãi, Lê Hồng Phong (quận 5)…
Theo ghi nhận của chúng tôi, vỉa hè các tuyến đường xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) như Nguyễn Chí Thanh, Lê Đại Hành, Thuận Kiều bị đội ngũ hàng rong lấn chiếm một cách thê thảm. Từ sáng sớm, hàng chục xe đẩy bán các loại hàng bún, phở, cháo, khoai lang, nước uống ngang nhiên chiếm trọn lòng đường Nguyễn Chí Thanh để bày bàn, ghế tạo nên khung cảnh bát nháo, khiến dòng xe cộ dù ít nhưng cũng phải chật vật lưu thông. Rác thải từ các mặt hàng trên thì người bán cứ xả thẳng xuống đường gây mất vệ sinh. Cùng chung “số phận” trên là đường Cống Quỳnh (Bệnh viện Từ Dũ, quận 1), đường Nơ Trang Long (Bệnh viện Ung bướu, quận Bình Thạnh), đường Sư Vạn Hạnh (Bệnh viện 115, quận 10)… hàng quán di động đua nhau mở ra để buôn bán.
Cô Lê Thị H., người dân ở đường Nguyễn Chí Thanh bức xúc: “Bao nhiêu lần dẹp, truy quét rồi cũng đâu vào đó. Ngày nào họ cũng tập kết từ vỉa hè đến lòng đường để bán gây mất an ninh trật tự. Người đi bộ phải vất vả lắm mới qua khu vực này được”.
Đường kiểu mẫu cũng không tha
Đường Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành, Thành Thái, Nguyễn Tri Phương… là những tuyến đường kiểu mẫu nhưng tình trạng lấn chiếm cũng không tha. Ban ngày, vỉa hè đường Tô Hiến Thành (đoạn từ giao lộ Sư Vạn Hạnh đến Hồ Bá Kiện, quận 10) bị lấn chiếm bởi các cửa hàng nội thất, xây dựng thì ban đêm tiếp tục bị tra tấn bởi quán ốc, quán lẩu… Bàn ghế bày la liệt trên vỉa hè. Chủ quán thì vô tư bán, thực khách í ới gọi món. Người đi bộ đành “ngậm đắng nuốt cay” mà đi dưới lòng đường với xe máy, xe ô tô, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Trong khi đó, đường Nguyễn Trãi (đoạn qua Trường ĐH Sài Gòn, quận 5) là điển hình cho việc bị lấn chiếm. Chỉ một đoạn ngắn vài trăm mét mà có tới hàng chục xe đẩy quần, áo, mũ bảo hiểm, khăn choàng, giày, dép… chiếm trọn vỉa hè, lòng đường cả 2 bên để buôn bán. Người bán thì cứ bán, còn người mua thì thỏa sức lựa chọn. Người đi đường chỉ biết than trời chứ không dám hó hé phàn nàn.
“Họ đuổi thì mình chạy thôi, chứ giờ không bán thì kiếm tiền đâu mà sống”, cô Tâm, quê Quảng Ngãi, bán hàng rong trên đường Nguyễn Trãi cho biết. Mới đây, có mặt tại cổng sau của Bệnh viện 115, chúng tôi nhận thấy khi xe công an phường tuần tra, đội ngũ hàng rong đua nhau đẩy xe chạy đi tránh. Nhưng chỉ vài phút sau, khi bóng dáng lực lượng này rút đi thì mọi chuyện trở lại như cũ, cảnh mua bán tấp nập cứ thế diễn ra. Chính cách giải quyết vấn đề nửa vời như thế đã vô tình dung túng cho việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán.
Đã có rất nhiều giải pháp được các quận, phường đưa ra để xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả. Một điều dễ nhận thấy là khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì hàng rong rút đi địa bàn khác, khi lực lượng này rút đi thì cảnh bát nháo, mất trật tự lại tiếp tục diễn ra. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ xoay vòng từ nhiều năm nay khiến người dân ngán ngẩm.
Rõ ràng, việc vỉa hè bị lấn chiếm, “trưng dụng” để buôn bán, kinh doanh không những gây ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương, nếp sống văn minh đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong khi chờ đợi các ngành chức năng đưa ra giải pháp căn cơ để xử lý thực trạng này thì người đi bộ chỉ còn cách đi dưới lòng đường và phải đối mặt tai nạn giao thông chực chờ.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận
Những tuyến đường gần chợ, trường học, bệnh viện, mặc dù có biển cấm nhưng vẫn bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Ở những khu vực này, cảnh hỗn loạn, bát nháo, mất an ninh trật tự diễn ra cả ngày lẫn đêm.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)