TP HCM sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ thứ 2 nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) bị mất việc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, giảm thuế cho các DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã cho biết như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM vào ngày 1-6.
Thông tin trên đem lại niềm vui cho nhiều DN và NLĐ, bởi hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều NLĐ và gia đình lâm vào cảnh khó khăn khi thiếu việc làm, mất việc làm, không có thu nhập. Đến khi có công việc trở lại thì cũng bấp bênh và thu nhập không ổn định. Cuối tháng 7-2020, chỉ sau hơn nửa năm khi dịch khởi phát, tại TP HCM có hơn 21.000 DN ngưng hoạt động và giải thể, kéo theo số vốn giảm hơn 12.600 tỉ đồng, hàng chục ngàn NLĐ bị mất việc làm, tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.
Trong năm 2020, TP HCM đã thực hiện gói hỗ trợ lần 1 cho nhiều đối tượng. Cụ thể, đã hỗ trợ cho 536.540 người dân với tổng số tiền gần 587 tỉ đồng; gần 110.900 người nghèo, cận nghèo được hỗ trợ hơn 83 tỉ đồng; 181.000 NLĐ mất việc nhận hỗ trợ với số tiền gần 181 tỉ đồng; hơn 53.000 NLĐ ngừng việc hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ gần 55 tỉ đồng; hơn 20.500 người bán vé số được hỗ trợ hơn 20 tỉ đồng. Các DN khó khăn được hỗ trợ 611 tỉ đồng, gia hạn 8.800 tỉ đồng tiền thuế cho DN…
Không chỉ riêng TP HCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và BHXH Việt Nam về việc xem xét giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ phải cách ly y tế khi những ngày qua dịch Covid-19 lan rộng ở một số khu vực, trong đó có DN ở một số khu công nghiệp. Theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động, NLĐ ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm thì người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, mức trả theo thỏa thuận giữa hai bên nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu trong 14 ngày nghỉ việc đầu tiên. Tuy nhiên, thời gian cách ly y tế để phòng chống dịch Covid-19 có thể kéo dài trên 14 ngày, do đó Bộ LĐ-TB-XH đề xuất xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ phải cách ly y tế theo 2 phương án: Địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên hoặc có tỉ lệ NLĐ tham gia BHXH bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên. Tán thành đề xuất này, song theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, điều kiện này là quá cao, rất khó để địa phương tiếp cận chính sách thụ hưởng (trừ tỉnh Bắc Giang vào cuối tháng 5-2021 có số ca mắc Covid-19 đã hơn 2.000 ca).
Trong khi khẩn trương, quyết liệt "chống dịch như chống giặc", việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 như TP HCM hay đề xuất chế độ BHXH cho NLĐ khi cách ly y tế là rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là hãy sớm thực thi và linh hoạt trong chính sách BHXH để NLĐ được hỗ trợ nhanh chóng, không bị những thủ tục rườm rà, nặng nề cản trở. Chăm lo cho đội ngũ NLĐ và DN để kéo dài sức chống chịu trước đại dịch, không để đứt gãy sản xuất, giữ được đà tăng trưởng trong thực hiện mục tiêu kép.
THÔNG ĐẠT (theo NLĐ)
Bình luận (0)