Sự kiện giáo dụcTin tức

UBND thành phố trao quyết định thành lập các cơ quan báo chí trực thuộc

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29-4, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định thành lập cơ quan báo chí thuộc UBND TP và trao quyết định cán bộ. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì lễ công bố. Tham dự còn có ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng lãnh đạo các sở ngành và lãnh đạo các cơ quan báo chí.


Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM (ngoài cùng bên phải) nhận Quyết định thành lập Tạp chí Giáo dục TP.HCM thuộc UBND TP.HCM

Tại buổi lễ, ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP đã công bố 5 quyết định của UBND TP về thành lập 5 cơ quan báo chí thuộc UBND TP.HCM.

Cụ thể, quyết định thành lập Báo Pháp luật TP.HCM thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Báo Pháp luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP.

Quyết định thành lập Tạp chí Giáo dục TP.HCM thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Báo Giáo dục TP.HCM thuộc Sở GD-ĐT TP.

Quyết định thành lập Tạp chí Du lịch TP.HCM thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Tạp chí Du lịch TP.HCM thuộc Sở Du lịch TP.

Quyết định thành lập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Báo Doanh nhân Sài Gòn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.

Quyết định thành lập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tổ chức lại Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công thương TP.


Ông Nguyễn Thanh Tú nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM từ Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong

Cũng tại buổi lễ, bà Ngô Thị Hoàng Các – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP về bổ nhiệm lãnh đạo 5 cơ quan báo chí thuộc UBND TP, gồm 5 tổng biên tập và 4 phó tổng biên tập.

Theo đó, UBND TP quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tú – Nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM thuộc Sở GD-ĐT TP giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM thuộc UBND TP. Thời gian giữ chức vụ 5 năm.

Quyết định bổ nhiệm ông Mai Ngọc Phước – nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM thuộc UBND TP.

Quyết định bổ nhiệm ông Trần Hoàng – nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Doanh nhân Sài Gòn thuộc Hiệp hội doanh nghiệp TP giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn thuộc UBND TP.

Quyết định bổ nhiệm ông Trần Minh Hùng – nguyên Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công thương TP giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thuộc UBND TP.

Quyết định điều động và bổ nhiệm bà Lương Thị Bích Ngọc – Tổng Biên tập Tạp chí Khám phá thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TP thuộc UBND TP.

Quyết định bổ nhiệm ông Phan Chiến Thắng – nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công thương TP giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thuộc UBND TP.

Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Hữu Chương – nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công thương TP giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn thuộc UBND TP.

Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Chương – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM thuộc UBND TP.

Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hiển – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM thuộc UBND TP.

Phát biểu giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đội ngũ nhà báo TP.HCM chiếm 10% đội ngũ cả nước, số lượng cơ quan báo chí chiếm 25% của cả nước, các cơ quan báo chí hoạt động đầy đủ các loại hình báo chí.  Công bố quyết định thành lập cho 5 cơ quan báo chí thuộc UBND TP, đánh dấu bước hoàn thành đầu tiên trong chặng đường sắp xếp lại hệ thống báo chí TP đến năm 2025, đồng thời cũng tạo điều kiện để các cơ quan báo chí đi vào hoạt động thuận lợi trên cương vị mới.


Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố quyết định thành lập cơ quan báo chí thuộc UBND TP và trao quyết định cán bộ

“Như vậy, có thể nói, công tác quy hoạch quản lý báo chí của TP đã cơ bản đúng phương án và lộ trình đề ra. Lãnh đạo TP ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp từ các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và các đơn vị sở, ngành trong Tổ Công tác Đề án”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết. Thời gian tới, TP kỳ vọng vào những thành quả mà các cơ quan báo chí gặt hái được. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí cần đảm bảo bám sát tôn chỉ, mục đích, chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo nhằm ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong tình hình mới. Cùng với đó, các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân. Trong bối cảnh mạng xã hội và internet ngày càng lớn mạnh, từng cơ quan báo chí cần đẩy nhanh các ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, vì sự phát triển bắt buộc phải đi song hành cùng với tinh thần đổi mới sáng tạo, sức mạnh trí tuệ và làm chủ công nghệ.

“Các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, nâng cao tính chiến đấu, phát huy nội lực, làm tròn trọng trách là cầu nối để đưa những chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Thành phố đặt ra trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025 được UBND TP phê duyệt vào ngày 22-5-2020. Hoạt động báo chí TP.HCM đa dạng và phong phú. Tính đến nay, trên địa bàn TP có 24 cơ quan báo chí của TP (trước sắp xếp là 30 cơ quan báo chí), 150 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú tại TP.HCM, 12 cơ quan báo chí của nước ngoài và 2.108 nhà báo chuyên nghiệp đang hoạt động trên địa bàn (với 1.436 nhà báo TP và 672 nhà báo của các văn phòng đại diện tại TP.HCM). Có 15 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 47 đơn vị hoat động truyền hình thu qua vệ tinh (TVRO). TP được đánh giá là địa phương có hoạt động báo chí, truyền thông sôi nổi bậc nhất cả nước khi số lượng đội ngũ nhà báo chiếm 10% cả nước, số lượng cơ quan báo chí chiếm 25% cả nước và hoạt động với đầy đủ 4 loại hình báo chí: báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử.

N.Trinh

Bình luận (0)