Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo môn ngữ văn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cũng từ đầu năm học này, Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn tinh giản chương trình môn ngữ văn lớp 12. Vậy học sinh chú ý gì về đề thi (2 năm vừa qua) và nội dung chương trình để ôn tập cho đúng trọng tâm và hiệu quả?
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) trong giờ học môn ngữ văn. Ảnh: Đ.Yến
Bám sát văn bản đọc hiểu
Theo 2 đề thi tham khảo của năm 2020, có thể thấy phần đọc hiểu văn bản (3 điểm) cũng với 1 văn bản và 4 câu hỏi theo mức tăng dần độ khó. Tuy nhiên, cả 2 văn bản đều ngắn gọn, các câu hỏi cũng đơn giản hơn, dễ có điểm và giống nhau về yêu cầu. Chẳng hạn, câu 1 (0,5 điểm) là xác định phương thức biểu đạt; câu 2 (0,5 điểm, “theo đoạn trích”) cũng dựa vào văn bản; câu 3 (1 điểm) cũng dựa vào văn bản cho biết 1 ý kiến; câu 4 cũng giống nhau ở chỗ suy nghĩ riêng của bản thân. Để làm tốt phần này, các em cần đọc kỹ và bám sát văn bản. Với câu 1, chú ý từ “chính” vì chỉ được trả lời 1 phương án, nắm vững kiến thức về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, các phép liên kết; các phép tu từ, thể thơ (nếu đề cho văn bản thơ). Câu 2 đòi hỏi các em bám sát văn bản để tìm ý và trả lời càng đầy đủ càng tốt. Câu 3 cũng yêu cầu các em dựa vào văn bản để giải thích thấu đáo. Với câu 4, phải có chính kiến rõ ràng. Chẳng hạn, với câu hỏi “đồng tình hay không” (đề lần 1), các em nên trả lời cả 2 mặt và phải lý giải thấu đáo.
Với phần đọc hiểu của đề thi tham khảo năm 2021 vừa rồi có phần giảm nhẹ độ khó, chủ yếu tập trung vào nhận biết và thông hiểu. Như câu 1, xác định thể thơ (tự do). Câu 2: chỉ ra 2 hình ảnh trong văn bản diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung (chẳng hạn: trên nắng và dưới cát, mảnh đất nghèo mồng tơi không chịu rớt…). Câu 3: từ 3 câu thơ (Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật), thí sinh “hiểu gì” về “mảnh đất” và “con người” miền Trung. Câu này gồm 2 vế, yêu cầu các em phải phân tích câu hỏi để trả lời cho đúng. Gợi ý trả lời như sau, về mảnh đất: dải đất hẹp, như lưng con ong (kiến thức địa lý); về con người: thân mật, thủy chung, son sắt…, như đọng mật. Ở câu 4 phần đọc hiểu, các em chú ý là “nhận xét về tình cảm của tác giả với miền Trung” chứ không phải tình cảm của bản thân thí sinh. Vì câu hỏi này thường nêu suy nghĩ bản thân. Để trả lời, các em chú ý đoạn thơ gồm 3 khổ, mỗi khổ tương đương với 1 ý. Chẳng hạn, các em có thể nêu: tình cảm yêu mến, gắn bó, day dứt… của tác giả với miền Trung qua những câu ví dặm (5 câu đầu); sự thương cảm của nhà thơ với đời sống nghèo khổ, khó khăn, thiên tai của người dân miền Trung (6 câu giữa); và sự quý trọng của tác giả về người dân miền Trung nghĩa tình, son sắt… (5 câu cuối). Muốn làm tốt phần này, ngoài việc nắm vững kiến thức đọc hiểu, các em cần có kỹ năng phân tích câu hỏi, kỹ năng trình bày hiệu quả, thuyết phục.
Tìm ý trước khi viết đoạn văn
Câu viết đoạn văn của đề thi tham khảo năm 2021 bàn về “sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách” rất có ý nghĩa xã hội và tính giáo dục. Câu hỏi vừa gợi mở về tình người trong hoạn nạn nói chung nhưng cũng có tính thời sự khá rõ. Đó là việc cả nước hướng về miền Trung ruột thịt trong những trận bão lụt lịch sử xảy ra ở miền Trung vừa qua. Muốn làm bài thuyết phục, các em phải có những hiểu biết thời sự và dẫn chứng cụ thể.
Mặc dù theo đáp án của đề thi THPT, với đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ), các em phải viết đúng vào trọng tâm yêu cầu của đề. Tuy nhiên, thực tế khi chấm thi, giám khảo thường cho điểm cao đối với những bài vừa làm đủ ý vừa có thêm phần mở rộng, liên hệ. Tốt nhất là các em nên chọn cách viết theo hình thức “tổng – phân – hợp”. |
Mặc dù theo đáp án của đề thi THPT, với đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ), các em phải viết đúng vào trọng tâm yêu cầu của đề. Tuy nhiên, thực tế khi chấm thi, giám khảo thường cho điểm cao đối với những bài vừa làm đủ ý vừa có thêm phần mở rộng, liên hệ. Tốt nhất là các em nên chọn cách viết theo hình thức “tổng – phân – hợp”: ở phần “tổng”, giới thiệu trực tiếp vấn đề, nếu có ý kiến phải trích dẫn lại ý kiến ấy (1, 2 câu); ở phần “phân” cần trả lời trực tiếp vào trọng tâm của yêu cầu đề, có giải thích ngắn gọn nếu thấy cần thiết và đưa dẫn chứng minh họa (nên lấy 1, 2 dẫn chứng vào cuối phần này). Có thêm ý phê phán/ bác bỏ mặt trái (1 câu); ở phần “hợp” là tóm lại vấn đề, nêu thêm ý nghĩ/ bài học cho xã hội, bản thân (1, 2 câu).
Xây dựng dàn bài hợp lý
Với câu nghị luận văn học, các em cần chú ý các tác phẩm bắt buộc và tự học có hướng dẫn của lớp 12. Theo đó, học kỳ II có 3 bài bắt buộc, gồm: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Và 2 bài tự học có hướng dẫn, gồm: Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (hình tượng cây xà nu ở phần đầu truyện và nhận vật Tnú từ phần giữa truyện cho đến hết), Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ (màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích). Khi ôn tập, các em nên hệ thống theo thể loại tác phẩm và chú ý các đặc trưng của nó. Cần đọc kỹ tác phẩm để tóm tắt và hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật. Theo đề minh họa, với văn xuôi, đề sẽ cho một đoạn/ phần/ chi tiết trong tác phẩm (đề lần 1: Cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài trong Vợ chồng A Phủ); và với thơ, đề cho một đoạn thơ (đề lần 2: Cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong khổ 1 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng). Cho nên, các em cần rèn cách xây dựng một dàn bài hợp lý khi triển khai. Nắm vững giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm; phong cách nghệ thuật, bút pháp của tác giả. Ngoài ra, các em cần rèn thêm các kỹ năng như diễn đạt, so sánh, cách đưa dẫn chứng liên hệ vào bài làm.
Đề tham khảo năm 2021 cũng có 2 vế yêu cầu. Vế đầu (phân tích hình tượng sông Hương qua đoạn trích) là yêu cầu cơ bản. Vế sau khó hơn, phân loại thí sinh nhiều hơn (nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường). Các em muốn làm tốt vế sau phải có hiểu biết sâu sắc về tính trữ tình trong bút kí, về bút pháp và phong cách của tác giả. Đây là cách yêu cầu thường thấy của đề thi về thơ, văn xuôi và cả văn bản kịch. Vì vậy, các em cần nắm chắc tác giả, tác phẩm và biết cách xây dựng bố cục hợp lý, kể cả liên hệ, so sánh.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)