Học sinh phải vất vả khi đi vào những tuyến đường bị ngập nước. (Ảnh chụp trên đường Hòa Bình, Q.11)
|
Cứ vào mùa mưa, người dân TP.HCM lại ngán ngẩm bởi tình trạng đường phố chìm trong biển nước. Thực trạng trên kéo dài từ nhiều năm qua nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Mưa 15 phút, đường biến thành sông
Liên tiếp trong những ngày qua, người dân ở khu vực quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức (TP.HCM)… phải sống chung với tình trạng ngập nước chẳng khác gì tình hình bão, lũ đang diễn ra ở các tỉnh miền Trung. “Lũ” tấn công đường phố, trường học, nhà dân khiến người dân sống trong cảnh dở khóc, dở cười.
Cụ thể như cơn mưa chiều 17-10 có lượng mưa 35mm kết hợp với triều cường 1,4m gây ngập nặng nhiều tuyến đường tại TP.HCM như Hòa Bình (Q.11), Nguyễn Văn Quá (Q.12), Tân Hòa (Q.6), Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú)… Đây là ngày thứ 2 liên tiếp người dân phải vật lộn với tình trạng đường bị ngập nước.
Có mặt tại đường Hòa Bình, chúng tôi ghi nhận, cả một đoạn đường dài bỗng chốc biến thành biển nước đen ngòm. Hàng xe gắn máy lưu thông qua đều bị chết máy. Người dân phải lội bì bõm dưới dòng nước hôi thối để về nhà. Xe buýt, xe tải chạy qua tạo nên những con sóng mạnh khiến người đi đường chới với, nhiều trường hợp bị té ngập trong nước.
Người dân sống dọc đoạn đường này cho biết, chỉ cần mưa khoảng 15 phút thì nước dưới cống đã tràn lên, hòa cùng nước mưa gây ngập trên diện rộng. Ở những khu vực thấp, nơi ngập sâu nhất cao hơn 1m. Không những giao thông bị ách tắc mà sinh hoạt của người dân cũng bị xáo trộn. “Nước ngập nhanh lắm, chỉ cần mưa to một chút là cũng đủ gây ngập rồi. Nếu không nhanh tay dọn đồ thì sẽ bị chìm trong nước”, anh Lê Văn H., người dân trên đường Hòa Bình cho biết.
Bao giờ hết ngập?
Phụ huynh phải vào tận chân cầu thang của Trường Tiểu học Hòa Bình để đón con |
Trường Tiểu học Hòa Bình nằm trên đường Hòa Bình được xem là ngôi trường bị “lũ” giữa thành phố. Nước tràn vào sân, vào tận phòng của học sinh và phòng giáo viên. Phụ huynh phải chạy xe máy vào tận chân cầu thang để đón con, em của mình. Còn giáo viên phải bỏ xe máy lại ở trường để đi bộ về nhà. Bảo vệ trường này cho biết: “Cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều khổ. Nước ngập lênh láng như thế này thì làm sao mà đi được. Mấy phòng học dưới tầng trệt bị ngập hết. Chúng tôi phải kê hết đồ đạc lên bàn để không bị ướt. Không biết bao giờ ngôi trường này mới hết ngập đây?”. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều phụ huynh cho biết học sinh đi học ở thành phố cũng khổ như ở miền Trung.
Tình trạng đường ngập nước không những gây kẹt xe mà còn ảnh hưởng việc kinh doanh, buôn bán của người dân. Anh P., chủ cửa hàng thời trang cho biết: “Đường ngập thì bán cho ai được, đi lại còn khó nói gì là buôn bán. Mỗi khi trời mưa là tôi lại lấy bao cát đắp lên để ngăn không cho nước vào nhà. Thời giờ đâu mà bán buôn”.
Bao giờ đường hết ngập? Đó là câu hỏi mà người dân đặt lên bàn của cơ quan chức năng từ nhiều năm nay nhưng chưa có được trả lời thỏa đáng. Mỗi khi trời mưa thì đường phố vẫn cứ ngập mênh mông. Và năm sau ngập cao hơn năm trước.
Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhiều khả năng đỉnh triều sẽ đạt mức cao nhất trong năm vào tháng 11 hoặc tháng 12 tới. Với đỉnh triều này, không chỉ gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM mà một số tuyến đê bao cũng có thể bị vỡ, gây ngập úng cục bộ. Với những diễn biến bất thường của thời tiết cộng với tình trạng triều cường xảy ra thì nhiều tuyến đường ở phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước… (Q.Thủ Đức); Bàu Cát, Đồng Đen, Lê Hồng Đào… (Q.Tân Bình); các tuyến đường ở phường 27, 28 (Q.Bình Thạnh) sẽ tiếp tục bị ngập nặng.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận
Bình luận (0)