Xe 4 chỗ của PH xếp hàng chờ đón con (ảnh chụp trước cổng trường Mầm non 19-5 Thành phố (Q.1) chiều 9-11)
|
Mở cổng trường để phụ huynh (PH) vào sân chờ đón con, tuần tự từng lớp học ra về; phối hợp với lực lượng an ninh khu vực để ổn định giao thông trước cổng trường… là những biện pháp mà các trường học áp dụng để giảm thiểu ùn tắc trong giờ cao điểm.
Mới đây, một số trường đưa ra ý kiến: Tìm chỗ cho PH đứng chờ con; di dời trạm xe buýt sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn. Thế nhưng, những giải pháp này xem chừng cũng không mấy khả thi.
“Miễn sao đón được con…”
Trong khi nhiều PH có ý tứ, đến đúng giờ, xếp hàng trật tự để đón con vừa giảm ùn tắc lại đảm bảo an toàn giao thông thì một số PH lại vô tư đứng hàng ngang, hàng dọc khắp lòng lề đường; một số khi lùi xe, quay đầu xe không bận tâm quan sát trước sau, khiến người lưu thông phía sau phải luôn trong tư thế đạp phanh, chú ý cao độ để nhường đường. Theo quan sát của chúng tôi tại Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (nằm trên tuyến đường Âu Cơ, Q.Tân Bình), THCS Châu Văn Liêm (đường Phan Đăng Lưu, Q.Tân Phú)… thì không khó bắt gặp quang cảnh này. Các trường đều nằm trên các trục đường có lượng xe lưu thông nhiều, xe lớn xe nhỏ đều có, thế mà có những PH đứng chờ khá lộn xộn hoặc đi đứng khá ẩu. Anh Minh Hoàng, chờ đón con tại Trường THCS Phạm Ngọc Thạch lắc đầu chia sẻ: “Mặc cho tiếng còi xe phía sau, xung quanh, một số PH cứ đứng ì dưới lòng đường, miễn sao đón được con. Còn việc vô tư lùi xe, quay đầu xe mà không quan sát xe lớn nhỏ xung quanh… rơi vào những tình huống nguy hiểm thì không ít”.
So với các trường trên, tại Trường Mầm non 19-5 Thành phố (đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1) cũng khiến người đi đường khó chịu. Thời gian bắt đầu kẹt vào tầm 4 rưỡi chiều. Nguyên nhân khá đặc biệt là do có quá nhiều xe 4 chỗ đứng dài dài trước cổng chờ đón học sinh. Chiếc này từ từ đi, chiếc khác lại đến, một số chiếc đứng cả 5-10 phút mới chịu đi. Tình cảnh trên khiến các xe lớn khác đứng xếp hàng, xe nhỏ 2 bánh tìm cách len lỏi trong dòng xe lớn, hoặc lấn lên lề đường 2 bên mà đi hoặc đứng chôn chân cùng xe lớn…
Ông Trần Quốc Dũng hàng ngày lưu thông trên đường này bức xúc: “Không biết bao giờ mới chấm dứt cảnh xe gắn máy cứ phải len lỏi vào đầu dòng xe lớn. Đây là đoạn đường có diện tích bề ngang nhỏ, hàng ngày lại có nhiều xe, đặc biệt là xe khách du lịch, xe buýt lưu thông không ít. Thế mà PH cứ đi xe ô tô đến đón con. Nếu đến đậu vài ba phút rồi đi ngay thì không ai nói, đằng này đứng chờ cả 5, 10 phút thì nên xem lại. Giá như PH tới đúng giờ thì đường cũng không đến nỗi kẹt cứng”.
Liệu có giảm ùn tắc?
Phụ huynh đón con không có chỗ để xe nên đậu xuống lòng đường trước cổng trường THCS Chu Văn An trên đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Anh Khôi
|
Có thể nói vấn đề lộn xộn, ùn tắc giao thông trước cổng trường không có gì mới mẻ. Nhiều trường đều đẩy mạnh biện pháp xưa nay đã làm là mở cổng trường để PH đi thẳng xe vào sân chờ đón con; từng khối xếp hàng về theo thứ tự, mỗi khối cách nhau vài phút; tuyên truyền PH nên đón con đúng giờ, đứng rải rác cách cổng trường khoảng 100m… Thế nhưng vẫn không thể xóa hết tình trạng ùn tắc.
Để tìm cách tháo gỡ khó khăn trên, những ngày qua Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở GTVT thành phố tiến hành khảo sát tình hình giao thông trước cổng trường ở một số quận – huyện, theo đó tìm ra giải pháp xóa bỏ ùn tắc. Nhiều kiến nghị cho rằng cần tìm khu vực để PH đứng chờ đón con; có kiến nghị cho rằng trạm xe buýt gần cổng trường là nguyên nhân gây ùn tắc, thế nên cần di dời cách xa trường ngay… Tuy nhiên, những giải pháp này xem ra không thể tháo gỡ hết toàn bộ khó khăn.
Thầy Dương Tấn Phước, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình (Q.Tân Bình) chia sẻ: “Trường tôi cách khá xa trạm xe buýt nên không cần di dời gì cả. Nhưng tìm chỗ cho PH đứng thì rất khó. Như trên đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám này, phần lớn mặt bằng được cho thuê làm kinh doanh thu lợi nhuận cao hơn việc cho thuê làm bãi giữ xe thì lấy đâu chỗ để PH đứng. Còn vỉa hè xung quanh cổng trường học nhỏ hẹp, những người buôn bán hàng rong cũng đã chiếm hết chỗ, vì thế giải pháp này chẳng phải dễ thực hiện”.
Cô Phạm Thị Phước (Phó trưởng phòng Mầm non, Q.Tân Bình) cũng cho biết: “Dời trạm xe buýt là cách làm hay vì các trạm này “góp phần” gây ách tắc trước cổng trường không nhỏ. Nhưng đây chỉ là giải pháp dành cho trường gần trạm”. Cô Phước cho rằng, ùn tắc là thực trạng chung xưa nay của các trường nằm trên những tuyến đường chính. Thực trạng càng khó khăn hơn vì mật độ xe lưu thông ngày một đông lên. Để xóa bỏ hoàn toàn chỉ còn cách đập trường cũ, xây trường mới, mở rộng sân trường. Nhưng biện pháp này chẳng dễ. Vì thế các trường nên tiếp tục đẩy mạnh các cách làm cũ như mở cổng trường để PH đi thẳng xe vào sân chờ đón con; từng khối xếp hàng về theo thứ tự, khuyến khích HS gửi xe đạp ở những địa điểm cách trường vài trăm mét rồi đi bộ đến trường, phối hợp với lực lượng an ninh để đảm bảo trật tự… tùy vào đặc điểm từng trường để thực hiện. Năm nay, Q.Tân Bình khuyến khích các trường gần nhau, cùng nằm trên một trục đường thì nên cho HS ra về chệch giờ, cách nhau khoảng 15-20 phút. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền đến PHHS nên đón con đúng giờ, thỏa thuận đón tại một điểm cố định, nếu cổng trường quá đông nên đứng chờ đón con cách trường khoảng 100m, tránh lộn xộn cũng như đảm bảo an toàn lẫn nhau.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Ý thức của PH là rất quan trọng
Cô Bùi Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non 4 (Q.3) nhận định: “Ý thức chấp hành Luật Giao thông của PH là rất quan trọng. Hiểu được khó khăn trước cổng trường thì chính bản thân PH nên thu xếp giờ giấc đón con một cách phù hợp, không đứng quá lâu trước cổng để nhường chỗ cho người khác để cổng trường không lộn xộn, giảm ùn tắc và hơn hết là đảm bảo an toàn cho cả PH lẫn HS”.
|
Bình luận (0)