Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giao thông khiến hình ảnh Việt Nam xấu đi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sáng thứ hai (11-11), hàng triệu học sinh trên khắp cả nước đã dành những phút trong giờ chào cờ để hưởng ứng ngày tưởng niệm các nạn nhân đã mất vì tai nạn giao thông. Nhiều em đã bộc lộ cảm xúc của mình qua các bài viết, hình ảnh, clip. Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng những dòng suy nghĩ của em Ngọc Phượng, học sinh Trường THPT Nhân Việt về tình hình giao thông tại Việt Nam.
1. Những du khách nước ngoài thường nói đùa với nhau “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”. Mặc dù chỉ là câu nói pha chút hài hước nhưng không phải ngẫu nhiên mà du khách nước ngoài lại có thể đùa một cách… hồn nhiên như vậy. Chính thực trạng giao thông tại Việt Nam đã chứng minh cho lời nói nửa thật nửa đùa đó. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng đánh giá tai nạn giao thông ở Việt Nam nằm trong tình trạng chung của các nước đang phát triển và có nguy cơ tăng cao.
Lâu nay, tai nạn giao thông gây nhiều hậu quả tới mức người ta chẳng muốn kể ra và cũng chẳng thể kể hết. Với xã hội, không chỉ nhân mạng mất đi mà còn gây thiệt hại ở mọi mặt. Tai nạn giao thông có thể bóp méo giá trị tinh thần trong đời sống hằng ngày của chúng ta bởi thời điểm nghỉ lễ mà ai ai cũng mong chờ để được dành thời gian cho những người thân yêu trong gia đình lại chính là thời điểm tai nạn giao thông tăng đột biến với mức độ thảm khốc hơn bình thường. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua có 110 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương tích. 110 mạng người bị tử thần cướp đi, hỏi ai có thể vui cho được?
2. Những biểu hiện ý thức kém thường thấy nhất thì có thể gặp ở mọi nẻo đường, cứ chỗ nào có xe là chỗ ấy có người vi phạm. Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, vượt đèn đỏ, đi tắt bục, dàn hàng ngang trên đường, đi sai làn đường, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông… là những lỗi thường thấy trên các tuyến đường giao thông ở Việt Nam. Người tham gia giao thông chẳng những không nhường nhịn mà còn cố giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, rồi khi va chạm nhẹ là đủ các kiểu cố tình ăn vạ, hung hăng đòi đánh người, hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật. Rất nhiều, rất nhiều những biểu hiện của ý thức tham gia giao thông xuống cấp đang tồn tại ngay trong xã hội chúng ta. Bi kịch thực sự của việc vô ý thức là hầu hết mọi người đều không hiểu, không hình dung ra, không có ý thức ngăn chặn hậu quả của tai nạn giao thông cho tới khi chính mình phải hứng chịu mất mát, để rồi sự việc trở thành nỗi ám ảnh suốt đời không gì thanh tẩy được. Đó chính là nỗi giày vò không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn gieo rắc đau buồn cho người sống. Cái “họa trên trời” ấy không mắt không tai, nó chia lìa những người thân thuộc, máu mủ, nó tước đi niềm hi vọng của gia đình và cộng đồng, gây bao tang tóc bi thương, cảnh nhà tán gia bại sản… cũng đều vì tai nạn.
3. Một tỉ lệ chiếm tới 20% nguyên nhân gây tai nạn nữa đó là do chất lượng của các công trình giao thông chưa đảm bảo, cơ sở vật chất chưa được tu bổ đúng thời hạn, vấn đề quản lý còn nhiều bất cập… Thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra quả thật rất đáng báo động: Người chết, tàn tật không chỉ là nỗi mất mát về tinh thần và của cải đè nặng lên từng mái nhà, mà còn khiến hình ảnh đất nước Việt Nam nhỏ bé trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế… Chúng ta có hướng tới tương lai tươi sáng ngày mai được không nếu cặn bẩn hôm nay vẫn còn? Chừng nào tháo gỡ được những xiềng xích mà tai nạn giao thông là một trong số đó thì dân tộc Việt Nam mới bước đi mạnh mẽ được. Nhìn vào tác hại khôn cùng của tai họa, âu cũng là động lực hướng cho ta chống lại chúng, nếu vẫn còn lương tri và nhiệt huyết.
Linh Vy (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)