Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đi đến trường bằng đường thủy: Hiểm họa chực chờ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dù có người lớn đi cùng nhưng học sinh tự chèo xuồng như thế này rất nguy hiểm
Cách trung tâm thành phố không xa, ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh vì đường sá đi lại cách trở, có không ít học sinh phải đến trường bằng xuồng, đò thiếu an toàn.
Trẻ tự chèo xuồng đi học
6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại con rạch thuộc ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đó là một nhánh rẽ từ Rạch Trắng (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) trước khi đổ ra sông Lòng Tàu với bốn bề là dừa nước, sình lầy khi con nước xuống. Bên kia con rạch, một chiếc xuồng câu nhỏ chuẩn bị xuất bến với 3 cô cậu học sinh. Không như mọi khi, chiếc xuồng cập bến tại một địa điểm khác cách đó gần 100m vì bến cũ bị sạt lở nặng. Người chèo là ông Trần Văn Tài (ngụ ấp 3, xã Phước Lộc), người có gần 25 năm chở hết con rồi đến cháu tới trường bằng xuồng, cho biết 3 đứa trẻ kia là con, cháu của ông học Trường TH Bùi Thanh Khiết và Trường THCS Phước Lộc. Trong ngần ấy năm, ông không nhớ đã biết bao lần bị tai nạn. “Có lẽ ông trời thương, nhiều lần gió mạnh, nước chảy xiết cuốn lũ trẻ nhưng không đứa nào bị gì hết”, ông Tài bồi hồi nhớ lại.
Ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè có diện tích khá rộng, lại nằm ven kênh rạch và chia thành hai khu. Một nằm bên kia con rạch với khoảng 300 hộ gia đình và một nằm tiếp giáp với địa phận xã Phước Kiển, chạy dài theo con đường Đào Sư Tích. Phần lớn nhà đều nằm ở mé rạch, chẳng có đường liên ấp, liên xã vì sông rạch cắt ngang chằng chịt. Đó cũng là lý do mà hàng chục năm nay, phương tiện đi lại duy nhất của người dân là xuồng. Chứng kiến những chiếc xuồng cũ kỹ chòng chành trên sóng nước ngày mấy lượt đi về mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Gần 20 năm rồi, bến đò Bảy Bé do hộ bà Nguyễn Thị Chín làm chủ đã đưa vào hoạt động, giúp người dân đi lại an toàn hơn, trong đó đối tượng học sinh được miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, vì nhiều gia đình sống ở xa, đến được bến đò rất khó khăn nên đã chọn giải pháp đi xuồng của gia đình.
Tại xóm Gò thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh mặc dù đã được các nhà hảo tâm, Thành đoàn TP.HCM hỗ trợ xây dựng cầu bê tông, đường đi lại không còn cách trở nhưng người dân vẫn còn thói quen đi xuồng cho… tiện. Bà Nguyễn Thị Dung, ngụ xóm Gò nói: “Xuồng cập trước nhà, cần đi đâu là chèo đi, khỏi mất công đẩy xe ra rồi phải đi đường vòng mới đến cầu”. Một lý do nữa hàng ngày người dân đi xuồng vì những hôm nước lên, các con đường men theo kênh rạch đều ngập chìm trong nước.
Những cái chết được báo trước

Đưa học sinh đến trường bằng chiếc ghe cũ nát, mong manh. Ảnh chụp tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.Ảnh: Trọng Tri
Liên tục trong nhiều năm qua, tại TP.HCM nói chung và địa bàn huyện Nhà Bè nói riêng, số vụ TNGT đường thủy ngày càng tăng, đặc biệt là những chuyến đò ngang tự phát. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng không thể không nhắc đến ý thức của người tham gia giao thông, quá dễ dãi với chính mình. Không chỉ có những chuyến đò tự phát của các hộ gia đình, các chuyến đò được chính quyền địa phương đầu tư cũng không an toàn. Bến đò Trâm Bầu, nối hai địa phương huyện Nhà Bè (TP.HCM) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) là một ví dụ. Đây là một trong hai bến đò phục vụ người dân, cũng như học sinh đi lại giữa hai địa phương này. Điều dễ dàng nhận thấy là trên đò luôn trang bị sẵn áo phao nhưng người đi đò không hề mặc, chủ đò cũng không nhắc nhở. Anh Võ Thanh Bảo, người bán cá ở chợ Cần Giuộc nói: “Tôi đi qua lại con đò này hơn chục năm rồi, ý thức của người dân còn rất kém, hiếm khi nào thấy khách mặc áo phao”.
Cũng trên địa bàn huyện Nhà Bè, xã Hiệp Phước có nhiều bến đò ngang hoạt động không phép. Trong đó, ấp 3 và ấp 4 có nhiều bến đò nhất. Không chỉ có những chuyến đò đi lại từ ấp này sang ấp kia, xã này sang xã khác mà còn có những chuyến đi xa như sang xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ hoặc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Trông những con đò nhỏ, mong manh len lỏi giữa luồng lạch thường xuyên có sà lan, tàu hàng trăm tấn mà không khỏi ái ngại.
Phó chủ tịch UBND xã Phước Lộc Nguyễn Thị Diệu Hạnh cho biết: Nhiều năm nay các trường học nằm trên địa bàn xã cũng đón nhận học sinh từ các xã của huyện Bình Chánh. Do đặc thù vùng sông nước nên phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là xuồng, đò. Riêng những hộ nằm bên kia ấp 3, mặc dù đã có đò máy lớn nhưng phụ huynh vẫn còn đưa đón con bằng xuồng nhỏ của gia đình. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện, các hộ gia đình nâng cao ý thức, đề phòng tai nạn xảy ra.
Bài, ảnh: Trần Anh
Thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã nỗ lực trong công tác kiểm tra, siết chặt hoạt động đò ngang trên các địa bàn Q.7, Q.8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ… Mới đây, tại huyện Nhà Bè, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện nhiều bến đò hoạt động không phép. Trong đó, các phương tiện do bà Hồ Thị Thủy (xã Phú Xuân) làm chủ đều không có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, không có bằng thuyền trưởng…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)