Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Dời thời hạn phạt “xe không chính chủ”: Mừng ít lo nhiều!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mức phạt đối với mô tô, xe máy “không chính chủ” theo nghị định mới nhất  là 100.000-200.000 đồng
Cùng với việc giảm nhiều mức phạt hành chính về các vi phạm giao thông thì việc dời thời hạn xử phạt “xe không chính chủ” đến năm 2015 đối với xe ô tô và năm 2017 đối với xe máy là một trong những nội dung mới nhất của nghị định 171/2013/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành. Tuy nhiên mừng ít lo nhiều là tâm trạng của người dân trong khi chờ nghị định này có hiệu lực.
Hành trình của quy định chế tài
Quy định xử phạt hành chính về lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện giao thông (xe không chính chủ) khởi nguồn vào ngày 1-3-2013. Theo đó, hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị xử phạt từ 800.000-1.200.000 đồng đối với mô tô, xe gắn máy; còn đối với xe ô tô sẽ bị xử phạt từ 6.000.000-10.000.000 đồng. Tuy nhiên, quy định xử phạt lỗi “chính chủ” này đã gặp phải sự phản ứng của dư luận và có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Gần đây nhất, nghị định 171/2013/NĐ-CP được ban hành hôm 13-11-2013. Trong đó quy định phạt “xe không chính chủ”… đã được sửa đổi để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế. Cụ thể: Đối với quy định về xử phạt “xe không chính chủ”, mức phạt đối với mô tô, xe máy giảm xuống còn 100.000-200.000 đồng (mức phạt trước đây là 800.000-1.200.000 đồng); mức phạt đối với ô tô là 1.000.000-2.000.000 đồng (mức phạt trước đây là 6.000.000-10.000.000 đồng).
Thời điểm áp dụng quy định xử phạt “xe không chính chủ” dự kiến đối với xe ô tô từ 1-1-2015 và đối với mô tô, xe máy từ 1-1-2017. Cũng theo quy định này, việc xác minh và xử phạt “xe không chính chủ” chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên cũng như qua công tác đăng ký xe, chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Mừng ít lo nhiều
Kể từ hôm biết quy định trên, anh Huỳnh Văn An, tài xế xe ôm ở chợ phường 25, Bình Thạnh, TP.HCM lo lắng không yên: “Chiếc xe Future đời 2003 tôi mua giá 20 triệu đã qua 2 đời chủ, nên bây giờ làm giấy sang tên là không biết tìm “ông chủ đời đầu” của nó ở đâu vì nghe nói ông đã bán nhà đi nơi khác sinh sống từ lâu rồi”.
Người đàn ông có thâm niên 16 năm trong nghề xe ôm cho hay, mấy năm gần đây xe buýt ra nhiều khiến nghề của anh ế ẩm. Đó cũng là nguyên nhân khiến cha con anh 4 năm rồi không được về quê ăn Tết. Năm nay lại càng không có Tết nữa. Vợ đã bỏ anh đi theo người khác, một mình nuôi con ăn học. Tiền nhà trọ và sinh hoạt phí ngày một tăng, nhưng thu nhập lại ngày càng giảm sút khiến cuộc sống của cha con anh luôn thiếu trước hụt sau. “Bây giờ mà không chạy xe ngày nào là đói ngày đó. Bỏ việc về Quảng Ngãi làm thủ tục đăng ký sang tên xe rồi lấy gì cho con ăn để nó tới trường. Mà có muốn về cũng chẳng có tiền để về nữa”, anh An trăn trở.
Ông Trần Trịnh Duy, nhân viên một công ty thức ăn gia súc cho rằng: “Việc sang tên đổi chủ là không cần thiết, vì bao lâu nay người bán xe hay mua xe cho dù qua nhiều chủ mà không có ai tranh chấp với nhau, chỉ cần giấy mua bán có xã chứng nhận làm bằng chứng là được. Còn trong gia đình thì lại càng không cần. Giấy xe chẳng qua chỉ là bằng chứng chứng minh là chiếc xe có chủ, không phải là xe gian. Chứ nếu người trong gia đình với nhau mà còn phải làm giấy sang tên có khác nào không tin tưởng nhau”.
Theo ông Duy, quy định trên có một điều khó khả thi nữa là không có tiêu chí nào xác định được đâu là người vi phạm lỗi không sang tên đổi chủ: “Nếu người điều khiển phương tiện ai cũng khai xe mình đang chạy là xe mượn, chứ không phải xe mình đã mua mà chưa sang tên thì cơ quan chức năng tính sao? Hoặc trong trường hợp người mượn khai ra người chủ cho mình mượn xe (mà xe chưa sang tên cho người chủ này), thì trong trường hợp đó cơ quan chức năng sẽ phạt ai? Phạt người lái xe hay chủ xe, hay cả hai đều bị phạt?”.
Với trường hợp người chủ xe cũ không còn định cư ở Việt Nam, hoặc đã mất liên lạc từ lâu mà xe vẫn chưa sang tên cho người mua, thì theo ông Duy đây cũng là những trường hợp không thể làm giấy sang tên để đáp ứng theo quy định mới.
“Những người rơi vào trường hợp này, tôi khuyên đừng có chạy xe ra đường để không bị phạt nếu chẳng may gặp bất trắc. Chiếc xe đó hoặc là bán sắt vụn, hoặc là để ở nhà trùm mền thôi”, ông Duy bức xúc.
Bạn Minh Anh (sinh viên ĐHKT TP.HCM) thừa nhận quy định mới có giảm mức phạt để phù hợp với thực tế là điều đáng mừng, nhưng điều đáng lo là tâm lý của người dân sẽ bị đè nặng và luôn trong tâm thế đối phó. Theo nam sinh viên này, điều đáng lưu tâm nữa là việc sang tên đổi chủ sẽ gây lãng phí thời gian và tiền bạc của những người đang học tập hoặc làm việc, đặc biệt là những người đang sống xa quê.
Bài, ảnh: BÍCH VÂN
“Quy định trên chỉ nên áp dụng với xe ô tô, vì loại xe này lưu thông nhiều và theo quy định phải có đăng kiểm”, Minh Anh đề xuất. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)