Năm 2014, TP.HCM sẽ mạnh tay chấn chỉnh hoạt động xe buýt
|
Từ năm 2008 đến nay, mức trợ giá xe buýt trên địa bàn TP.HCM đã tăng từ 630 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng. Dự toán năm 2014, ngân sách trợ giá cho xe buýt là 1.337 tỷ đồng. Mức trợ giá như vậy nhưng số người tham gia giao thông bằng xe buýt chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, gây nhiều lãng phí…
Người dân “né” xe buýt
Hiện nay, tỷ lệ người dân TP.HCM tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt chỉ có 11%. Đa số là sinh viên, học sinh, những người đi xa, còn người đi làm thì rất ít. Do vậy, chưa đạt được hiệu quả mà TP hướng tới…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng người dân chưa mặn mà tham gia giao thông bằng xe buýt. Trong đó phải kể đến thái độ phục vụ. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM tâm tư: “10 năm rồi mà người dân vẫn cứ kêu ca về thái độ của đội ngũ phục vụ trên xe buýt. Tất nhiên, không phải là tất cả nhưng không ít nhân viên phục vụ trên xe buýt có sự phân biệt đối xử giữa hành khách sử dụng vé ngày, vé tháng, người khuyết tật. Ý thức chấp hành Luật Giao thông của đội ngũ tài xế xe buýt chưa cao, dễ gây tai nạn cho người đi đường khiến người dân vô cùng bức xúc”.
Về vấn đề này, ông Tất Thành Cang – Giám đốc Sở GTVT TP thừa nhận có sai sót. Theo ông Cang, đội ngũ phục vụ trên xe buýt hiện nay là hơn 6.000, đội ngũ tài xế là gần 3.000 người. “Sở GTVT đã đưa ra các nhóm giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này. Sở yêu cầu ban chủ nhiệm hợp tác xã, ban quản lý doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tính toán lại đội ngũ nhân viên phục vụ, tài xế xe buýt để đưa đi học nâng cao nghiệp vụ, thái độ phục vụ hành khách. Ngoài ra, hành khách, người dân có thể phản ánh những bức xúc về thái độ của đội ngũ phục vụ xe buýt trên website của Sở GTVT. Chúng tôi sẽ xem xét và giải đáp” – ông Cang cho biết.
Ngoài ra, chất lượng xe còn kém, rất ít xe có máy lạnh, nhiều xe nhếch nhác. Trong đó có khoảng 1.300 xe đã cũ, thời gian sử dụng lên tới cả chục năm. Ông Cang cho biết, 1.300 chiếc xe cũ này sẽ được thay mới bằng đoàn xe 1.680.
Để khắc phục tình trạng móc túi trên xe buýt, rồi nhân viên nhà xe xé vé ảo cũng như những tiêu cực trong hoạt động xe buýt bấy lâu nay, năm 2014, Sở GTVT sẽ tiến hành lắp đặt camera trên các xe buýt.
Vẫn phải tiếp tục trợ giá cho xe buýt
Bà Đào Thị Hương Lan – Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết: “Theo dõi qua các năm cho thấy mức trợ giá cho hoạt động xe buýt của TP tăng dần. Cụ thể năm 2008 là 630 tỷ đồng, năm 2009 tăng lên 720 tỷ đồng, năm 2010 là 816 tỷ đồng. Đến năm 2011 tăng vọt lên 1.362 tỷ đồng, năm 2012 – 1.411 tỷ đồng, năm 2013 – 1.300 tỷ đồng. Sở dĩ có sự tăng vọt vào năm 2011 là do Chính phủ điều chỉnh mức lương vùng, giá nguyên liệu tăng… Hiện TP đang thực hiện trợ giá theo 3 phương thức: Thứ nhất là trợ giá cho 110/147 tuyến; thứ hai là trợ giá cho học sinh tiểu học và THCS với 2.030 ngàn đồng/lượt, riêng học sinh ở Cần Giờ là 3.500 ngàn đồng/lượt; thứ ba là trợ giá cho xe buýt vận chuyển công nhân với mức tối đa là 25% chi phí chuyến xe”.
Với mức trợ giá này, ông Võ Văn Sen – đại biểu HĐND cho rằng: “TP quá sang khi trợ giá cho xe buýt lên tới trên 1.300 tỷ đồng trong tổng số 46 ngàn tỷ đồng chi cho hoạt động cả năm. Và xu hướng sẽ còn tăng mức trợ giá lên nữa. Sở GTVT đã tính đến mức trợ giá tối đa là bao nhiêu chưa và TP phải trợ giá cho xe buýt đến bao giờ thì giảm dần rồi chấm dứt? Cần phải có lộ trình, không thể đụng đâu làm đó…”.
Trả lời câu hỏi này, ông Cang nói: “Để phát triển hành khách công cộng thì Nhà nước phải trợ giá. Ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Singapore… mức trợ giá cho xe buýt từ 50-70%, còn ở TP.HCM hiện nay là 43%. TP.HCM đang phấn đấu đến năm 2020 tăng mức hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng từ 11% (năm 2013) lên 20-25%. Sau năm 2030, tăng lên 30-40%. Và chỉ khi nào con số này vượt qua 40% thì mới xem xét các chính sách thay thế. Từ nay đến năm 2015, thậm chí là 2020 vẫn phải tiếp tục trợ giá cho hoạt động xe buýt”.
“Trợ giá xe buýt là cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là hiệu quả. So với ngân sách của TP hiện nay thì mức trợ giá cho xe buýt như vậy là nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Sở GTVT cần nghiên cứu nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả của nguồn vốn trợ giá này”, bà Quyết Tâm nói.
Bài, ảnh: Kim Anh
Ông Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “UBND TP và các sở, ngành liên quan đang xem xét phương án quảng cáo trên xe buýt, các trạm đỗ xe buýt, bến bãi xe buýt để hỗ trợ một phần kinh phí trợ giá của ngân sách TP. Tuy nhiên, việc quảng cáo phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Dự kiến trong năm 2014 sẽ xem xét và triển khai…”. |
Bình luận (0)