Cầu Đỏ mới luôn đảm bảo lưu thông thông thoáng kể cả giờ cao điểm
|
Trước đây, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông từ những cây cầu cũ, có mật độ lưu thông cao luôn là nỗi ám ảnh của người dân ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Tuy nhiên, từ khi có cầu mới thì các phương tiện lưu thông đã được thông thoáng, buôn bán thuận lợi, không còn sợ trễ giờ học khiến người dân và sinh viên – học sinh rất phấn khởi.
Cầu đã thông xe
Ngày 1-1-2013, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM đã cho thông xe cầu Băng Ky trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) sau hơn 13 tháng thi công. Cầu Băng Ky mới có chiều dài 39m, rộng 20m cho 4 làn xe và cho phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. Chiếc cầu mới này được đầu tư với tổng kinh phí 64 tỉ đồng, thay cho cầu cũ rộng 12m đã xuống cấp sau hơn 60 năm sử dụng.
Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, việc xây dựng cầu Băng Ky mới để đồng bộ, kết nối với cầu Đỏ trên đường Nguyễn Xí cùng với tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài là phương cách giúp giải tỏa áp lực lưu thông trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng về Bến xe Miền Đông và đi các tỉnh thuộc khu vực này.
Tiếp theo cầu Băng Ky là cầu Sài Gòn 2, được thông xe ngày 15-10-2013 sau 1,5 năm thi công. Cầu có tuổi thọ thiết kế 100 năm, dài 987,32m, gồm 30 nhịp; rộng 23,5m, gồm 4 làn ô tô và 1 làn xe máy; tổng vốn 1.495,52 tỉ đồng. Theo đó, cầu Sài Gòn cũ sẽ cho lưu thông một chiều các loại xe theo hướng từ Q.2 đến Q.Bình Thạnh và cầu Sài Gòn 2 sẽ cho lưu thông một chiều theo hướng ngược lại.
Trong số những chiếc cầu được thông xe trong năm nay, thì cầu Đỏ trên đường Nguyễn Xí, phường 13, Bình Thạnh có thời gian thi công lâu nhất. Chiếc cầu này hoàn tất sau 3 năm thi công, được chia làm hai công đoạn. Nhánh 1 của cầu được thông xe vào tháng 10-2012 và nhánh 2 được thông xe vào ngày 27-11-2013. Cầu Đỏ được đầu tư với tổng vốn 172 tỉ đồng. Cầu có chiều dài 68,7m, rộng 26,2m cho 4 làn xe ô tô và 2 làn xe gắn máy lưu thông với vận tốc 60km/h, thay cho cầu Đỏ cũ chỉ rộng 4m cũng như chỉ có một làn xe lưu thông.
Lòng dân phấn khởi
BạnNguyễn Ngọc Thủy, sinh viên năm 3 Trường ĐH Luật cho biết từ hôm thông cầu Sài Gòn 2 đến nay không còn lo bị trễ học. Trước đây, nhất là vào những ngày thi cử, tâm trạng của Thủy vừa căng thẳng chuyện bài vở, vừa nặng nề việc lưu thông: “Đi học vào trễ cũng không đáng lo lắm, nhưng ngày thi mà vào trễ là coi như chờ thi lại thôi”.
Theo Thủy, hướng lưu thông qua cầu Sài Gòn là tuyến giao thông huyết mạch nên tình trạng ùn tắc ở đầu cầu hướng ra Thủ Đức thỉnh thoảng vẫn xảy ra khiến cho những sinh viên lưu thông bằng xe buýt gặp khó khăn. Theo quan sát của Thủy, từ khi thông cầu tình trạng này không còn nữa. “Vậy là từ nay, sinh viên tụi mình an tâm học hành. Không còn phải lo lắng việc đi lại như trước nữa”, Thủy vui mừng.
Tình trạng ùn tắc, nhất là tai nạn giao thông ở cầu Băng Ky từ sau khi thông cầu cũng đã giảm rõ rệt. Ông Nguyên, bán quán nước ở khu vực này 20 năm qua cho hay, khúc quanh ở đầu cầu về hướng Phan Đăng Lưu trước đây tai nạn giao thông, va quẹt xảy ra liên tục mặc dù đầu cầu luôn có biển cảnh báo “đoạn đường cong thường xảy ra tai nạn giao thông”. Nay đoạn này đã được ráp thanh chắn phân luồng, nên giảm đáng kể tình trạng lấn tuyến, lạng lách, nhờ đó mà chuyện va quẹt, hay tai nạn giao thông đã giảm 70-80%.
Niềm vui của người dân có lẽ ở đâu cũng như nhau. Nhưng ở khu vực cầu Đỏ, thì đó là niềm vui của một sự đổi khác. Trước đây bà Nguyễn Thị Oanh đi bán vé số mỗi lần qua cầu này là run và phải cầu nguyện để việc đi lại được an toàn. Độ rung, tiếng kêu của thanh sắt, lượng người qua lại tấp nập, ùn tắc kéo dài đôi khi khiến cho bà choáng váng, ngộp thở.
“Từ hôm có cầu mới, bà già 75 tuổi này đi lại thoải mái rồi, không còn lo sợ gì nữa. Giờ thì an tâm kiếm sống nuôi thân thôi”, bà Oanh phấn khởi.
Cùng niềm vui như bà Oanh, gia đình ông Trần Công Đắc ở ngay chân cầu Đỏ, trong lòng phấn chấn dọn dẹp nhà cửa để khai trương lại quán. 3 năm qua gia đình ông phải nghỉ bán vì hàng rào chắn công trình cầu được dựng lên ngay trước cửa nhà. Trong thời gian này, vợ chồng ông chỉ bán cà phê cho khách quen để sinh sống qua ngày. “Tôi không nhớ đã bao nhiêu năm rồi, mỗi ngày chứng kiến cảnh kẹt xe bất cứ lúc nào, không phải giờ cao điểm cũng thế. Nay có cầu mới rồi, cứ mở mắt ra là cảm thấy trong người khỏe khoắn lắm. Trước đây cầu cao hơn nền nhà tôi 1m. Nay thì nền cầu thấp xuống nên mình có cảm giác nhà mình được nâng lên” – ông Đắc nói trong niềm vui!
Bài, ảnh: Bích Vân
Có thể nói, việc thông xe cầu Đỏ đã giúp xóa bỏ một điểm ùn tắc giao thông lớn ở TP.HCM và giảm áp lực xe lưu thông trên các tuyến đường Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Bến xe Miền Đông, tạo thuận lợi cho xe lưu thông về các tỉnh miền Đông. |
Bình luận (0)