Ngày 5-6, tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Hội thảo do Tổng cục GDNN tổ chức với sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phía Nam nhằm đánh giá thực trạng, kết quả triển khai công tác xây dựng ứng xử văn hóa trong các cơ sở GDNN.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.H
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, năm 2019 cả nước có 100% cơ sở GDNN xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định về quy tắc ứng xử do Bộ LĐ-TB&XH ban hành, phù hợp với điều kiện, đặc thù vùng miền và mỗi trường; 90% cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB-GV-NV), học sinh, sinh viên (HS-SV) các cơ sở GDNN được tuyên truyền, phổ biến, học tập các nội dung liên quan văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cơ sở GDNN trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, một số cơ sở GDNN còn xuất hiện tình trạng thiếu văn hóa ứng xử, vi phạm đạo đức, lối sống không lành mạnh ở người dạy cũng như người học.
“Qua hội thảo này, chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm phát triển văn hóa ứng xử, đồng thời cùng tìm các ý tưởng để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở GDNN, góp phần giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển và hội nhập của đất nước. Qua đó từng bước tạo dựng trong cộng đồng có cái nhìn đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử”, ông Khánh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận các nội dung chính như: Thực trạng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Giải pháp nâng cao văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở GDNN về văn hóa ứng xử; Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử…
TS.Phạm Đức Khiêm – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Q.H
Đề cập đến vai trò của người đứng đầu, ông Ngô Xuân Khoát – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ: “Các cơ sở GDNN cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của Ban Giám hiệu, CB-GV. Ðây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường. Đối với GV, nhất là GV chủ nhiệm cần có trách nhiệm cao trong việc hỗ trợ nhà trường nắm bắt tâm lý HS-SV, từ đó phối hợp gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em”.
Cũng theo ông Khoát, các cơ sở GDNN phải xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, các quy định về văn hóa ứng xử đối với CB-GV-NV, HS-SV và khách đến làm việc tại trường.
Trong khi đó, đại diện Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho rằng, sự thay đổi công nghệ trong kỷ nguyên số đòi hỏi hệ thống GDNN phải đào tạo người học có khả năng thích nghi, sáng tạo để tránh bị đào thải. Ngoài việc trang bị kiến thức vững chắc, phải hỗ trợ và tạo điều kiện cho người học rèn luyện, trao dồi kỹ năng. Xem việc giáo dục, nâng cao nhận thức, đạo đức, phẩm chất vẫn luôn là nền tảng. Việc xây dựng và hình thành văn hóa ứng xử trong nhà trường cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình rèn luyện nhân cách, tác phong, kỹ năng của HS-SV, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
“Việc định hình văn hóa ứng xử trong nhà trường sẽ góp phần chuyển biến tích cực về ứng xử văn hóa của tập thể sư phạm nhà trường và HS-SV, góp phần phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, góp phần xây dựng năng lực và phẩm chất của nguồn nhân lực trẻ”, đại diện Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức gợi ý.
Trong tham luận gửi đến Hội thảo, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM cũng khẳng định, nhà trường đã từng bước đổi mới một cuộc cách mạnh mẽ và toàn diện theo hướng xây dựng nhà trường trở thành một trường Cao đẳng chất lượng cao theo tiêu chuẩn Quốc gia và khu vực Đông Nam Á thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: Không ngừng phát triển về quy mô đào tạo (hiện nay có 5.000 HS-SV đang theo học tại trường); số lượng HS-SV tuyển mới đầu năm đạt trên 90% so với chỉ tiêu được giao… Bên cạnh đó nhà trường cũng chú trọng vào công tác giáo dục “văn hóa ứng xử” cho HS-SV một cách toàn diện.
Tham luận nêu: “Trong môi trường giáo dục, để HS-SV phát triển toàn diện thì ngoài giáo dục tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ, nghề nghiệp thì giáo dục đạo đức có vai trò vô cùng quan trọng. Đạo đức, hành xử, là thước đo để đánh giá nhân cách của con người”.
T.Anh
Bình luận (0)