Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

“Rối” với biển báo giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hai biển báo giao thông chồng chéo lên nhau tại ngã ba Đào Duy Anh – Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận – TP.HCM)
Biển báo giao thông rất cần để hướng dẫn cho người dân lưu thông thuận lợi và an toàn. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập gây phiền hà cho người dân khi tham gia giao thông.
Biển báo giao thông: Nơi thừa chỗ thiếu
Chúng tôi thắc mắc với ông Mai Văn Sơn, tài xế xe 3 bánh chở hàng cho các chủ tiệm bán đồ gỗ, nhôm kiếng ở đường Ung Văn Khiêm (P.25, Bình Thạnh, TP.HCM): “Vì sao cung đường này có nhiều biển báo cấm?”, ông Sơn trả lời có vẻ bức xúc: “Đường ngắn nhưng có cả thảy 11 biển báo cấm xe thô sơ 3-4 bánh cùng nhiều biển cấm đỗ xe, cấm dừng và đỗ xe, cấm xe ô tô lưu thông. Có nhiều chỗ không phải ngã ba cũng không phải ngã tư mà vẫn có biển cấm. Không chỉ có tuyến đường này, mà nhiều tuyến đường ở các quận khác cũng bị tình trạng như vậy. Toàn thành phố đã cấm loại xe thô sơ rồi, nên không cần biển báo loại này nữa. Mà cần thì chỉ cắm ở đầu đường hoặc các ngã tư, ngã ba lớn thôi, nhưng phải cắm ở ngay cột đèn để người lưu thông dễ quan sát. Chẳng hạn như ở đầu đường Ung Văn Khiêm giáp với Nguyễn Xí, hoặc cuối đường này giáp với Điện Biên Phủ, biển cấm bị cắm vào sâu từ 12-15m tính từ vạch dành cho người đi bộ. Nên nếu dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư đối diện thì các bác tài, nhất là những người không thuộc địa bàn này không thể quan sát được nội dung bảng cấm nên bị phạt”.
Tuy nhiên, nếu đem ra so sánh thì cho dù các tuyến đường được người dân ví là “Rừng biển báo cấm xe thô sơ 3-4 bánh” như đường Lũy Bán Bích ở quận Tân Phú, đường Tân Hóa ở quận 11 vẫn thua kém cầu Kênh Tẻ xa. Người dân đánh giá chiếc cầu nối liền quận 4 với quận 7 này là “cầu kỷ lục” vì nó chỉ dài độ 100m mà có tới hàng chục biển báo giống hệt nhau về một nội dung mang tính cảnh báo: “Chú ý, dốc cong nguy hiểm, nơi đây thường xảy ra tai nạn chết người”. Tính bình quân cứ 5m lại có một biển báo. Người dân sống ở khu vực này nói rằng: “Nhìn từ xa chúng na ná như những banner quảng cáo, nhưng điều đáng nói là tình trạng va quẹt thỉnh thoảng vẫn xảy ra do người lưu thông bị phân tâm khi xem quá nhiều nội dung của chúng”.
Cần chấn chỉnh cái cũ, phổ biến cái mới
Anh Huỳnh Minh Tài, tài xế xe hơi ở quận Bình Tân thú nhận anh không hiểu biển báo có hình thoi bên trong màu vàng, bên ngoài màu trắng và một loại biển báo giống y như vậy nhưng có thanh ngang màu đen đè lên chia đôi hình thoi mới xuất hiện thời gian gần đây ở các ngã tư, vòng xuyến có ý nghĩa gì? Cấm, hay ưu tiên, hay cần chạy giảm tốc độ như đèn vàng, được áp dụng với những phương tiện lưu thông nào? Hai đêm liền sau giờ đi làm về, anh Tài thất vọng vì cố tìm câu trả lời trên internet rồi hỏi thăm bạn bè nhưng không có kết quả.
Câu trả lời mà anh Tài đang tìm, rất nhiều tài xế xe ôm hoặc dân trí thức, hay người bình dân cũng có cùng “đáp án”. Ông Linh, tài xế xe ôm chuyên hoạt động ở khu vực Tân Cảng khi được hỏi cũng trả lời “Tôi không biết, chắc chỉ có cảnh sát giao thông mới biết thôi”. Ông Linh hay anh Tài, nỗi lo của họ không dừng lại ở đó. Họ cảm thấy bất an khi nhận thấy sự bất nhất giữa những biển báo có hình thức na ná nhau, nên “không biết cái nào đúng”. Chẳng hạn như biển báo cấm ô tô không được quẹo trái ở hẻm 17 trên đường Hồ Văn Huê (P.9, Q.Phú Nhuận) là hình chiếc ô tô và mũi tên màu đen mang hiệu lệnh rẽ trái bị thanh ngang đỏ đè lên, trong khi tài liệu về Luật Giao thông đường bộ thì mũi tên này lại đè lên trên thanh ngang màu đỏ. Tình trạng các biển báo chồng chéo nhau hoặc bị che khuất bởi cành cây, cột đèn, banner của hàng quán cũng khiến cho những người thường tham gia giao thông như họ gặp khó khăn vì rất khó quan sát. Điều mà anh Tài, ông Linh mong trong lúc này là “tìm được câu trả lời cho thắc mắc của mình và kiến nghị việc dỡ bỏ những biển báo không cần thiết, đồng thời cải thiện tình trạng này bằng cách gắn 2-3 biển báo trên cùng một cột trụ, vừa giúp người lưu thông dễ quan sát, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nhiều biển báo giao thông bị chiếm dụng
Một nữ giáo viên dạy văn ngụ Q.Gò Vấp cho rằng việc các biển báo bị chiếm dụng cũng là vấn đề cần lưu tâm và khắc phục để đảm bảo mỹ quan đô thị. Cô liệt kê hàng loạt “địa chỉ” mà mình “đã ghi lại rất cẩn thận để có dịp là phản ánh lên báo chí”. Những biển báo bị tróc hết sơn dọc Công viên Gia Định; biển báo cấm đỗ xe được một tiệm sửa xe “trang trí” thêm chiếc vỏ xe như một cách mời khách ở góc Võ Trường Toản – Bạch Đằng; banner “Chương trình chúc mừng năm mới khuyến mãi thức uống cho khách nữ từ 12-18 giờ mỗi ngày” được giăng “hoành tráng” ngay dưới chân cột biển báo ở ngã tư D2 – Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh); thùng bán vé số to đùng dựa vào sát cột biển báo “trẻ em” gần Trường Tiểu học Hồng Hà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; lời mời “nhận nuôi dưỡng hoa mai sau Tết” được treo một cách “trịnh trọng” bên trên biển báo cấm dừng và đỗ xe ngay cạnh đường ray xe lửa trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận)! Những “địa chỉ” trên cần được khắc phục để đường phố tươm tất hơn nhằm chào đón một năm mới sắp tới.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)