Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM đến trường bằng xe đạp điện
|
Tại TP.HCM, xe đạp điện được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, xe đạp điện “nhái” đang tràn ngập thị trường, ẩn họa nhiều nguy hiểm khiến người tham gia giao thông không khỏi lo lắng.
Sử dụng xe đạp điện làm phương tiện đi lại trong thành phố không chỉ là người lớn tuổi mà giới HS-SV cũng rất ưa chuộng bởi sự an toàn và tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Thế nhưng, vì người tiêu dùng thiếu thông tin về nguồn gốc, chất lượng và giá cả nên đã chịu không ít thiệt thòi khi sử dụng.
70% xe đạp điện là của Trung Quốc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết xe đạp điện (cả xe chạy bằng pin lẫn xe chạy bằng bình ắc quy) bày bán tại các cửa hàng lớn, nhỏ đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Một số cửa hàng bán xe của Trung Quốc nhưng lại được dán tem, “nhái” kiểu dáng xe các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Honda, Yamaha… Theo đó, xe đạp điện này có giá chỉ từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn một nửa. Tại cửa hàng Hùng Loan (đường Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM), suốt gần 1 giờ xem đi, xem lại kiểu dáng xe đạp điện, đắn đo với giá cả, anh Nguyễn Xuân Thụ (P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đồng ý mua chiếc xe đạp điện hiệu Bridgestone với giá 7,3 triệu đồng. Khi được hỏi “Nhãn hiệu này nổi tiếng, sao giá lại rẻ vậy?”, người bán thú thật: “Dán vậy thôi chứ thật ra là của Trung Quốc hết. Bảo hành từ 6 tháng đến 1 năm thì lấy đâu ra xe xịn?”.
Tại cửa hàng này, phía trước trưng bày 3 hàng xe đạp điện được niêm yết giá từ 6 triệu đến 30 triệu đồng. Hơn chục chiếc có giá từ 15 triệu đồng trở lên được người bán cho biết là xe tốt, nhập nguyên thùng và một số chỉ nhập phụ tùng về lắp ráp. Ông chủ cho biết, lượng xe đắt tiền bán ra rất chậm, mỗi tháng chỉ bán vài chiếc, chủ yếu là các dòng xe có giá bình dân từ 6 triệu đến 12 triệu đồng.
Anh Tiến, nhân viên bán xe đạp điện tại một cửa hàng trên đường Võ Thị Sáu, Q.1 thông tin: “Xe đạp điện trên thị trường TP.HCM có đến 70% được nhập từ Trung Quốc, mang các nhãn hiệu nổi tiếng là Honda, Yamaha và Bridgestone. Về kiểu dáng thì gần giống nhau, riêng một số chi tiết, phụ tùng được làm không sắc sảo lắm mà chỉ người trong nghề mới phát hiện được”. “Về độ bền và an toàn thì sao?”. Anh Tiến trả lời: “Bền hay không còn tùy thuộc vào người sử dụng. Sạc pin hoặc bình ắc quy đúng, đủ điện, vận hành xe đúng kỹ thuật thì cũng không đến nỗi nào. Xe rẻ tiền đi một thời gian sẽ bị rung (nếu tăng tốc – PV)…”.
Xe “đổ bệnh” mới biết hàng “nhái”
Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 68:2003/BGTVT về xe đạp điện. Theo quy chuẩn này, xe đạp điện được cấp giấy chứng nhận chất lượng là xe có công suất động cơ không lớn hơn 250W và tốc độ tối đa không lớn hơn 25km/h. Từ ngày 1-1-2014, xe đạp điện nhập khẩu phải đăng ký với cơ quan đăng kiểm, kiểm tra mẫu nếu đạt chất lượng sẽ dán tem lưu hành. |
Hầu hết người tiêu dùng đều mù mờ về nguồn gốc, giá cả của xe đạp điện. Họ chỉ có thông tin từ người bán là chính. Và để bán được hàng, người bán chẳng ngại miệng tiếp thị là hàng Nhật Bản nhập khẩu chính hãng hay cửa hàng chỉ nhập linh kiện từ Đài Loan, Nhật Bản về lắp ráp… Còn về chất lượng, an toàn thì hồi sau sẽ rõ. Đầu năm 2013, chị Nguyễn Thị An (ngụ P.Đakao, Q.1, TP.HCM) mua chiếc xe đạp điện được người bán giới thiệu là của Đài Loan với giá 13 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu, xe chạy êm nhưng đến tháng thứ 4 thì bắt đầu “đổ bệnh”. Chị mang xe ra cửa hàng để bảo hành thì được báo là do người sử dụng không tuân thủ các quy tắc vận hành nên bộ sạc bị hỏng và phải thay với giá hơn 500 ngàn đồng. “Tiếng là bảo hành 16 tháng nhưng khi đến, họ nói hư cái này, cái kia không nằm trong danh mục bảo hành, mình đành chịu chứ biết làm sao”, chị An nói.
Ghi nhận của chúng tôi tại các cửa hàng, xe đạp điện sản xuất trong nước được bán ra khá chậm. “Giá cũng chỉ 8-11 triệu đồng/ chiếc, kiểu dáng thì cũng được lắm, nhiều màu sắc để lựa chọn. Trong khi đó, khách mua xe đạp điện cũng như mua xe máy mới, có sổ bảo hành, hẹn ngày bảo trì… Có thể vì khách hàng chuộng cái mác hàng ngoại nên hàng trong nước khó bán?”, anh Tiến đặt vấn đề.
Bài, ảnh: Trần Anh
Chọn xe đạp điện như thế nào để tiết kiệm và an toàn?
Lời khuyên hữu ích của ông Nguyễn Văn Thắng, chủ cửa hàng xe đạp, xe đạp điện Hòa An (P.Tân Kiển, Q.7, TP.HCM) sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn xe đạp điện an toàn và tiết kiệm. Theo ông Thắng, khách hàng đừng vì ham rẻ mà lựa chọn các loại xe của Trung Quốc, sau thời gian ngắn sử dụng, tiền thay phụ tùng, hệ thống sạc, pin hoặc ắc quy rất tốn kém vì hạn bảo hành chỉ từ 6-12 tháng, đó là chưa kể gặp phiền toái khi đi bảo hành. Khi mua xe đạp điện nên chọn xe sử dụng pin sẽ bền và quãng đường đi cho một lần sạc sẽ xa hơn xe sử dụng bình ắc quy. Hơn nữa, bình ắc quy không chỉ mau hỏng (bình kém chất lượng) mà còn không tốt cho môi trường. Trước khi mang xe ra khỏi cửa hàng, khách yêu cầu nhân viên kiểm tra lại hệ thống dây điện kỹ càng, nhằm phát hiện lỗi kỹ thuật. Khi không sử dụng, ngắt công tắc để đảm bảo an toàn cháy nổ.
|
Bình luận (0)