Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học phí ĐH công lập sẽ ngang ngửa tư thục?

Tạp Chí Giáo Dục

Học phí nhiều trường đại học công lập tự chủ sẽ ở mức rất cao trong năm học 2020 – 2021, dẫn tới sự chênh lệch học phí công – tư trong giáo dục đại học sẽ không còn nhiều.
Sinh viên đóng học phí tại một trường ĐH ở TP.HCM	 /// HÀ ÁNH
Sinh viên đóng học phí tại một trường ĐH ở TP.HCM. HÀ ÁNH
Trường công: Cao nhất gần 90 triệu đồng/năm !
Một trong những thông tin các trường đại học (ĐH) bắt buộc phải công khai trong đề án tuyển sinh là mức học phí (HP) dự kiến áp dụng cho sinh viên trúng tuyển khóa mới năm 2020. Theo đó, HP ở các trường công lập đang có các mức thu khác nhau tùy theo loại hình trường và các chương trình đào tạo.
Với những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính, HP được thực hiện theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH 2018. Mức trần HP cho trường chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng năm học 2020 – 2021 từ 9,8 – 14,3 triệu đồng/sinh viên (năm học 10 tháng). Hiện vẫn nhiều trường công bố sẽ thu HP theo mức này như: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (ngành ngoài sư phạm)…
Tuy nhiên, ngay trong các trường công chưa thực hiện tự chủ cũng có nhiều mức thu khác nhau tùy chương trình đào tạo. Chẳng hạn, HP năm 2019 – 2020 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có sự chênh lệch nhiều giữa các chương trình đào tạo. Trong khi chương trình chính quy chuẩn thu trên 4,4 triệu đồng/học kỳ thì chương trình chất lượng cao gấp 4 lần, chương trình chính quy quốc tế song bằng gấp 5 đến gần 10 lần tùy giai đoạn.
Đáng chú ý là HP tăng mạnh ở nhiều trường tự đảm bảo chi thường xuyên và đáp ứng điều kiện tự chủ theo luật mới. Các trường tự chủ này xác định mức thu HP trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Chẳng hạn, Trường ĐH Y Dược TP.HCM dự kiến mức thu từ 30 – 70 triệu đồng/năm tùy khối ngành cho sinh viên trúng tuyển khóa 2020. Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng công bố HP năm nay từ 60 – 88 triệu đồng/năm (khoa hiện chỉ đào tạo các chương trình chất lượng cao).
Ngoài những trường bắt đầu thực hiện tự chủ trong năm nay tăng HP, ở hơn 20 trường ĐH đã thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ từ nhiều năm trước cũng thu HP cao. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, HP ĐH hệ đại trà từ 17,5 – 19,5 triệu đồng/năm; chất lượng cao tiếng Việt 28 – 30 triệu đồng/năm; chất lượng cao tiếng Anh 32 triệu đồng/năm; chất lượng cao Việt – Nhật 32 triệu đồng/năm. Riêng ngành robot và trí tuệ nhân tạo có 20/50 sinh viên được miễn HP, số còn lại đóng 24 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Luật TP.HCM công bố HP dự kiến 18 triệu đồng/năm (lớp đại trà), 36 triệu đồng/năm (lớp Anh văn pháp lý), 45 – 49,5 triệu đồng/năm (các lớp chất lượng cao). Trường ĐH Quốc tế TP.HCM dự kiến HP sinh viên chính quy 43,5 triệu đồng và lộ trình tăng HP tối đa từng năm 10%.
Nhiều trường ĐH công lập khác cũng đang thực hiện thu HP theo loại hình trường tự chủ như: Công nghiệp TP.HCM, Mở TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Tài chính – Marketing, Kinh tế TP.HCM, Kinh tế quốc dân…
Trường tư: Trên 30 đến hàng trăm triệu đồng/năm
Theo thông tin HP của các trường tư thục, nhiều ngành HP được thu ở mức cao lên tới trên trăm triệu đồng/năm học.
Theo công bố trên website Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, năm học 2020 sinh viên mới nhập học có HP trung bình ngành cao nhất là răng – hàm – mặt 165 triệu đồng/năm (chương trình cử nhân). Với chương trình tiếng Anh, ngành răng – hàm – mặt thu 198 triệu đồng/năm, ngành y khoa 165 triệu đồng/năm…
Tương tự, Trường ĐH Tân Tạo thu 150 triệu đồng HP ngành y khoa và không tăng trong 6 năm đào tạo; các ngành còn lại dự kiến 40 triệu đồng/năm. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM HP ngành dược 40 – 45 triệu đồng/năm. Trường ĐH quốc tế Sài Gòn, năm 2019 thu trên 47 – 54 triệu đồng/năm học với chương trình giảng dạy tiếng Việt và trên 122 – 133 triệu đồng/năm với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tùy ngành.
Nếu trước đây HP các trường ĐH công lập thấp so với các trường tư thục, thì nay mức thu của nhiều trường tư thục cũng chỉ ngang ngửa trường công lập tự chủ hoặc chương trình chất lượng cao.
Trong đề án tuyển sinh 2020, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM công bố mức HP bình quân 30 triệu đồng/học kỳ, sinh viên sẽ học trong 8 học kỳ. Trường ĐH Văn Lang cũng công bố mức HP dự kiến khóa sinh viên nhập học năm 2020 từ 17 – 22 triệu đồng/học kỳ tùy ngành. Trường ĐH Hoa Sen công bố trên website HP học kỳ 1 áp dụng cho bậc ĐH hệ chính quy năm 2020 dao động từ gần 26 – trên 39 triệu đồng/học kỳ tùy theo ngành…
Học phí đang… chờ tăng
Theo PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, trường đang chờ ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định trong cuộc họp hội đồng vào tháng 7 tới. Nếu thực hiện, HP mới chỉ áp dụng với sinh viên khóa 2020. “Khi thực hiện đề án tự chủ trường sẽ không còn nhận tiền ngân sách nhà nước 12 tỉ đồng/năm. Trong khi với mức HP đại trà 20 triệu đồng/năm, nguồn thu HP chỉ tăng hơn chưa tới 4 tỉ đồng so với trước đó. Dù vậy, trường vẫn xác định lộ trình tăng HP từng bước để phù hợp với người học”, ông Lung cho hay.
Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)