Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đi Vũng Tàu chỉ còn 1 tiếng rưỡi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cầu Cạn – điểm khởi đầu tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Đoạn đường dài 20km từ đường vành đai 2 (Q.9, TP.HCM) đến quốc lộ 51 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn TP.HCM Long Thành – Dầu Giây) đã được thông xe vào sáng ngày 2-1 vừa qua . Niềm vui của người dân vì thế cũng được nhân lên, riêng doanh nghiệp rất phấn khởi.
Lòng dân tràn ngập niềm vui
Từ hôm đường cao tốc hoàn thành và được đưa vào sử dụng, quán cà phê của ông Nguyễn Văn Thành có thêm “mặt tiền đắt giá” ngay phía sau lưng quán. Nhà ông trước đây nằm ở cuối con hẻm 783 sâu hun hút thuộc đường Nguyễn Duy Trinh. Bây giờ khúc quanh mở đầu đường cao tốc là mặt tiền chính của quán ông. “Hy vọng quán từ nay về sau sẽ đông khách vì đã có mặt tiền sáng sủa. Ngồi trong quán nhưng có thể ngắm đường cao tốc đẹp với không gian thoáng đãng và sạch sẽ”, ông Thanh nói với vẻ tự hào.
Khách của quán ông Thanh, có những người ngồi cả buổi, đâu phải chỉ ngắm đường cao tốc thôi, cái chính là để thưởng thức một cảm giác mới lạ đối với họ. Ngay cả người công nhân tên Hùng, làm việc tại công trình này, khi đã tắm rửa sạch sẽ sau một ngày làm việc mệt nhọc, cũng tần ngần đứng ngắm nghía công trình đã hoàn thành, công trình mà anh và hàng chục công nhân khác đã góp sức. “Mặc dù mình làm việc, được hưởng tiền công xứng với công sức, nhưng công trình xong mình còn vui hơn những người được sử dụng và hưởng lợi”.
Biết đường cao tốc cấm người đi bộ, cấm xe hai bánh cũng như các phương tiện thô sơ lưu thông, nên anh Trần Đình Khanh, một kỹ sư xây dựng cùng đồng nghiệp phải vất vả hỏi thăm mãi mới tìm được lối vào ngay khúc quanh bắt đầu đường cao tốc và ngắm nghía, bàn bạc rồi trầm trồ khen: “Công trình này đáng tự hào thật”. Không chỉ có những người đến đây để học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp cho bản thân như anh Khanh và đồng nghiệp, mà người dân ở đẩu ở đâu cũng đến đây, dừng xe dưới chân cầu để được thấy tận mắt công trình mang tầm quốc gia mà báo chí đã hết lời ca ngợi, người dân đã từng ngày mong đợi đến khi hoàn thiện như hôm nay.
Doanh nghiệp được lợi
So với các trạm thu phí khác, thì mức phí ở đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được cho là khá cao. Mức thu thấp nhất là 2.000 đồng/km đối với xe dưới 12 ghế ngồi; 40.000 đồng/lượt đối với xe tải dưới 2 tấn và xe buýt; 60.000 đồng/lượt đối với các loại xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn và 80.000 đồng mỗi lượt đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.
Tuy nhiên, theo nhân viên của các hãng vận tải hành khách lớn như Phương Trang, Thiên Phú, Hoa Mai thì cho dù mức phí khá cao, nhưng cái doanh nghiệp được lợi mới là quan trọng. Một tài xế của nhà xe Thiên Phú nói rằng chuyến xe của anh từ Vũng Tàu về Sài Gòn vào buổi chiều tối không còn nặng nề như trước: “Từ TP.HCM đến Vũng Tàu hay ngược lại chỉ khoảng 1 giờ 30 hoặc 1 giờ 40 phút. Không như trước đây phải mất 2 giờ 30 phút, có khi bị kẹt xe đến khốn khổ ở khúc ngã 3 Tân Vạn và ngã 3 Vũng Tàu, thì phải mất hơn 3 tiếng mới đi tới nơi. Nhiều hành khách bị trễ công trễ việc cũng vì nạn kẹt xe như vậy. Đường cao tốc nay đã giúp chấm dứt nạn này rồi. Điều đáng mừng nữa là đường đi và thời gian vận chuyển được rút ngắn, chi phí vận tải nhờ vậy cũng sẽ được giảm bớt”.
Ông Vũ Thành An, Giám đốc một công ty chuyên cung cấp hải sản cho hệ thống khách sạn, nhà hàng ở TP.HCM tuần rồi cũng thấy nhẹ nhõm cả người vì “Nhờ tuyến đường cao tốc mà tôi có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhiều hơn và nhanh chóng hơn. Không như trước kia không phải muốn đưa hàng đi lúc nào cũng được, vì phải chờ giờ được phép lưu thông, nhưng giờ đó lại thường kẹt xe nặng”.
Cho tới thời điểm này, các công ty, doanh nghiệp, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, các hãng vận tải hành khách ai cũng khấp khởi vui mừng. Chất lượng phục vụ hành khách từ nay sẽ tốt hơn nữa, đó là điều doanh nghiệp nào cũng mong cầu. Và ngay cả những nhân viên thuộc diện được đưa rước của các công ty như Vedan, Sonadezi, Giấy Sài Gòn… từ hôm đường cao tốc thông xe cũng thong dong hơn trước. Họ không còn phải tất bật đi sớm về khuya vì lo kẹt đường. Việc chính của họ bây giờ là an tâm làm việc của mình cho thật tốt.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo quy định của Sở GTVT TP.HCM, các đối tượng không được lưu thông trên đường cao tốc này bao gồm: Xe lam, xe công nông, máy kéo, xe mô tô 2-3 bánh, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật, xe tải có tải trọng trên 10 tấn, xe rơmoóc, sơmi rơmoóc, xe container 20 feet đến 40 feet. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)