Từ gần cuối tháng 5 đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM diễn biến khá phức tạp. Cao điểm có ngày ghi nhận hơn 70 ca mắc. Theo đó, TP phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 (Q.Gò Vấp, P.Thạnh Lộc – Q.12). Đối với những lao động tay chân (bán hàng rong, bán vé số và phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng…), đây là thời điểm rất khó khăn…
Người bán vé số nhận thực phẩm từ nhà hảo tâm
Chủ: xoay xở trong khó khăn
Ông Đ.B – chủ một nhà hàng ở Q.3 – cho biết: “Từ lúc TP ra văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về, nhà hàng cho đóng cửa luôn bởi thu không đủ bù chi. Quán đóng cửa, nhân viên đi tìm công việc khác để sống qua ngày như chạy xe ôm công nghệ, giao hàng… Chúng tôi rất hiểu cuộc sống của nhân viên chật vật hơn bởi không ít người là lao động chính trong gia đình, song nhà hàng không thể hỗ trợ trong suốt thời gian dịch bệnh. Tình hình chung nên người lao động cũng không quá bất ngờ khi tạm dừng công việc”.
Được biết, nhà hàng này có trên 40 lao động phổ thông, từ bếp, tạp vụ, giữ xe đến phục vụ, quản lý…
Mặc dù nhà hàng đã đóng cửa nhưng ông Lê Bảo – chủ một nhà hàng chuyên món Ấn Độ tại Q.1 – vẫn đang phải lo ăn ở cho một nhóm người Ấn. “Mình lâm vào cảnh nợ nần do kinh doanh gặp khó nhưng bộ phận bếp, phục vụ gần chục người thì khổ hơn mình, về nước không được, ở lại thì thất nghiệp. Không còn cách nào khác, gia đình chúng tôi đành phải thuê phòng cho họ ở, lo cơm nước hàng ngày”, ông Bảo cho biết.
Bà Nguyễn Thị Lan (P.2, Q.Phú Nhuận) – chủ chuỗi cửa hàng hớt tóc nam tại các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Gò Vấp – than thở: “Chủ khổ, nhân viên càng khổ hơn. Dịch bùng phát trở lại, gần 30 lao động thất nghiệp. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước vì tìm không ra lao động khi mở cửa trở lại, tôi tạm thời chuyển sang kinh doanh cà phê, thức ăn mang đi để giữ chân lao động. Dịch bệnh buôn bán chậm nhưng nhờ có sẵn lao động, người đứng bán, người giao hàng… cũng bù được một khoản tiền chợ. Rất khó khăn nhưng nếu không làm vậy, lao động về quê hoặc tìm công việc khác, mai mốt tìm không ra người”, bà Lan cho hay.
Lao động: Lay lắt giữa đại dịch
Hồ Văn Cường – quê huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp – là phục vụ của nhà hàng ở Q.3 – cho biết, sau khi nhà hàng đóng cửa, Cường đã tìm được công việc mới với thu nhập 4 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản phụ cấp. Công việc mới là theo xe tải đi giao khẩu trang cho các đại lý, nhà thuốc trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM), Đồng Nai và Bình Dương.
“Được công ty hỗ trợ tiền ăn 40 ngàn đồng/ngày và tiền thưởng khoảng 200 ngàn đồng/tuần. Thu nhập này thấp hơn so với phục vụ nhà hàng nhưng trong thời điểm khó khăn, có việc làm là mừng lắm rồi, không dám đòi hỏi”, Cường nói.
Người bán hàng rong, vé số cũng lao đao khi phần lớn khách hàng là người uống cà phê, nhậu tại các quán vỉa hè. Dịch bệnh bùng phát, quán đóng cửa khiến việc kiếm cơm hàng ngày đã khó lại trở nên khó khăn hơn. Anh Nguyễn Văn Mùa – quê huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên – cho biết, bình thường bán khoảng 300 tờ vé số/ngày nhưng hiện nay mỗi ngày lấy chỉ 100 tờ cũng bán không hết.
Anh Mùa tâm tư: “Tuần trước, nhiều người tính về quê đợi khi nào dịch được kiểm soát thì trở lại bán tiếp nhưng việc đi lại nguy cơ lây nhiễm cao nên hủy. Những ngày qua, hầu hết chúng tôi sống nhờ cơm hộp của các điểm phát cơm từ thiện, nhờ lòng hảo tâm của mọi người…”.
Căn nhà rộng chừng 35m2 tại hẻm 68 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1 bình thường có khoảng chục phụ nữ trọ để đi bán đậu hũ, chè, vé số. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5-2021, căn nhà này chỉ còn 3 người do buôn bán chậm nên đã về quê Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Văn Tý – chủ nhà cũng là chủ cửa hàng bán nguyên liệu đậu, đường – cho biết, từ ngày dịch bệnh bùng phát mạnh đến nay, lượng hàng bán ra mỗi ngày giảm đến 70% do người bán đã về quê, số còn lại lấy rất ít.
“Chiều nào cũng thấy các chị gánh đậu hũ về vì bán ế. Trước đây, chiều tối nào họ cũng cùng nhau làm bếp rồi quây quần bên mâm cơm nhưng nay bếp lạnh tanh”, ông Tý kể.
Tâm Giao
Bình luận (0)