Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Năm 2014: TP.HCM tăng thêm dịch vụ công cộng tiện ích

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Điểu Bơm (phải) mong sớm được đi xe buýt miễn phí để tiết kiệm tiền cho con cháu
Miễn phí vé xe buýt cho người cao tuổi và thí điểm hệ thống nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 4-5 sao là hai trong những điểm mới ở TP.HCM trong năm mới này. Người dân đang mong đợi từng ngày để được hưởng lợi với lòng phấn khởi. 
Miễn phí vé xe buýt cho người già 80 tuổi
Trước đây, TP.HCM đã miễn phí vé xe buýt cho người khuyết tật và trẻ em dưới 12 tuổi, nên quy định trên đây là một trong những điểm mới trong chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam ở TP.HCM. Theo thông báo mà Trung tâm Vận tải hành khách công cộng mới công bố, từ năm 2014 đến 2015, người già 80 tuổi trở lên sẽ được miễn phí vé khi lưu thông bằng xe buýt; từ năm 2016 sẽ miễn phí vé xe buýt cho người già từ 75 tuổi trở lên. Ngoài việc được lưu thông miễn phí, người cao tuổi còn được ưu tiên ghế ngồi phía trước để tránh dằn xóc, chen lấn và được tài xế (phụ xe) hỗ trợ khi lên hoặc xuống xe.
Biết được thông tin này, bà Đặng Thị Mai, 80 tuổi, ngụ phường 25, Bình Thạnh, TP.HCM mừng lắm. “Tôi 81 tuổi rồi nên chân tay run lắm, ngồi xe máy không vững. Bây giờ mà được đi xe buýt miễn phí là tôi có thể tiết kiệm tiền cho con cái và an toàn cho tôi nữa”, cụ bà tâm sự.
Sáng 14-1, ông Điểu Bơm, 81 tuổi, dân tộc S’tiêng (ngụ thôn Trung Sơn, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) cùng cháu trai lặn lội từ Bình Phước đến TP.HCM để khám bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Xe ôm ở bến xe đòi hai ông cháu 120.000 đồng cho một lượt đi. Sau một hồi phân vân họ quyết định đi xe buýt vì chỉ tốn 10.000 đồng. “Tôi phải tiết kiệm để dành tiền khám bệnh uống thuốc, 120.000 đồng là mấy ngày đi làm rừng của chúng nó rồi”, ông Điểu Bơm cho hay. Vướng vào căn bệnh tim mạch, khớp và cao huyết áp, ông Bơm cứ hai ba tháng lại đi khám một lần. “Nếu được miễn vé xe buýt thì tôi mừng lắm. Nhà nước làm như vậy là tạo điều kiện cho người dân nghèo tụi tôi rồi”, ông Bơm phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, tài xế tuyến xe buýt 26 (Bến xe miền Đông – An Sương) cho hay ông rất ủng hộ quy định trên và sẽ chấp hành nghiêm chỉnh việc miễn vé xe buýt cho người cao tuổi ngay khi nhận được lệnh từ cơ quan chủ quản là Công ty Xe khách Sài Gòn.
Theo ông Nghĩa, “Vài ngàn đồng vé xe không là gì với những người còn lao động được, nhưng những người lớn tuổi thì với họ vẫn là những đồng tiền dành dụm để uống thuốc hoặc phòng khi đau bệnh, nhất là đa phần tâm lý của người lớn tuổi thường không muốn phiền đến con cháu”.
“Vậy là mẹ tôi cũng thuộc diện được miễn vé xe buýt”, ông Nghĩa vừa nói vừa khoe với chúng tôi hình của người mẹ già trong chiếc điện thoại và tự hào kể rằng mẹ ông đã 90 tuổi nhưng vẫn còn đi lại khỏe khoắn, rất thích đến nhà con cháu chơi vào những ngày lễ tết.
Nhà vệ sinh công cộng 4-5 sao
UBND TP đã giao cho Sở GTVT nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng, lắp đặt 11 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) đạt tiêu chuẩn 4-5 sao tại các công viên Tao Đàn, 23-9, Lê Văn Tám, Gia Định và các bến xe Chợ Lớn, Đầm Sen. Đặc biệt các NVSCC này đều có máy ATM, phục vụ người dân 24/24 và miễn phí. Dự tính sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 NVSCC trong dịp Tết này.
Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay, mỗi NVSCC có diện tích 60m2 với chi phí xây dựng khoảng 800 triệu/cái. Mô hình thí điểm này được thực hiện theo hình thức xã hội hóa nên các ngân hàng sẽ chi trả toàn bộ chi phí xây dựng, chi phí điện nước và thuê nhân công trong việc phục vụ duy trì.
Theo chỉ đạo của UBND TP, tuyệt đối không được tận dụng những điểm NVSCC để dán quảng cáo, mà chỉ được sử dụng áp phích cổ động, tuyên truyền.
Bạn Đỗ Vũ An (sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM) khi biết thông tin trên trong giờ đọc báo buổi sáng cũng có chung niềm vui như những người khác ở thành phố này. Theo An, có NVSCC sẽ giúp cho bạn và mọi người thuận tiện hơn khi tập thể dục hoặc đến học bài ở Công viên Tao Đàn. Trước thông tin sẽ có NVSCC tiêu chuẩn 4-5 sao và được sử dụng miễn phí, các nữ tài xế taxi nói họ vui gấp 10 lần niềm vui của những người xung quanh. Chị N.M, làm tài xế gần 10 năm qua bộc bạch: “Không phải mình tôi mà các chị em trong ngành này đều khổ sở vì thiếu chỗ giải quyết nhu cầu khi cần, khổ nhất là trong những ngày “đèn đỏ”. Vẫn biết là một số nơi được lắp đặt NVSCC nhưng có khi lại không tiện đường lưu thông. Có khi tiện đường lưu thông thì lại kẹt không có chỗ đỗ xe 4 bánh…”. Chị M. mong rằng hệ thống NVSCC mới này có chỗ để xe 4 bánh để tạo điều kiện thuận lợi cho “những người đang kiếm sống bằng nghề của đàn ông” như chị.
Bài, ảnh: Bích Vân
Sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình
Theo Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường, nếu việc thí điểm thành công, thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để phục vụ người dân và du khách.
Hiện TP.HCM có khoảng 170 NVSCC, được lắp đặt tại các tuyến đường và công viên, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực quận 1 để phục vụ du khách. Tuy nhiên, hệ thống NVSCC này được cho là quá mỏng, không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)