Nhóm sinh viên thực hiện phần mềm “Giao thông thông minh”
|
Được đánh giá là đồ án tốt nghiệp xuất sắc, phần mềm điều khiển đèn tín hiệu một cách thông minh như con người là ý tưởng của nhóm cựu sinh viên CNTT thuộc Trường ĐH FPT đã mang đến những nhận định lạc quan về điều tiết giao thông tại Việt Nam.
Bức xúc từ thực tế
Smart traffic (giao thông thông minh) là tên phần mềm của nhóm tác giả gồm 6 bạn trẻ: Nguyễn Văn Dũng, Đỗ Văn Phượng, Trần Phú Hưng, An Quốc Thành, Đặng Thế Hùng và Nguyễn Tuấn Việt. Các bạn này đều là sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH FPT Hà Nội. Đỗ Văn Phượng, Trưởng nhóm cho biết trong quá trình lưu thông trên đường, qua các ngã tư, Phượng cũng như các bạn đều thấy có nhiều vấn đề không hợp lý từ các đèn tín hiệu giao thông. Theo Phượng, thời gian lưu thông qua ngã tư của mỗi làn đường được quy định cố định. Lúc nhiều phương tiện đi lại cũng như ít phương tiện. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Phượng lấy ví dụ, ở các ngã tư, mỗi hướng xe được lưu thông trong khoảng thời gian từ 15 đến 40 giây. Thời gian này không thay đổi, được “ấn” cố định. Trong khi đó, đối với buổi sáng, chiều đi bao giờ cũng nhiều phương tiện lưu thông hơn chiều ngược lại, còn buổi chiều, lượng người tham gia giao thông ở chiều về sẽ đông hơn. Việc ấn định thời gian một cách cứng nhắc, không thể thay đổi đã khiến cho giờ cao điểm tại các ngã tư lớn, nhiều anh cảnh sát giao thông phải làm thay nhiệm vụ đèn tín hiệu để điều tiết giao thông hợp lý. Nếu không, tình trạng tắc đường là điều khó tránh khỏi tại ngã tư, ngã 5 trên các trục đường lớn của thành phố. Nhận thấy đây là vấn đề khó nhưng không phải không giải quyết được, 6 bạn trẻ đã cùng nhau tìm hướng giải quyết bằng đồ án tốt nghiệp phần mềm Smart traffic. Phượng cùng các bạn trong nhóm trình bày ý tưởng của mình với thầy hướng dẫn là Phan Duy Hùng. Thật may, thầy Hùng cho biết trong TP.HCM, FPT cũng đang triển khai một dự án giải quyết bài toán giao thông nhưng đang bị “tắc” ở phần giải thuật. Ngay lập tức, thầy Hùng giao cho nhóm bắt đầu nghiên cứu giải quyết vấn đề này.
Nhiều tiện ích khi ứng dụng
Phượng cho biết, khi bắt tay vào làm đồ án, cả nhóm đều xác định tâm lý sẽ có thất bại. Quả thật, Phượng cùng các bạn đã thất bại rất nhiều. Bằng việc sử dụng các con số tính toán để áp dụng trên phần mềm mô phỏng sát với thực tế, không ít lần Phượng cùng các bạn phải tiến hành lại từ đầu. Đặc biệt, khi chỉ còn hơn một tháng là bảo vệ đồ án, nhóm của Phượng nhận được thông báo có sự thay đổi khi phải trình bày số liệu dưới dạng 3D. Bao nhiêu việc dồn vào những ngày cuối, có lúc cả nhóm đã định bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự động viên, sự nhiệt tình của thầy hướng dẫn cả nhóm đã đi đến đích cuối cùng. Nhóm của Phượng đã ứng dụng các thuật toán để lập trình lên một phần mềm có khả năng giúp điều tiết giao thông như con người. Phần mềm Smarttraffic của nhóm có khả năng điều khiển đèn tín hiệu giao thông biến đổi chuyển đổi phụ thuộc theo lưu lượng giao thông ở các ngã tư một cách tự động. Cụ thể, bằng việc đo đếm được mật độ phương tiện của người tham gia giao thông, hệ thống sẽ tự điều chỉnh đèn báo dừng/chuyển tín hiệu theo thời gian và tốc độ tương ứng. Nhờ đó, sản phẩm sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực trong quản lý giao thông, là một ý tưởng hay để giải quyết những vấn đề ùn tắc giao thông trên thực tế. Phượng cho biết, để thực hiện được đồ án này, cả nhóm đã phải nghiên cứu nhiều thuật toán hóc búa để ứng dụng trong lập trình cùng rất nhiều khó khăn. Có một thuận lợi trong quá trình làm đồ án của nhóm, đó là thầy Phan Duy Hùng có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, đồng thời tại FPT cũng đang có dự án nghiên cứu về giải bài toán ùn tắc giao thông.
Nói về đồ án của các sinh viên, thầy Hùng khẳng định các nghiên cứu về giao thông thông minh là một lĩnh vực rất nóng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Lợi ích của giao thông thông minh là đem lại lợi ích đến từng người dân cho đến các cấp vĩ mô. Các nghiên cứu về giao thông thông minh rất rộng lớn. Đồ án của các em sinh viên tập trung vào một vấn đề nhỏ là nghiên cứu giải thuật cho điều khiển thông minh đèn tín hiệu giao thông tại một ngã tư cho 2 trường hợp 2 pha và 3 pha.
Theo Phượng thì nhóm của em nghiên cứu chỉ là phần mềm, là thuật giải toán đèn tín hiệu giao thông. Còn việc tính toán lưu lượng người tham gia giao thông như thế nào là hợp lý thì lại thuộc phần cứng. Ở nước ngoài, các đèn giao thông có thể dựa vào nhiệt lượng của các phương tiện tham gia giao thông tỏa ra để biết được số lượng phương tiện đang lưu thông trên đường nhằm điều tiết đèn tín hiệu một cách hợp lý. Nhưng ở Việt Nam do giao thông còn nhiều bất cập, các ngã tư bị vướng nhiều cây xanh nên việc tính toán còn cần nhiều thời gian. Các thành viên trong nhóm đều hy vọng đồ án sẽ được thực hiện trong thực tế.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Thầy Phan Duy Hùng cho biết: “Kết quả hiện tại cần được phát triển, nghiên cứu một cách hệ thống, tổng quát và sâu rộng hơn để áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Hiện tại, tôi đang tiếp tục hướng dẫn sinh viên tham gia vào các dự án giao thông thông minh ở TP.HCM”. |
Bình luận (0)