Người dân được hướng dẫn lưu thông theo hướng phân luồng mới
|
Cầu Kiệu sẽ là chiếc cầu thứ tư tại TP.HCM được khởi công xây mới. Việc đóng cầu và khởi công xây dựng được bắt đầu từ hôm mùng 5 Tết. Cây cầu này nối liền tuyến đường huyết mạch giữa quận 1 (đường Hai Bà Trưng) và quận Phú Nhuận (đường Phan Đình Phùng).
Mặc dù hướng lưu thông mới bằng các cầu tạm không mấy dễ chịu, nhưng người dân ai cũng khấp khởi vui.
Hy sinh vì lợi ích chung
Kể từ hôm đóng cầu, nhất là từ ngày mùng 10 Tết, khi người người đã trở lại với công việc thường nhật, thì con hẻm 475 Hai Bà Trưng, quận 1, nơi gia đình ông Nguyễn Văn Hòa cư ngụ trở thành đường lưu thông chính từ hướng Phú Nhuận qua quận 1 nên ồn ào suốt ngày cho tới đêm khuya. Mấy ngày đầu gia đình ông Hòa có người khó ngủ, có người mất ngủ. Nhưng ông Hòa và các thành viên trong gia đình không lấy đó làm phiền: “Cây cầu này đã hơn 50 năm tuổi rồi, bây giờ Nhà nước đang tích cực làm cả ngày lẫn đêm cho người dân có cây cầu đẹp, mới và an toàn thì mình là người dân phải biết đóng góp bằng sự chia sẻ, mỗi người hãy hy sinh những cảm giác thoải mái, yên tĩnh vốn có để được hưởng lợi ích chung và lâu dài”.
Theo lời kể của ông Hòa, cầu Kiệu cũ thường xảy ra kẹt xe vào hai buổi sáng và chiều trong những giờ cao điểm, mỗi lần ùn tắc kéo dài từ 1-2 giờ đồng hồ, thậm chí có khi nhiều hơn, nhất là vào mùa mưa bão. Thực trạng trên gây ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến những người lưu thông đã đành, mà cả khu vực dân cư ở hai bên cầu cũng chịu chung cảnh ngộ. Việc buôn bán của nhiều hộ dân với các mô hình kinh doanh quán ăn, tiệm tạp hóa, cửa hàng hoa tươi, tiệm bán quần áo may sẵn… bị ảnh hưởng doanh thu là điều khó tránh khỏi.
Bà Loan, cho hay ngôi nhà mặt tiền tầng trệt bà cho người ta thuê để mở quán kem nhưng khách hàng đã trả nhà cho bà trước Tết để tránh việc làm cầu. Tuy bị thất thu nhưng bà sẵn lòng chấp nhận chờ đến khi cầu làm xong sẽ cho thuê lại. “Đâu chỉ có mình, khắp khu này nhiều tiệm khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng thà chúng ta hy sinh một khoảng thời gian để chờ cầu mới, như thế sẽ có thể chấm dứt tình trạng ùn tắc và công việc kinh doanh của chúng ta từ đó về sau sẽ thuận lợi hơn”, người phụ nữ có gương mặt phúc hậu bày tỏ sự tin tưởng.
Sớm hoàn thành để phục vụ người dân
Đẩy nhanh tiến độ là tiêu chí hàng đầu của công trình cầu Kiệu với thời gian chỉ vỏn vẹn 5 tháng. Nghĩa là dự kiến vào cuối tháng 7 năm nay cầu mới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. So với các công trình cầu Lê Văn Sỹ, thi công trong thời gian 7 tháng; cầu Bông trong 11 tháng và cầu Hậu Giang trong 10 tháng, thì cầu Kiệu có thời gian thi công ngắn nhất.
Chỉ huy trưởng công trình là ông Nguyễn Doãn Cường, thuộc Công ty cổ phần Xây dựng công trình 525, cũng là nhà thầu thi công cho biết để đảm bảo tiến độ thi công, công trình đã huy động 75 kỹ sư, công nhân cùng 8 xe tích cực làm việc 24/24 giờ mỗi ngày.
Cầu Kiệu mới là chiếc cầu thứ tư tại TP.HCM được khởi công xây mới với kinh phí đầu tư là 115 tỷ đồng. Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã tiến hành đóng 3 cây cầu và khởi công xây mới cầu Bông (nối quận 1 với quận Bình Thạnh) với kinh phí xây dựng 130 tỷ đồng, cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) có kinh phí đầu tư là 110 tỷ đồng và 128 tỷ đồng cho cầu Hậu Giang (quận 6).
Tổng số vốn để xây dựng 4 chiếc cầu mới khoảng gần 37 triệu USD nhằm thay thế những cầu cũ đã sử dụng được hơn 50 năm cho đến nay không đảm bảo an toàn, đồng thời nâng cao năng lực giao thông trên các tuyến đường và trong khu vực. Dự kiến cả 4 chiếc cầu trên sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Bài, ảnh: Bích Vân
Cầu Kiệu mới có chiều dài 77m, rộng 20m (gồm cả lề bộ hành) cho phép 4 làn xe lưu thông. Chiếc cầu này có độ tĩnh không 2,5m cho xe ô tô, xe máy lưu thông trên hai tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là đường Hoàng Sa và Trường Sa. |
Bình luận (0)