Nhiều học sinh Trường THPT Gia Định “ngụy trang” bằng áo khoác mỗi khi tham gia giao thông đến trường
|
Vi phạm an toàn giao thông (ATGT) ở trường học lâu nay là mối lo chung của ngành giáo dục. Chính vì vậy, việc giáo dục ý thức về ATGT cho học sinh tiểu học hiện đang là lĩnh vực ưu tiên…
Khó uốn nổi “cây già”
Giờ tan học vào buổi trưa ở Trường THPT Gia Định, TP.HCM, học sinh được cha mẹ đưa đón cũng có, các em đi xe đạp cũng có. Nhưng điều đáng nói là “ở đây có đến 60-70% học sinh lưu thông bằng xe gắn máy”, theo nhận định của một nhân viên bãi giữ xe bên cạnh trường.
Em H., học sinh lớp 12A4 thuộc Trường Gia Định cho hay, học sinh khối 10 và khối 11 của trường đi xe máy nhiều hơn các em lớp 12 và thường đi xe tay ga. Bản thân em cũng mới đi xe máy một năm nay vì ba mẹ muốn tập cho em tính tự lập. Vả lại vào lớp cuối cấp này em học tăng cường và học thêm nhiều hơn nên ba mẹ không có thời gian đưa đón như trước đây. “Em luôn cố gắng chạy xe cẩn thận và đội mũ bảo hiểm để đảm bảo ATGT cho em và cho những người khác nữa. Em biết học sinh chạy xe máy là vi phạm ATGT, nhưng để việc học hành được thuận tiện thì em cũng như một số bạn khác không có cách nào khác. Chứ nếu phụ thuộc vào việc cha mẹ đưa đón vô tình lại gây ùn tắc, kẹt xe trước cổng trường”, H. phân bua.
H. còn tiết lộ thêm rằng “bí quyết” của học sinh Trường Gia Định là “cho dù đi học sáng sớm, hay buổi trưa hoặc chiều tối thì chúng em đều mặc chiếc áo khoác bên ngoài để không bị công an phát hiện”. H. tính nhẩm chỉ còn hai tháng nữa thì em đủ 18 tuổi nên dự định: “Khi đủ tuổi em sẽ thi bằng lái xe ngay. Thật ra khi lái xe mà có bằng lái hợp pháp thì trong lòng mình an tâm hơn”.
Học sinh cấp 3 lưu thông bằng xe gắn máy đã là điều đáng nói, học sinh cấp 2 cũng lưu thông bằng xe gắn máy thì mức độ nguy hiểm càng đáng lưu tâm hơn. Em M.T, học sinh Trường THCS Cù Chính Lan biết chạy xe tay ga từ năm học lớp 7, sau khi được cha em thường xuyên tập luyện cho trong vòng một tuần vào mỗi buổi chiều tại con hẻm lớn gần nhà. Tính tới thời điểm này, M.T đang học lớp 9, nghĩa là em đã chạy xe máy được hai năm. Bị va quẹt hay té xe, cô bé đều đã có lần “trải nghiệm”. Cô bé này im lặng rồi nở nụ cười có vẻ bí hiểm khi người viết hỏi em có chạy xe máy đi học hay không. Một lát sau rồi M.T cũng thú nhận: “Phần nhiều em chỉ dùng xe máy đón đứa em út đi học về hoặc là đi chơi với bạn bè thôi”.
Ông V., một thành viên của Ban Chấp hành Hội phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu cho hay, ông đã từng kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường về việc cấm tuyệt đối học sinh đi học bằng xe máy bằng cách không giữ xe cho các em trong bãi giữ xe của nhà trường. Ngay cả đứa con trai duy nhất của ông đang theo học ở trường này ông cũng cố gắng đưa đón con hai buổi sáng chiều. Còn đến thời điểm này, khi công việc quá bận rộn thì ông cố gắng mua cho con chiếc xe đạp điện giá 12 triệu đồng.
Giáo dục ý thức ATGT bằng cuộc thi
Kinh nghiệm dân gian đã đúc kết: “Uốn cây non chứ ai uốn nổi cây già”. Điều này đang được phát huy một cách tích cực trong lĩnh vực giáo dục ý thức về ATGT cho học sinh. Thế nên, các dự án tài trợ mũ bảo hiểm cho các trường tiểu học, đặc biệt là chương trình giáo dục ATGT cho học sinh tiểu học trong thời gian qua không nằm ngoài mục đích đó.
Điểm sáng trong lĩnh vực này là chương trình giáo dục ATGT cho học sinh tiểu học mang tên “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia, Cục CSGT đường bộ – đường sắt triển khai từ cuối năm 2008. Sau 6 năm triển khai chương trình này, 800.000 học sinh lớp 3, 4 và 5 ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được hưởng lợi. Riêng trong năm học 2013-2014, với sự đồng hành nhiệt thành của các cửa hàng do Honda ủy nhiệm, 925 trường tiểu học ở 12 tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai việc giảng dạy ATGT cho hơn 386.000 em học sinh. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng tham gia rất nhiệt tình cuộc thi này, hiện đang triển khai cuộc thi xuống các trường trên địa bàn thành phố.
Nhiều phụ huynh và đặc biệt các cấp chính quyền ở các địa phương nhận định rằng chương trình trên là phương thức hữu hiệu góp phần hình thành ý thức về ATGT nơi cộng đồng, đặc biệt nơi con trẻ. Chị Mỹ Dung, phụ huynh của một học sinh ở Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ sự phấn khởi: “Dạy con từ thuở còn thơ, nên việc rèn ý thức chấp hành luật lệ giao thông cũng phải bắt đầu từ khi con còn bé. Vậy nên chương trình “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” cho khối học sinh tiểu học theo tôi là cần thiết và cần thiết hơn bao giờ hết”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Giáo dục giao thông là nhiệm vụ quan trọng
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác Học sinh – sinh viên thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay: ““ATGT vì nụ cười trẻ thơ” là một chương trình góp phần quan trọng vào việc giáo dục ý thức tốt về ATGT cho khối tiểu học nên sở hưởng ứng nhiệt liệt chương trình này. Bên cạnh việc hưởng ứng, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ đạo các trường xem giáo dục trật tự ATGT là một trong những hoạt động trọng tâm đối với giáo dục toàn diện của nhà trường. Qua đó cho thấy giao thông hiện nay là một trong những vấn đề các trường đều quan tâm. Từ việc xác định được nhiệm vụ quan trọng như vậy thì các trường mới chuyển tải và đưa nội dung giáo dục ATGT vào trong từng cấp, lớp học. Riêng khối tiểu học thì sẽ giáo dục cho các em một cách nhẹ nhàng, thông qua các loại hình: Thứ nhất là trong chính khóa bằng việc đưa vào môn giáo dục công dân. Tùy theo mỗi cấp lớp mà sẽ có một số tiết học giáo viên lồng ghép kiến thức về giáo dục ATGT vào tiết học giáo dục công dân sao cho phù hợp. Bên cạnh đó là giáo dục ATGT thông qua các hoạt động ngoại khóa: Giáo viên sẽ cho học sinh tiếp cận các biển báo để nhận biết cái nào đúng cái nào sai, giúp học sinh phân biệt đúng – sai. Ngoài ra các trường học tùy theo điều kiện mà tổ chức bằng nhiều hình thức như: Mời CSGT về trường để nói chuyện với học sinh, hướng dẫn cho các em về các biển báo cụ thể (vì với người thật việc thật sẽ có tính thu hút hơn). Bên cạnh việc chú trọng giáo dục ATGT cho học sinh tiểu học, sở cũng chỉ đạo các trường thực hiện việc chấn chỉnh về ATGT cho các khối THPT và THCS thông qua việc phối hợp với CSGT xử phạt những học sinh vi phạm, đồng thời lập biên bản cùng với sự cam kết của phụ huynh học sinh để tránh tái phạm về sau”.
|
Bình luận (0)