Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đã đến lúc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các chuyên gia lĩnh vực giao thông cho rằng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã rơi vào tình trạng quá tải.

Hiện tình trạng kẹt xe trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang là nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm hoặc khi có sự cố giao thông.

Cao tốc đã quá tải

Báo động tình trạng quá tải tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tình trạng kẹt xe cục bộ khu vực phía đông TP.HCM vào ngày 9-7. Chỉ riêng sự cố giao thông trên cầu Phú Mỹ đã khiến toàn bộ các tuyến đường kết nối bị tê liệt. Cụ thể, các phương tiện từ đường Mai Chí Thọ không thể vào được vành đai 2 và các xe trên cao tốc cũng không thể thoát ra được.

Anh Đào Văn Hùng (một tài xế chuyên chở khách đi Vũng Tàu) than thở: “Bây giờ đi cao tốc Long Thành – Dầu Giây thực sự là nỗi ám ảnh của cánh tài xế chúng tôi, bởi đoạn đường chỉ có khoảng 20 km nhưng nhiều khi mất một giờ đồng hồ để di chuyển”.

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học và công nghệ GTVT phía Nam, nhận định tình trạng kẹt xe cục bộ ở khu vực phía đông TP là một dấu hiệu thực tế mà đơn vị quản lý cao tốc cần nhìn nhận lại. Trong đó, đơn vị quản lý phải xem xét lại thiết kế dự phòng đường cao tốc này có còn phù hợp với quy hoạch và năng lực thông xe hay không.

“Chúng ta phải đánh giá năng lực thông xe ở đầu vào và đầu ra hiện nay là nút giao bằng có còn phù hợp không. Và khi đã xảy ra tình trạng quá tải thì buộc phải xây thêm cầu, thêm đường và phân luồng tuyến” – TS Hùng nói.

Tương tự, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết hiện nay kết nối tại các giao lộ ở An Phú và quốc lộ 51 đều không còn phù hợp nên mới dẫn đến tình trạng kẹt xe như hiện nay. Nguyên nhân là do lưu lượng xe tăng quá nhanh và nút giao kết nối không còn phù hợp.

Theo ông Cương, Nhà nước cần xây dựng nhiều tầng nút giao tại hai đầu đường cao tốc thì mới giải quyết dứt điểm tình trạng kẹt xe này. Ngay từ bây giờ cần phải điều tra lại lượng xe, nhu cầu xe, các nút thắt, điều phối để xây dựng thêm cầu, đường trước khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Đã đến lúc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - ảnh 1
Sự cố giao thông khu vực cầu Phú Mỹ ngày 9-7 khiến cao tốc Long Thành – Dầu Giây tê liệt. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Cần nghiên cứu cụ thể

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Quốc Bình cho hay: “Trong thời gian ngắn, lưu lượng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã tăng rất nhanh, hiện nay đã tiệm cận mãn tải (tính tiệm cận theo giờ và giờ cao điểm), nên đã đến lúc xem xét để mở rộng”.

Theo ông Bình, VEC đã có kế hoạch mở rộng đường nhưng cần phải nghiên cứu, đề xuất, xây dựng kế hoạch một cách chi tiết. Và về lý thuyết, VEC sẽ báo cáo HĐTV VEC trước để xem xét và sau đó sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Việc mở rộng đoạn nào, bao nhiêu làn, nguồn vốn bao nhiêu thì ông Bình cho rằng cần có nghiên cứu cụ thể mới đề xuất được. Thời gian dự kiến giữa tháng 8 thì sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để từ đó có chủ trương cho phép hay không cho phép việc mở rộng. Hơn một tuần trước, UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản gửi Bộ GTVT về đề xuất mở rộng cao tốc này.

“Nút giao An Phú thì lại thuộc thẩm quyền của TP.HCM. Năm 2018, TP có ý kiến đề nghị Bộ GTVT sử dụng nguốn vốn của JICA (nguồn vốn này thuộc VEC) để mở rộng và xây dựng hầm chui của nút giao An Phú” – ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hiện nay nguồn vốn này đang hạn hẹp và trước mắt VEC chưa thu xếp được. “Cách đây một tháng, TP.HCM tiếp tục có văn bản gửi lại Bộ GTVT đề nghị Bộ xem xét tiếp nội dung này, Bộ cũng đã trả lời về khó khăn và kiến nghị nếu TP.HCM thu xếp được vốn thì là điều tốt nhất” – ông Bình thông tin.

Theo báo cáo của đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đã có khoảng 4 triệu lượt phương tiện thông qua tuyến trong quý I-2019, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6, lưu lượng trên tuyến tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khách quan khác cũng cộng thêm vào khiến tình trạng giao thông càng thêm căng thẳng. Ví dụ, các phương tiện có tải trọng lớn khi qua khu vực trạm thu phí Long Phước và cầu Long Thành thường di chuyển chậm trong khi các phương tiện liên tục đổ dồn về đây gây ùn ứ trước cầu Long Thành.

Tiếp đó, các phương tiện lưu thông chậm đến trạm thu phí Long Phước dẫn đến ùn ứ giao thông. Riêng tại khu vực gần trạm thu phí quốc lộ 51, tình trạng ùn ứ thường xảy ra vào buổi sáng các ngày thứ Bảy và các ngày đầu dịp lễ, tết do lưu lượng từ TP.HCM đi Vũng Tàu tăng đột biến, trong khoảng từ 6 giờ đến 11 giờ.

_________________________

Đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết thời gian qua đơn vị đã xây dựng đồng bộ các biện pháp vận hành trên tuyến, tại các trạm thu phí để giảm thiểu tối đa tình huống ùn tắc giao thông trên tuyến.

Để giảm ùn tắc, đơn vị quản lý tuyến cao tốc đã gửi khuyến cáo đến người tham gia giao thông trên tuyến nên lựa chọn các lộ trình thích hợp để di chuyển trong các khung giờ cao điểm, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết nhằm giảm tải cho đường cao tốc, đồng thời không gây ảnh hưởng đến lịch trình di chuyển của người tham gia giao thông.

Theo Đào Trang – Kiên Cường/PLO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)