“Cô Hiệu trưởng Lê Thanh Hương ơi, cô mở thêm ngày hội âm nhạc đi ạ, con muốn được hát thật nhiều”!, “Cô Hiệu trưởng Lê Thanh Hương ơi, quạt điện chỗ nhà ăn bị hư rồi, nóng lắm ạ, cô nhớ sửa nha cô”, “Cô Hiệu trưởng Lê Thanh Hương ơi, con thích cô mặc áo dài màu tím ấy ạ, nhìn cô giống mẹ con”… Những lời nhắn “cưng muốn xỉu” này được trích từ những “lá thư gửi cô Hiệu trưởng” mà học trò Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1) gửi đến cô Hiệu trưởng Lê Thanh Hương.
Cô Lê Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) – vui đùa cùng các em học sinh trong giờ ra chơi
Con nhớ mãi câu chuyện “Chiếc vòng bạc của Bác” “Có một kỷ niệm làm con nhớ mãi. Có lần, con hứa với bạn là cho bạn mượn sách nhưng lại… quên (giả đò) không mang cho bạn. Con sợ bạn làm hư sách con. Rồi con được nghe chuyện “Chiếc vòng bạc của Bác” mà cô chủ nhiệm kể cho nghe. Con thấy xấu hổ lắm. Bài học giản dị Bác dạy về việc giữ lời hứa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và rất nhiều câu chuyện về Bác nữa mà con rất thích nghe, dạy chúng con về tình yêu thương với mọi người… Khi mẹ cho tiền, con thường để dành chút ít để nuôi heo đất trong trường. Con mong heo lớn thật nhanh để có thể giúp đỡ phần nào các bạn khó khăn hơn mình”, Nguyễn Đăng Khôi (lớp 5/1, Trường TH Nguyễn Huệ). |
“Thư gửi cô Hiệu trưởng” chỉ là một trong những hoạt động thiết thực tạo tính dân chủ trong trường học, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong trường học mà Trường TH Nguyễn Huệ thực hiện trong suốt năm học qua. Bằng sự tận tâm, miệt mài, dạy chữ dạy người, Trường TH Nguyễn Huệ đã trở thành điểm sáng của ngành GD-ĐT Q.1, vinh dự được nhận giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo cô Lê Thanh Hương, những lá thư TH tưởng như non nớt nhưng lại thể hiện suy nghĩ, mong muốn, bày tỏ của học sinh mang tính đóng góp và xây dựng. Từ những lá thư ấy, nhà trường hiểu hơn các con đang cần gì, mong muốn điều gì để nhà trường, giáo viên điều chỉnh cho phù hợp. “Học trò nhỏ tuổi các con cũng có những suy nghĩ và quan điểm riêng. Giúp các em chia sẻ ra những quan điểm đó là cách để môi trường học đường luôn thân thiện, đưa thầy và trò gần nhau hơn, hướng tới lấy học trò làm trung tâm”.
Điểm nhấn trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải kể đến việc nhà trường hướng học sinh thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy” trong từng tiết học, từng bộ môn. Ở đó, những bài học về cảm ơn, xin lỗi, bài học về tình yêu thương gia đình, thầy cô, bè bạn, bài học về sự trung thực, đức tính kỷ luật… được giáo viên đưa vào trong mỗi bài giảng, sân chơi, các buổi sinh hoạt dưới cờ, đọc truyện trong thư viện về Bác… “Bất cứ khi nào, kể cả ngoài lớp học, những bài học giáo dục nhân cách luôn được nhà trường quán triệt. Đôi khi chỉ đơn giản là dạy các con biết tiết kiệm; lồng ghép những thước phim về cha mẹ dạy các con tình yêu thương; đội bảo vệ môi trường xanh trong nhà trường dạy các con ý thức bảo vệ môi trường không xả rác; chiến dịch nuôi heo đất, kế hoạch nhỏ lại dạy các con sự sẻ chia, lá lành đùm lá rách, hướng thiện…”.
“Từ những bài học giản đơn đó, nhiều con đã ý thức được trách nhiệm của mình, sẵn sàng san sẻ một bữa ăn sáng của mình để giúp bạn bè vùng khó. Nhiều con còn góp gom những bộ quần áo đã mặc rồi nhưng vẫn còn mới của mình để nhờ nhà trường gửi cho bạn bè khó khăn. Nhìn những nếp gấp được là phẳng phiu, mùi vải thơm mới hiểu các con đã trân trọng thứ tình cảm này như thế nào. Hay những chú heo đất ở mỗi lớp ngày ngày đều đặn được “cho ăn, vỗ béo” như tình cảm đẹp ấm áp của các con vậy”, cô Hương vui mừng cho biết.
Sách cũ của con, con gửi tặng bạn “Ngày trước, sách cũ con thường để dành bán ve chai, lấy tiền mua đồ chơi mới. Nhưng mấy năm nay, con kêu mẹ chọn ra để gửi các thầy cô trong trường chuyển đến các bạn nghèo và cả quần áo cũ được giặt sạch sẽ. Con chỉ mong, các bạn được đến trường, được mặc những bộ quần áo lành lặn như mình. Cô dạy con mỗi ngày, sống phải biết sẻ chia, yêu thương. Con cũng thích viết thư cho cô Hiệu trưởng để bày tỏ những mong muốn của mình…”, Trần Thiên Thanh (lớp 5/2, Trường TH Nguyễn Huệ). |
Bảng tin Công đoàn nhà trường hàng tháng đều được nhà trường tận dụng, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt nhằm lan tỏa những giá trị đẹp, tinh thần tiên phong dám nghĩ dám làm đến mỗi thầy cô giáo. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, với cô Phạm Thị Kim Huynh (giáo viên chủ nhiệm lớp 3/1) việc học tập và làm theo Bác là cả một quá trình mà người giáo viên mãi mãi phấn đấu. Trong quá trình ấy, theo cô Huynh, chỉ nhận thức thôi chưa đủ. Từ nhận thức đến hành động phải luôn sát sao, tâm huyết. Làm sao dung hòa giữa học trò, giữa phụ huynh và nhà trường. “Với học trò nhỏ, phải vừa dạy vừa dỗ các em. Ngày nay, đôi khi còn phải “dỗ” cả phụ huynh nữa. Rèn HS, không gì hơn là mình phải làm gương cho các con từ trong mỗi hành động, lời nói. Tình cảm sáng trong Bác dành cho trẻ là bài học mà suốt đời mỗi giáo viên phải học mãi không thôi”.
Đặc biệt, việc quan tâm “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” luôn được Trường TH Nguyễn Huệ thấm nhuần. Bằng các hoạt động như Ngày hội em yêu tiếng Việt; khuyến khích HS viết thư cho cô Hiệu trưởng; dạy HS những câu chuyện kể về Bác… “Bác Hồ từng dạy, tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn. Bác cũng đã có những căn dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Càng trong lứa tuổi TH, các con càng phải được dạy để biết yêu, biết thương, biết tự hào tiếng nước mình. Dạy các con biết trân trọng tiếng Việt cũng là học theo Bác”, cô Lê Thanh Hương bày tỏ.
Trên hết, cô Hương cho rằng, tinh thần học tập suốt đời, tự học tập, tự nghiên cứu, sự giản dị, gần gũi chân tình của mỗi giáo viên chính là “gương sáng” để giáo dục HS. “Học theo Bác, làm theo Bác chỉ đơn giản là ý thức của mỗi giáo viên với nghề. Theo nghề, yêu nghề, yêu trò bằng niềm say mê, không vụ lợi”.
Yến Hoa
Bình luận (0)