Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bùng phát lừa đảo qua Zalo, Viber

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, tội phạm mạng chuyển sang lừa đảo những người dùng Zalo, Viber. Hình thức lừa đảo khá tinh vi khiến không ít người dù cảnh giác cao độ vẫn bị lừa.

Hack nick, giả danh bạn bè nhờ chuyển khoản

Không còn gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng qua Zalo, hiện thủ đoạn của bọn tội phạm nâng lên một tầm cao mới đó là hack nick, giả danh bạn bè nhờ chuyển tiền giúp.

Mới đây, một facebooker tên H.N (ngụ TP.HCM) phải đăng đàn cảnh báo bạn bè về việc chị bị lừa mất 10 triệu đồng do đối tượng lừa đảo đã lấy hình một người bạn của chị N. đặt làm hình nền Viber.

Bung phat lua dao qua Zalo, Viber
Chị H.N cảnh báo bạn bè về việc chị bị lừa mất 10 triệu đồng

Đối tượng này nhắn tin nói có việc gấp, cần vay tiền của chị N. Lúc này chị N. có gọi qua Viber để kiểm tra thì đối tượng nhắn tin báo đang họp, rất bận, không bắt máy, tiếp tục nhắn tin nhờ chị N. giúp.

Đầu tiên, đối tượng nhắn tin nhờ chị N. chuyển 4 triệu đồng vào số tài khoản Techcombank 19033001420xxx, tên Phạm Thu Hiền. Nội dung: Chị Thúy chuyển 4 triệu đồng. Đối tượng này hứa hẹn sẽ gửi trả lại tiền cho chị N. qua ngân hàng Vietcombank.

Ngay sau khi nhận tiền của chị N., khoảng một tiếng sau đối tượng này lại tiếp tục nhờ chị N. chuyển tiếp 3 triệu đồng. Lý do đưa ra là cần chuyển tiền cho chỗ bán hàng, do chỗ bán dùng nhiều tài khoản ngân hàng nên tạm thời không thực hiện được giao dịch.

“Người này cứ liên tục hối chuyển khiến tôi cũng bị rối theo vì nghĩ bạn mình đang có việc cần tiền gấp. Lần này, đối tượng nhờ tôi chuyển qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank tên Nguyễn Trọng Thái. Nội dung là Thúy chuyển 3 triệu đồng” – chị N. kể. 

Thấy thuận lợi dụ được chị N. chuyển khoản, 30 phút sau đối tượng lại tiếp tục nài nỉ chị N. chuyển cho mượn tiếp 4 triệu đồng.

“Tôi nói đang hết tiền thì người này liền gợi ý tôi hỏi mượn bạn bè, lại nói đúng tên khiến tôi càng không nghi ngờ. Lần này, tôi được cung cấp số tài khoản ngân hàng Sacombank, chủ tài khoản cũng tên Nguyễn Trọng Thái. Không ngờ sau khi chuyển tiền lần thứ 3 thì người này lại hỏi mượn tiếp. Lúc này tôi nghi ngờ, gọi vào số di động của bạn thì mới biết mình bị lừa” – chị N. đau khổ cho biết.

 
Bung phat lua dao qua Zalo, Viber
Nhiều người bị lừa vì thiếu cảnh giác khi chỉ qua tin nhắn đã vội tin mà không cần liên lạc trực tiếp để xác nhận

Không chỉ Viber, nhiều người dùng Zalo cũng đang nươm nướp lo sợ khi bọn tội phạm đã thâm nhập được cả hệ thống bảo mật của phần mềm này. Cách đây không lâu, chị Nguyễn Hiền Trang (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị cũng là nạn nhân bị bọn tội phạm nhắm tới nhưng bất thành.

Cụ thể, một nick Zalo giả mạo tài khoản Zalo của bạn chị Trang nhờ chuyển khoản giúp. Tuy nhiên, chị Trang cảnh giác sợ mình bị lừa nên nói không có tiền. Ngay sau đó, đối tượng này đổi tên Zalo thành Mẹ Milo và để avatar giống hệt chị Trang để tiếp tục lừa người thứ ba, nhờ chuyển tiền vào tài khoản Vietcombank, chủ tài khoản tên Lê Long Hồ, số tài khoản là 074100660xxx.

“Bọn tội phạm quá tinh vi, biết rõ tôi đang kinh doanh sản phẩm gì, sử dụng số tài khoản của ngân hàng nào, còn biết rõ trong danh sách bạn bè tôi có bao nhiêu người đang kinh doanh nên nhắm trúng vào những người đó để nhờ chuyển khoản thanh toán tiền hàng. Tôi đã nhanh chóng thông báo với bạn bè trên danh sách nên rất may không ai bị lừa” – chị Trang nói.

Vì chiêu thức này, không ít người dở khóc dở cười vì tội phạm giả danh mình đi lừa đảo khắp nơi. Như trường hợp của chị Lan Anh (ngụ Q. 6, TP.HCM) bị bọn tội phạm lập nick Zalo tên chị, kết bạn với toàn bộ bạn bè của chị, sau đó nhắn tin nhờ chuyển hộ tiền.

“Bạn của tôi tưởng tôi mượn nên đã chuyển cho bọn chúng mất ba triệu đồng. Tôi đành phải bỏ tiền ra chịu phân nữa, coi như cả hai cùng bị lừa. Rất nhiều bạn bè trong danh sách của tôi đều bị bọn chúng nhờ chuyển tiền” – chị Anh bức xúc nói.

Bung phat lua dao qua Zalo, Viber
Các ứng dụng trò chuyện đang được tội phạm mạng tận dụng triệt để

Không tải, đăng nhập vào ứng dụng không rõ nguồn gốc

Theo công ty công nghệ Việt Nam (VNG), có hai cách để bọn tội phạm khai thác được danh bạ của nạn nhân. Thứ nhất là do người dùng tải các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc về điện thoại.

Chẳng hạn, nếu bạn đang sử dụng một phần mềm không có bản quyền (bản quyền không miễn phí), khi đó họ sẽ yêu cầu bạn phải đăng ký thông tin để có thể sử dụng được phần mềm, trường hợp không đăng ký sẽ bị giới hạn thời hạn sử dụng. Nhưng nếu tải một file crack về điện thoại hoặc máy tính để chạy thì bạn có thể bẻ khóa tất cả các phần mềm đó.

Việc cài đặt một ứng dụng crack như vậy vào điện thoại là bạn đã đồng ý cho hacker có quyền làm chủ thiết bị. Từ đó hacker có thể khai thác được ngay danh bạ của nạn nhân, gọi điện thoại vào các tổng đài hỗ trợ của nước ngoài để phát sinh cước dịch vụ, tấn công lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, giả mạo nạn nhân để nhờ bạn bè chuyển khoản khắp nơi.

Theo cảnh báo của VNG, đối tượng lừa đảo ngày càng biến tướng và tinh vi, người dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách không tải những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin đời tư của mình trên Internet vì đó sẽ là con dao hai lưỡi, giúp kẻ gian có thể trục lợi bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, khi nhận những tin nhắn nhờ giúp đỡ cho mượn tiền, nạp card, chuyển khoản hộ… thì trước hết cần liên hệ đến số di động trực tiếp để xác nhận xem có ai mạo danh hay không.

“Các thiết bị thông minh, chẳng hạn như điện thoại iPhone, người dùng sẽ không thể tải phần mềm tự ghi âm cuộc gọi đến hoặc đi. Nhiều người đã phải tải ứng dụng crack về để có dễ dàng sử dụng phần mềm ghi âm cuộc gọi. Từ đó vô tình khiến điện thoại bị phơi nhiễm virus, hacker âm thầm tấn công điện thoại của bạn lúc nào không hay” – công ty VNG cho biết.

Cách thứ hai là bọn tội phạm sẽ tìm hiểu các thông tin trên internet (thường là qua Facebook), bạn bè của nạn nhân trên Facebook. Như câu chuyện của chị Nguyễn Hiền Trang chia sẻ ở trên, đối tượng không lừa được chị Trang nên giả danh chị Trang đi lừa bạn bè chị, nội dung nhờ chuyển khoản đều có câu “chuyển tiền hàng”.

Điều này chứng tỏ bọn tội phạm hay theo dõi những bình luận trên Facebook của chị Trang nên mới biết bạn bè chị Trang gồm những ai đang kinh doanh online để nhờ “chuyển tiền hàng”, ai đang sử dụng tài khoản ngân hàng Vietcombank, ai có sẵn tiền trong tài khoàn nên nhờ rất đúng người. 

Theo Hoàng Hải/PNO

 

 

Bình luận (0)