Giáp Tết Nguyên đán vừa rồi, một đồng nghiệp dạy cùng trường người Nghệ An gọi điện thoại hồ hởi: “Anh có ăn giò me không, ở ngoài quê mới gửi vào, tôi đem đến cho anh nhé?”. Tôi ngạc nhiên suy nghĩ hồi lâu. Lâu nay nghe người ta làm giò chả bằng thịt heo, thịt bò, hoặc có giò thủ, giò tai… chứ chưa nghe nói làm giò bằng quả me bao giờ.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tiểu học đọc chính tả. Ảnh: N.Trinh |
Tuy nhiên, vốn không thích ăn đồ chua, tôi vội từ chối: “Cảm ơn anh! Nhưng mà me chua lắm, tôi không ăn đâu!”. Anh đồng nghiệp cười qua điện thoại: “Không phải giò me là làm bằng quả me đâu!”.
Đồng âm phương ngữ – từ toàn dân
Lúc sau anh mang đến nhà tôi cân giò, không phải làm bằng quả me, mà bằng… thịt bê. Hóa ra ở vùng quê anh ấy, con bê được gọi là con me, và giò bê gọi là giò me! Lần giở từ điển, tôi mới biết có nhiều từ me đồng âm, trong đó, quen thuộc nhất, me là “loại cây thân gỗ, lá kép lông chim, quả dài, có vị chua, ăn được”. Ngoài ra còn có những từ me khác với các nghĩa: dùng để xưng gọi tương tự như “mẹ”/ “người đàn bà Việt Nam vì tiền mà lấy người phương Tây thời trước (hàm ý coi khinh)” thì gọi là “me Tây, me Mỹ”/ “đánh me” là một kiểu đánh bạc thời trước/ “canh me” là canh chừng, trông chừng/ “con me” là con bê… Hiện tượng đồng âm giữa từ toàn dân và từ địa phương (phương ngữ), gây ngộ nhận khi giao tiếp như trên trong từ vựng tiếng Việt đã dẫn đến nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.
Như câu chuyện anh chàng Bắc bộ đến chơi nhà bạn ở xứ thần kinh, thấy con chó to lớn bất ngờ xồ ra nhe răng dữ tợn, sủa ầm ĩ, hoảng quá hét toáng lên. Chủ nhà lại thư thả đi ra, điềm nhiên cười bảo: “Con chó không có răng mô!”. Anh bạn giận quá phản đối: “Nó cắn ầm ĩ, nhe răng tùm lum như thế, mà ông lại bảo không có răng?”. Hóa ra, trong phương ngữ miền Trung “răng” có nghĩa là “sao”, đồng âm với từ “răng” toàn dân chỉ “phần xương cứng, màu trắng, mọc trên hàm, dùng để cắn, giữ và nhai thức ăn”. Còn cái từ “cắn” thuộc phương ngữ miền Bắc mà anh dùng thì đồng nghĩa với từ toàn dân “sủa”, và đồng âm với từ “cắn” toàn dân với nghĩa “giữ và siết chặt bằng răng hoặc giữa hai hàm”.
Hoặc như câu chuyện vui về anh chàng miền Bắc vào miền Nam chơi, để thuận tiện trong giao tiếp, anh cố công tìm hiểu về từ địa phương Nam bộ và nắm được một số từ đồng nghĩa giữa phương ngữ và từ toàn dân như lợn = heo, ngô = bắp, lạc = đậu phộng… Vào thành phố, mải nhìn ngắm, loanh quanh một hồi anh quên đường về, bèn mếu máo nói với một cụ già đi đường: “Cụ ơi, cháu bị đậu phộng đường rồi, nhờ cụ chỉ đường cho cháu với!”. Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa hai từ toàn dân đồng âm, một danh từ chỉ “loại cây thuộc họ đậu, hạt dùng để ăn hay ép dầu” và một động từ có nghĩa là “không theo được đúng đường, đúng hướng phải đi” – trên cơ sở phương ngữ Nam bộ “đậu phộng” đồng nghĩa với từ “lạc” toàn dân.
Đồng âm thuật ngữ – từ toàn dân
Nhân đây tôi chợt nhớ câu chuyện cách nay đã hơn 20 năm, con gái tôi khi ấy khoảng chừng 4-5 tuổi. Một ngày nọ thợ nề đến xây cái nhà vệ sinh, tôi giữ chân phụ việc, chạy vật tư. Trời đã khá trưa, đến giờ cơm rồi mà con gái tôi cứ đứng chần chừ như chờ đợi điều gì, mặc mẹ năm lần bảy lượt gọi vào ăn cơm. Hồi sau tôi chạy xe mua vật liệu về đến cổng, thì cháu hỏi ngay, vẻ mặt thất vọng: “Con thỏ đâu ba?”. Tôi ngớ người ra một chặp, mới nhớ lại rằng lúc nãy anh thợ xây bảo tôi: “Sắp xong rồi, anh đi mua một con thỏ về lắp vào nữa là xong”. Hóa ra cháu cứ đinh ninh trong đầu suy nghĩ là tôi sắp đi mua một con vật xinh xắn mắt hồng, lông trắng, tai dài…, rồi đem về nhét con vật hiền lành ấy xuống bồn cầu – thật là tàn ác! Nên cháu cứ chần chừ không chịu ăn cơm, chờ để xin ba đừng nhốt con thỏ tội nghiệp, dễ thương ấy. Cái bộ phận của nhà cầu có hình dáng cong cong ấy vốn thuật ngữ chuyên ngành xây dựng tiếng Anh là “sipon”, là ống giữ nước, có tác dụng như nút chặn không cho mùi hôi bay ngược trở lên. Không biết từ bao giờ, tên cái ống sành có dạng uốn cong trông có vẻ giông giống con thỏ ấy được phiên chuyển trở thành “con thỏ”, và chết tên trong cái vốn từ vựng của giới thợ xây.
Ngẫm ra, tiếng Việt mọi vùng miền trên đất nước ta tiềm ẩn bao điều thú vị; góp phần tạo nên vốn ngôn ngữ đặc sắc, những nét văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc của văn hóa nước nhà. |
Về thuật ngữ, còn có nhiều từ khác đồng âm dễ gây nhầm lẫn như “chân vịt” tàu thủy đồng âm với “chân vịt”, một bộ phận của con vịt – loài thủy cầm mỏ dẹp, chân ngắn quen thuộc. Hoặc như từ “cánh gà” sân khấu đồng âm với “cánh gà” – bộ phận của con gia cầm mỏ nhọn quen thuộc, nguyên liệu chính của món cánh gà chiên mắm thơm phức đậm đà, khoái khẩu. Hoặc “con chuột” cơ bắp tay (brachii), lại đồng âm với “con chuột” mõm nhọn, đuôi dài. Từ này còn đồng âm với “con chuột” máy tính; và còn nhiều những từ đồng âm dễ gây nhầm lẫn khác như con “con sò” trong máy khuếch đại âm thanh (amply)/ con sò là loài trai biển, “con heo dầu” trong xe ô tô, phanh xe máy/ con lợn…
Trở lại phương ngữ – đó là từ ngữ, tiếng nói lưu hành chủ yếu ở từng địa phương khác nhau. Tuy nhiên có những từ ngữ vượt ra ngoài quy ước phương ngữ nói trên, mà phổ dụng trên phạm vi toàn quốc. Đơn cử như tên gọi một loại bánh hấp dẫn dùng để tráng miệng của nước ta, đặc biệt là ở Nam bộ, làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, đậu xanh, khoai môn, lá dứa… lại được cả nước cùng gọi chung tên là bánh da lợn, chứ không nghe ai gọi “bánh da heo”. Tương tự, loài cá có vú thông minh, thân thiện với con người, dễ huấn luyện làm xiếc thì được cư dân mọi vùng miền gọi là cá heo chứ chưa hề thấy ai gọi là “cá lợn”!
Đỗ Thành Dương
(Trường Dự bị ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)