Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đi bộ sai luật gây tai nạn: Bị phạt tù cao nhất 15 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Từ 1-1-2018, nếu người đi bộ không tuân thủ luật lệ giao thông, để xảy ra tai nạn thì sẽ bị xử lý hình sự, tùy mức độ có thể bị phạt tù lên đến 15 năm. Trước quy định này không ít người băn khoăn về tính khả thi.

Ở nhiều tuyến đường có vỉa hè khá thông thoáng nhưng người dân vẫn vô tư đi dưới lòng đường

Đau đầu vì… người đi bộ

Thực trạng tại nước ta hiện nay, ý thức của người đi bộ chưa cao khi còn qua đường sai quy định, tiện điểm nào thì sang đường điểm đó. Thế nên, xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông là biện pháp cần thiết để giảm tai nạn. Tuy nhiên, việc xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông còn tồn tại nhiều bất cập.

Chúng tôi có mặt tại cầu vượt dành cho người đi bộ trước Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (Bình Thạnh), nhiều người dân vẫn vô tư qua đường mặc dù có cầu bộ hành dành cho người đi bộ. Nhiều năm qua, TP.HCM đã đầu tư xây dựng không ít cầu bộ hành. Mục đích của các cây cầu này là bảo vệ sự an toàn cho người đi bộ khi băng ngang đường và hạn chế cản trở giao thông. Tuy nhiên, nhiều người lại không sử dụng đến. Sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân đã gây cản trở giao thông cho người tham gia phương tiện giao thông.

Tại nhiều tuyến đường khác trên địa bàn TP.HCM, không khó để tìm thấy hình ảnh người đi bộ qua đường tùy tiện hay thản nhiên đi dưới lòng đường, bất chấp các quy tắc giao thông… “Đi cho nhanh, đỡ mất thời gian”, “quen rồi”, “tiện đường thì qua thôi”… là những câu trả lời chúng tôi nhận được từ một cuộc khảo sát bỏ túi những người dân khi đi bộ không đúng quy định. Đã có nhiều cuộc ra quân để làm vỉa hè thông thoáng, dành lối cho người đi bộ. Thế nhưng, khi vỉa hè đã được thông thoáng thì nhiều người vẫn giữ thói quen đi bộ trái quy định. Điều đáng nói hơn nữa là hầu hết những người vi phạm khi được hỏi đều biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng chỉ vì nhanh, vì tiện mà họ vẫn bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng của mình và những người trên đường.

Phạt tù 15 năm

Cũng chính từ sự vô ý thức, coi thường mạng sống như vậy mà không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do người đi bộ chưa chấp hành luật an toàn giao thông. Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông mà còn được mở rộng đối tượng tham gia gồm cả người đi bộ. Cụ thể, nếu người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo Khoản 3, Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 thì có thể đối diện với việc bị phạt tù cao nhất là 15 năm.

Qua khảo sát của chúng tôi, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình vẫn có những ý kiến cho rằng việc xử lý người đi bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ khó thực thi vì có nhiều chỗ chưa hợp lý khi chính bản thân người đi bộ muốn chấp hành đúng luật cũng khó. Trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, phần vỉa hè dành cho người đi bộ đang bị tái lấn chiếm để buôn bán, làm chỗ giữ xe… Do đó, người đi bộ phải đi xuống lòng đường là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, một thực tế dễ nhìn thấy là không ít người dân vẫn đi bộ hiên ngang dưới lòng đường dù vỉa hè khá thông thoáng.

Theo Luật sư Nguyễn Cao Oanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), “Tình trạng người đi bộ cản trở giao thông, không chấp hành luật lệ đang ở mức báo động, diễn ra khá phổ biến. Việc tăng chế tài để xử phạt, ngăn chặn vi phạm là điều hết sức cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, việc xử lý này còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Từ thực tế một số địa bàn của Việt Nam, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn có thể nhìn thấy ngoài mặt địa hình thì ý thức của người đi bộ vẫn còn thấp. Do đó cần nâng cao ý thức cho người dân và hạ tầng giao thông phải được cải thiện đúng chuẩn, đúng quy định”.

Theo Luật sư Nguyễn Cao Oanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), “Tình trạng người đi bộ cản trở giao thông, không chấp hành luật lệ đang ở mức báo động, diễn ra khá phổ biến. Việc tăng chế tài để xử phạt, ngăn chặn vi phạm là điều hết sức cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, việc xử lý này còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Từ thực tế một số địa bàn của Việt Nam, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn có thể nhìn thấy ngoài mặt địa hình thì ý thức của người đi bộ vẫn còn thấp. Do đó cần nâng cao ý thức cho người dân và hạ tầng giao thông phải được cải thiện đúng chuẩn, đúng quy định”.

Có thời điểm, việc xử phạt sai phạm của người đi bộ được thực thi nhưng chỉ như “muối bỏ bể” khi tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông xảy ra nhan nhản. Việc xác định lỗi của người đi bộ trong các trường hợp vi phạm giao thông là khá phức tạp nên cần có sự rõ ràng, minh bạch để những quy định này không nằm trên giấy.

Bài, ảnh: Yên Hà

Bình luận (0)