Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Kiểm soát tài xế sử dụng ma túy: Kéo giảm tai nạn giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu bị phát hiện dương tính với chất ma túy, lái xe sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Sử dụng ma túy để “tỉnh táo” điều khiển xe, vô tình khiến nhiều lái xe bị dính vào “nàng tiên nâu” lúc nào không hay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc. Sau việc phát hiện nhiều lái xe ở Hải Phòng có “dính” đến ma túy, Bộ GTVT đã chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra tình trạng sử dụng ma túy đối với tất cả các lái xe để đảm bảo ATGT trong cả nước.
Gây tai họa khôn lường
Không lưu thông trên đường, không bị va quẹt nhưng vẫn tử vong khi đang ngủ trong nhà, khi đang đứng chờ xe buýt. Người dân “gọi tên” đó là những cái chết oan uổng. Nguyên nhân của những trường hợp này đều do tài xế “phê” ma túy gây ra.
Đã hai năm trôi qua nhưng người dân ở TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vẫn còn ám ảnh về vụ TNGT hy hữu làm chết 1 người khi đang đứng chờ xe buýt ở địa điểm Km 52+100 trên quốc lộ 5 (ngã tư bến Hàn). Người gây ra vụ tai nạn vào lúc 6 giờ ngày 31-7-2012 là lái xe Trần Nguyên Giáp, 31 tuổi. Giáp điều khiển xe container kéo rơ-moóc theo hướng Hải Phòng – Hà Nội, khi đến vị trí trên bất ngờ mất lái đâm vào nhà chờ xe buýt làm cho 1 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do Giáp có sử dụng ma túy nên không làm chủ được tay lái.
Nói về vấn nạn tài xế sử dụng ma túy, vụ TNGT kinh hoàng xảy ra tại cầu Serepok (Km 730 – quốc lộ 14) thuộc địa phận xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột vào lúc 22 giờ 20 phút ngày 17-5-2012 cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của bao người, nhất là những gia đình có thân nhân bị nạn. Đêm hôm đó, xe khách BKS 47V – 2371 của HTX Vận tải Quyết Thắng (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) do lái xe Phạm Ngọc Lâm điều khiển lưu thông theo hướng TP.Buôn Ma Thuột – TP.HCM bất ngờ tông vào lan can cầu rồi rơi xuống sông Sêrêpôk khiến 34 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Lái xe điều khiển chiếc xe này từng có tiền án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Theo giới lái xe, đa phần những vụ tai nạn do không làm chủ được tay lái lao vào nhà dân, đâm xuống cầu, xuống ruộng… là do lái xe “đói thuốc”. Tình trạng này khiến những người điều khiển xe bị hoa mắt, loạng choạng, khó làm chủ tay lái. Ngược lại, khi “phê thuốc”, lái xe đạt hưng phấn cao độ lại bị kích thích lưu thông với tốc độ “bạt mạng”, điều khiển xe theo quán tính, nên khi gặp khúc cua hoặc chướng ngại vật không thể xử lý tình huống kịp thời. Để đối phó với việc kiểm soát của các cơ quan chức năng, một số tài xế sử dụng ma túy uống thuốc tránh thai của phụ nữ trước khi kiểm tra nước tiểu 30 phút để tránh bị phát hiện dương tính với ma túy.
Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
Nói về vấn đề trên, BS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và điều trị nghiện chất của Bệnh viện Bạch Mai cho rằng áp lực chạy theo định mức hoặc tăng chuyến là nguyên nhân khiến lái xe dùng ma túy. Việc sử dụng ma túy hoặc chất kích thích nhằm mục đích duy trì thời gian lái lâu và nhanh hơn, nhưng họ đâu biết rằng, ngoài tác dụng chống buồn ngủ, mệt mỏi, chất kích thích có tác dụng kích thích tâm thần, làm giảm khả năng tư duy, phán đoán khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, việc lạm dụng thuốc khiến lái xe thiếu kiềm chế dễ dẫn đến tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu. Chưa kể lực lượng lái xe đường dài lại chủ yếu là thanh niên, tính hiếu thắng, dễ bị kích động nên việc gây tai nạn là khó tránh khỏi.
BS.CKII Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia nhận định: “Bài toán giải quyết ở đây phải đảm bảo hài hòa 3 bên gồm lợi ích người lái xe, doanh nghiệp và xã hội (có thể là hành khách hoặc người tham gia giao thông). Trong 3 yếu tố đó phải đặt lợi ích của xã hội lên hàng đầu”.
Để kéo giảm và hạn chế TNGT, BS. Tuấn cho rằng, các lái xe đường dài, xe hạng nặng cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Kiểm tra từ khâu nguồn hoặc thiết lập các trạm kiểm soát dọc tuyến đường để kiểm tra tình trạng sức khỏe của lái xe. Lực lượng CSGT, thanh tra giao thông nên thường xuyên tuần tra, phát hiện dấu hiệu khác thường để xử lý… kiên quyết không để những tài xế sử dụng ma túy cầm vô lăng.
BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Công ty TNHH Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP.HCM lưu ý, để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng không chỉ giáo dục đơn thuần mà phải thử nước tiểu các lái xe một cách thường xuyên và có biện pháp xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính với ma túy.
Theo Bộ GTVT, tính đến ngày 16-6, Bộ GTVT đã nhận được báo cáo của 63 sở GTVT từ các tỉnh thành trong cả nước về kết quả khám sức khỏe cho lái xe. Theo đó, cả nước có tổng số 136.132 lái xe phải khám sức khỏe, nhưng sau gần 4 tháng triển khai hiện vẫn còn hơn 7.000 lái xe chưa được khám. Đáng chú ý là trong số hơn 129.000 lái xe đã được khám sức khỏe có 1.769 trường hợp không đủ điều kiện để lái xe, trong đó có 381 trường hợp dương tính với chất ma túy.
Bộ GTVT khẳng định, những lái xe bị phát hiện dương tính với chất ma túy sẽ chỉ được phép điều khiển phương tiện giao thông trở lại khi có giấy xác nhận âm tính với chất ma túy do chính cơ sở đã khám và kiểm tra việc sử dụng chất ma túy trước đó với sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Bài, ảnh: Bích Vân
Khoản 7 điều 8 (chương I) Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
Về hình thức xử phạt, nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013, khoản 10 điều 5 quy định: Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị phạt từ 8-10 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian 24 tháng. Đối với người điều khiển xe “Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ” (điểm b khoản 8 và điểm c khoản 11 điều 5) sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong 2 tháng.
 
 

Bình luận (0)