Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm không đạt chất lượng: Cần siết chặt từ nhiều phía

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một điểm bán MBH không đạt chất lượng trên đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) (ảnh chụp ngày 28-6). Ảnh: Lộc Sâm
Không ít các quy định về kiểm tra, xử phạt liên quan đến mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chất lượng đã được đưa ra thực hiện. Thế nhưng, ngày mai (ngày 1-7), lực lượng cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông đội mũ mà không phải là MBH với một quy định mới.
Kiểm tra, xử lý rốt ráo nhưng chưa triệt để
Có thể thấy vấn đề liên quan đến kiểm tra, xử lý các loại MBH không đạt chất lượng được thể hiện trong các nghị định khác nhau của Chính phủ như nghị định 34 năm 2010, nghị định 71 năm 2012, tới nay là nghị định 171 thay thế. Theo đó, các cơ quan liên ngành như: Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Công nghệ và Khoa học, Chi cục Quản lý thị trường… đều chung tay thực hiện. Mới đây nhất, việc thực hiện chỉ thị 04/CT-TTg ngày 8-3-2013 của Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM, không ít cơ sở sản xuất kinh doanh trái phép các loại mũ không đạt chất lượng bị kiểm tra, xử lý. Đơn cử trong năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường TP tiến hành 299 cuộc kiểm tra chuyên ngành, trong đó có đến 282 vụ vi phạm thuộc nhập lậu, sản xuất, buôn bán mũ không đạt chuẩn, mũ giả nhãn hiệu, không niêm yết giá… và tiền xử phạt lên đến gần 400 triệu đồng, tịch thu gần 54.000 mũ, khoảng 1.600kg phụ liệu, phụ kiện làm mũ. Riêng Công an TP cũng kiểm tra xử lý 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép. Tạm giữ khoảng 12.500 mũ, 1.800 gáo mũ, tiêu hủy gần 1.000 gáo mũ, phạt tiền gần 53 triệu đồng, giải tỏa 48 điểm. Trường hợp vi phạm không đội mũ, đội mũ không đúng quy định bị phát hiện xử lý lên đến gần 60.000 vụ.
Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa thực sự giảm đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh các loại mũ chưa đạt chuẩn. Phần nào tình trạng này vẫn diễn ra nhiều trên vỉa hè tại các tuyến đường: Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), Hùng Vương, Nguyễn Trãi (Q.5)… Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban Chuyên trách (Ban ATGT TP.HCM) cho hay, các đối tượng sản xuất MBH giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp bằng nhiều hình thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như: Sản xuất khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy hoặc trên nhãn hàng hóa thể hiện đầy đủ tên, địa chỉ cơ sở sản xuất nhưng thực tế tên, địa chỉ này không có thật. Việc sản xuất các linh kiện, phụ kiện MBH giả, kém chất lượng cung cấp các đơn vị sản xuất hiện đang diễn ra rất phổ biến, đặc biệt có đối tượng còn mua linh kiện tự lắp ráp mà không cần đăng ký… Điều đáng nói là các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết triệt để.
Cơ quan liên ngành cần siết chặt hơn nữa
“Mục đích chính của chúng tôi là nhắc nhở, không đè nặng xử phạt để người dân thấy rằng đội mũ đạt chất lượng là để bảo vệ an toàn cho chính bản thân, từ đó nâng cao ý thức hơn nữa trong vấn đề này”, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, bắt đầu từ ngày 1-7, người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy nếu không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ mà không phải là MBH thì sẽ kiểm tra, xử phạt từ 100-200 ngàn đồng và được vận động nộp lại để tiêu hủy. Mũ mà không phải là MBH đó là mũ dành cho công nhân, người lao động, mũ thời trang chỉ có lớp vỏ, mũ không đủ 3 bộ phận quai đeo, vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động. Riêng đối với người tham gia giao thông đội mũ giả thì lực lượng cảnh sát giao thông, công an không xử phạt. Bởi vì, việc phân biệt mũ thật – giả hoàn toàn không dễ chút nào, vì thế chúng tôi chưa xử phạt những trường hợp này. Thời gian qua cũng như trước mắt, cảnh sát, Công an TP luôn thực hiện nhắc nhở người dân đội mũ đạt chất lượng là chính. Khi người dân ý thức được nên đội mũ đạt chuẩn để bảo vệ an toàn cho chính bản thân thì điều đó mới thể hiện sự thành công của các quy định xử phạt”, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tường cũng nhấn mạnh: “Nói vậy không có nghĩa là chúng ta thờ ơ trách nhiệm đối với các loại mũ không đạt chất lượng. Trách nhiệm này thuộc về nhiều bộ phận khác nhau. Đơn cử nói đến chất lượng mũ, nhà sản xuất phải đăng ký sản xuất loại nào, mũ đạt chuẩn hay không đạt chuẩn… và phải thực hiện đúng theo đăng ký. Theo đó cơ quan Nhà nước, cụ thể là Sở Khoa học và Công nghệ đảm nhiệm việc theo dõi, kiểm tra các cơ sở sản xuất có đảm bảo không. Kể cả mũ khi nhập về cũng vậy. Riêng việc kinh doanh, mua bán, tiêu thụ ra thị trường thì trách nhiệm thuộc Sở Công thương. Và việc theo dõi, kiểm tra vấn đề trách nhiệm thuộc về Chi cục Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, còn có cả trách nhiệm của địa phương cần theo dõi, phối hợp với các cơ quan liên ngành khi phát hiện. Tất cả cần siết chặt cũng như đảm bảo đúng quy trình thì vấn đề giải quyết mũ không đạt chuẩn mới có thể đạt hiệu quả cao”.
Trinh Ngọc
Ý thức người dân từng bước được nâng cao
Theo Ban ATGT TP, trong công tác xử phạt liên quan đến MBH, so với các tỉnh thành khác trên cả nước thì tại TP.HCM, ý thức đội mũ đạt chất lượng của người dân đã từng bước được nâng cao. Trước đây, có khoảng 30% mũ đạt chuẩn được sử dụng, ngày nay đã tăng lên khoảng 50% và mũ đầy đủ 3 bộ phận cũng tăng lên nhiều. Đa số người dân đã ý thức được việc đội mũ để bảo vệ cho chính bản thân thay vì đội đối phó với lực lượng chức năng. Sắp tới đây, việc ra quân xử lý không thể khẳng định đạt hiệu quả 100%, mà cần có thời gian, từng bước xử phạt, theo đó cũng từng bước nhắc nhở người dân là chính.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)