Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tai nạn rình rập từ xe tập lái

Tạp Chí Giáo Dục

Xe tập lái phải có biển xe “Tập lái” theo mẫu quy định
Xe ô tô tập lái va quẹt, thậm chí gây thương vong về người là chuyện đã xảy ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do “tay nghề” còn non nớt, nhưng điều đáng nói là có những trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn. Người chịu thiệt cuối cùng lại là người bị nạn.
Tập lái gây chết người
Một vụ tập lái gây chết người đã xảy ra hồi tháng 5-2013 tại sân tập lái ô tô Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin, thuộc (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh). Người gây tai nạn là chị Nguyễn Thu Phương (SN 1981), ngụ tại phường Cao Xanh (TP.Hạ Long). Hôm đó chị Phương điều khiển xe tập lái BKS 14C:1301 chở chị Trần Thị Hồng Định (SN 1984, ngụ tại thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ) ngồi ở hàng ghế phía sau. Khi lái xe tới góc cua của sân tập lái, do không làm chủ được tốc độ nên chị Phương bất lực để xe vượt qua block bảo vệ lao xuống vực với độ sâu khoảng 15m. Vụ tai nạn khiến chị Phương tử vong tại chỗ, còn chị Định bị thương nặng, xe ô tô tập lái bị hư hỏng nặng.
Bên cạnh các vụ tai nạn gây chết người, xe ô tô tập lái trở thành nguy cơ gây tai họa cho những người tham gia lưu thông. Còn nhớ vụ va chạm xảy ra vào ngày 2-5-2014 vừa qua, một chiếc ô tô tập lái mang BKS 37H – 4329 đang lưu thông trên đường Nguyễn Thái Học (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) bất ngờ lao vào xe máy mang BKS 37M2 – 6392 đi cùng chiều làm cho người đàn ông điều khiển xe máy ngã lăn xuống đường. Điều đáng nói là người đàn ông gây tai nạn ngang nhiên bỏ đi, bỏ mặc người bị nạn đau đớn ở hiện trường.
Nói về vấn đề này, ông Phan Thành Ân, một giáo viên dạy tập lái xe thừa nhận ở TP.HCM thật may mắn là chưa có trường hợp gây tử vong từ xe tập lái, tuy nhiên chuyện va quẹt khi cùng lưu thông do xe tập lái gây ra không phải là hiếm.
Theo kinh nghiệm của ông Ân, tình trạng xe tập lái gây tai nạn trên đường, thậm chí ở ngay trong sân tập xảy ra khá nhiều. Nguyên nhân có thể là do yếu tố kỹ thuật của xe tập lái hoặc do các vi phạm chủ quan của cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy thực hành và học viên tập lái xe. Theo quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì đường tập lái ô tô phải có đủ các tình huống phù hợp với nội dung chương trình đào tạo như: Đường bằng, đường hẹp, đường dốc, đường vòng, qua cầu, đường phố, thị xã, thị trấn đông người. Vì vậy, học viên lái xe ô tô không chỉ tập lái trong sân tập lái ở cơ sở đào tạo mà còn tập lái trên đường bộ.
Quy tắc đảm bảo an toàn cho xe ô tô tập lái
Về điều kiện tham gia giao thông, điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái. Bên cạnh đó, xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải đáp ứng các quy tắc sau: Xe tập lái phải có giấy phép xe tập lái do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải cấp. Xe tập lái phải có biển xe “Tập lái” theo mẫu quy định; có ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định. Giáo viên thực hành phải đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe”, học viên tập lái phải đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe”. Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn (chuyên môn, kỹ thuật) về giáo viên dạy thực hành, xe tập lái, sân tập lái, đường tập lái… phải được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, theo thông tư 46/2012/TT-BGTVT, các tiêu chuẩn được quy định chi tiết như sau:
Ông Ân cho rằng, đa phần học viên tập lái khi tham gia giao thông cùng người đi đường, ngoài hạn chế về kinh nghiệm lái xe thì họ còn lo lắng bởi những yếu tố kỹ thuật trên xe. Nhiều người chia sẻ rằng họ đã gây tai nạn khi tự dưng xe mất phanh, ngay cả phanh phụ của giáo viên cũng không còn hiệu lực.
Về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe: Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng B1, B2 từ 3 năm trở lên; thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng C, D, E và F từ 5 năm trở lên. Giáo viên đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định.
Về xe tập lái: Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có xe số tự động (thuộc sở hữu hoặc hợp đồng), bảo đảm số giờ tập lái theo nội dung, chương trình đào tạo. Ô tô tải được đầu tư mới để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải là xe có trọng tải từ 1.000kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo. Có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực. Có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu quả phanh trong quá trình sử dụng. Thùng xe phải có mui che mưa, nắng và ghế ngồi chắc chắn cho người học.
Về sân tập lái xe: Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 2 sân tập lái xe, bảo đảm diện tích mỗi sân theo quy định. Sân tập lái ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo. Kích thước các hình tập lái phù hợp tiêu chuẩn trung tâm sát hạch lái xe đối với từng hạng xe tương ứng. Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái trong sân được trải thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường và hình các bài tập lái được bó vỉa. Có diện tích dành cho cây xanh; nhà chờ có ghế ngồi cho học viên học thực hành.
Về đường tập lái xe ô tô: Đường giao thông công cộng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải quy định cho cơ sở đào tạo để dạy lái xe phải có đủ các tình huống giao thông phù hợp với nội dung chương trình đào tạo như: Đường bằng, đường hẹp, đường dốc, đường vòng, qua cầu, đường phố, thị xã, thị trấn đông người. Tuyến đường tập lái (kể cả đường thuộc địa bàn tỉnh, thành phố khác) phải được ghi rõ trong giấy phép xe tập lái.
Bài, ảnh: Bích Vân
Quy định của Bộ luật Hình sự
Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
 
 

Bình luận (0)