Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Những con đường… hồi hộp

Tạp Chí Giáo Dục

Không mang theo tài sản có giá trị lớn khi lưu thông trên đường là tự bảo vệ mình trước nạn cướp giật (ảnh chụp tại đường Cộng Hòa)
Ở TP.HCM, có nhiều con đường luôn khiến cho người dân lưu thông với tâm trạng phập phồng, lo ngại. Tình trạng kẹt xe, ngập nước là chuyện thường tình, nạn cướp giật mới là điều đáng lo nhất.
Cướp giật cả ngày lẫn đêm
Vào đầu năm nay, đồng loạt báo chí đã thông tin về một vụ cướp giật táo tợn xảy ra ở cầu Tham Lương (đường Cộng Hòa – quận Tân Bình – TP.HCM) như là một lời cảnh báo. Hôm đó vào khoảng 7 giờ 30, ngày 8-1-2014, chị Huỳnh Ngọc Thảo Mai lưu thông theo hướng từ Hóc Môn vào KCN Tân Bình, khi đến cầu Tham Lương thì bị 4 tên cướp chặn đường hành hung, cướp tiền. Điều đáng nói là bọn cướp đã táo tợn dàn cảnh để trấn áp nạn nhân. Cũng tại con đường trên, vào khoảng 23 giờ ngày 14-4-2013, một vụ cướp giật gây án mạng đến nay vẫn còn làm cho những người chứng kiến kinh hãi. Theo một CSGT ở khu vực này thì thủ đoạn cướp giật của kẻ gian ngày càng tinh vi hơn trước. Ngoài việc dàn cảnh cướp giật, bọn chúng còn “vẽ” ra cảnh đánh ghen, chửi bới xối xả làm cho nạn nhân mất phương hướng.
Nếu những con đường có đông người lưu thông mà người dân vẫn bị cướp giật, thì với đại lộ Võ Văn Kiệt lại càng có nguy cơ xảy ra tình trạng này nhiều hơn và nghiêm trọng hơn vì bọn cướp thường dùng hung khí để trấn áp nạn nhân. Theo lời người dân sống ở khu vực đại lộ, bọn cướp thường hoạt động vào lúc sáng sớm hoặc khi chập choạng tối vì con đường này rộng nhưng vắng người lưu thông.
Vụ cướp gần đây nhất xảy ra vào lúc 5 giờ ngày 12-6, anh Đinh Văn Tâm (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tập thể dục bằng xe đạp. Khi dựng xe bên lề đường ngay gần hầm Thủ Thiêm (quận 1) để nghỉ mệt thì bất ngờ có 4 người điều khiển 2 xe máy ập đến, trong chớp nhoáng chúng đã “ẵm” gọn chiếc xe trị giá 80 triệu đồng mà anh Tâm mới mua rồi tẩu thoát.
Cũng ngay tại đại lộ này, anh Lê Văn Nam (ngụ quận 8) cũng dùng xe đạp tập thể dục vào 4 giờ 30 ngày 21-5, khi đến gần giao lộ Võ Văn Kiệt – Cao Văn Lầu (quận 6) thì bị hai tên đi xe máy áp sát giật chiếc điện thoại mà anh để ở túi sau. Ngay lập tức, anh Nam chụp lại khiến cả hai tên này loạng choạng ngã xuống đường. Lập tức tên ngồi phía sau rút dao uy hiếp anh Nam để cướp xe. May thay, lúc đó khi nghe anh Nam hô hoán, một số người dân tập thể dục gần đó đã kịp thời ứng cứu.
Luôn cảnh giác để tự bảo vệ mình
Thực tế cho thấy nạn nhân của một số vụ cướp giật may mắn được giải cứu bởi lực lượng tuần tra hoặc người dân. Tuy nhiên, số này không nhiều. Vì thế, để tránh bị cướp giật, sự tự vệ của người dân vẫn là biện pháp chủ yếu.
Chuyên gia tâm lý thuộc Hội Tâm lý – Giáo dục TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Công Thoại lưu ý, đa phần đối tượng bị nạn thường là phụ nữ, đi một mình, lưu thông trên những đoạn đường vắng vẻ… Tuy nhiên, đối tượng nạn nhân nằm trong “tầm ngắm” bị theo dõi khi bị nạn thì gặp hậu quả nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân dẫn đến việc các đối tượng phạm tội theo tiến sĩ Thoại phần lớn là do “túng quá làm liều”, nhưng sau một số phi vụ trót lọt thì thành “ngựa quen đường cũ”. Ngoài ra, người dân cũng cần cảnh giác trước những chiêu trò tinh vi để không bị mắc lừa.
Để hạn chế tệ nạn trên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM,  người dân cần cảnh giác, tự bảo vệ mình, hạn chế mang theo các tài sản, trang sức có giá trị lớn khi lưu thông trên đường, không nên đi một mình vào các đoạn đường vắng hoặc đi về khuya ở những đoạn đường ít người qua lại. Trong những trường hợp cần thiết, tài sản mang theo nên cất trong cốp xe hoặc có người thân đi cùng. Khi xảy ra sự việc cần nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để sớm điều tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bài, ảnh: Bích Vân
Điều 133 Bộ luật Hình sự
Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định
Phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, đối với những hành vi dàn cảnh để chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc dùng vũ lực đánh nạn nhân  rơi vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Phạt tù từ 7-15 năm, đối với trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp; sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11-30%; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạt tù từ 18-20 nămtù chung thân hoặc tử hình, đối với trường hợp gây tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; hoặc phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.
 
 

Bình luận (0)