Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tại sao không gây tê mổ đẻ nữa?

Tạp Chí Giáo Dục

Một kỹ thuật rất thông dụng và được ứng dụng nhiều năm nay là gây tê tủy sống trong mổ đẻ. Mới đây Bộ Y tế thay gây tê tủy sống bằng gây mê nội khí quản trong mổ lấy thai trong nhiều trường hợp.Tại sao?

Tại sao không gây tê mổ đẻ nữa?
Sinh mổ bắt con tại một bệnh viện phụ sản ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Trong trường hợp sản phụ có bệnh lý như nhau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật, nhau tiền đạo… đã ăn uống trước khi lên bàn sinh thì phải hút dạ dày, gây mê nội khí quản để tiến hành mổ đẻ, nếu chưa cần kíp thì để ca mổ chậm lại chứ không gây tê tủy sống nữa.

BS Nguyễn Viết Tiến

Ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết kỹ thuật gây tê tủy sống tiềm ẩn nguy hiểm với các sản phụ có nhau tiền đạo, tụt huyết áp, sản giật, tiền sản giật nặng, bệnh lý tim mạch, nhau bong non…

Nguy hiểm nhưng vẫn làm

Theo Bộ Y tế, qua công tác theo dõi, giám sát, thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương cũng như ý kiến phản ảnh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có nhau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, nhau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết hôm 26-6, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện, yêu cầu không gây tê tủy sống để mổ lấy thai trong trường hợp sản phụ có các bệnh lý như trên, mà nên gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn cho sản phụ.

Chuyên gia này cũng cho biết quy định này không mới, từng được Bộ Y tế ban hành, nhưng nhiều trường hợp vì tiện lợi hoặc do sản phụ yêu cầu (vì nghĩ rằng gây tê nhiều ưu điểm) các bác sĩ vẫn chỉ định áp dụng.

Ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng bệnh lý này có thể chiếm trên 5% các sản phụ, không phải là tỉ lệ áp đảo nhưng với ngành y tế thì một ca gặp tai biến đã là nhiều và cần phải sớm áp dụng các biện pháp an toàn.

Khi nào gây tê, khi nào gây mê?

Theo ThS Nguyễn Hoàng Ngọc – trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Phụ sản T.Ư, gây tê trong sản khoa có nhiều ưu thế. Người mẹ có được tinh thần tỉnh táo, có thể chứng kiến toàn bộ cuộc mổ và giây phút chào đón con ra đời, khả năng phục hồi nhanh…

Nhưng lại có thể xảy ra tai biến nghiêm trọng đối với cả sản phụ, thai nhi như ở những sản phụ có bệnh lý thiếu máu, rối loạn đông máu, có dùng thuốc làm rối loạn đông máu, tiền sản giật nặng, sản giật, nhau bong non. Những trường hợp này đều đã được đưa vào chống chỉ định gây tê vùng trong mổ đẻ với chuyên ngành gây mê hồi sức.

Trong khi đó, gây mê toàn thân sẽ khiến sản phụ ngủ trong cả quá trình mổ và thai nhi cũng có nguy cơ ngủ do thuốc mê đi vào máu mẹ qua nhau thai đến con. Điều này sẽ không có lợi cho đứa trẻ. Do đó, đối với gây mê toàn thân cho sản phụ cần rất thận trọng.

Các bác sĩ gây mê hồi sức sẽ phải tính toán liều lượng cho phù hợp để không đau cho người mẹ trong khoảng thời gian kỹ thuật viên lấy con (khoảng 2-3 phút) mà bảo đảm sức khỏe cho cả người mẹ và thai nhi.

Khai thác tiền sử

Một trong những tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra với sản phụ được gây mê toàn thân khi mổ là trào ngược dạ dày. Khi bị gây mê, đồng thời với việc mất ý thức, sản phụ ở trong trạng thái giãn cơ, liệt cơ, bị mất trương lực cơ.

Đặc biệt đối với sản phụ ăn quá no càng có nguy cơ trào ngược dạ dày vì khi bị gây mê toàn thân thì lúc này cơ thắt tâm vị dạ dày đã bị nhão, không đủ điều kiện để giữ thức ăn, cộng với việc ăn quá no sẽ khiến thức ăn, dịch dạ dày bị tống ra ngoài theo đường thực quản, một phần rơi vào khí quản gây ra tình trạng nghiêm trọng nhanh chóng ở sản phụ.

Cũng theo ông Ngọc, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu thay thế gây tê vùng bằng gây mê toàn thân trong một số trường hợp nhằm nhắc nhở lại đối với các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật gây mê, gây tê hồi sức trong mổ đẻ cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn phương pháp mổ đẻ vô cảm.

Trên thực tế, trong chuyên khoa gây mê hồi sức và sản khoa đều đã có chống chỉ định sử dụng phương pháp gây tê, gây mê trong những trường hợp như thế nào từ trước.

Đối với bác sĩ gây mê hồi sức, trong trường hợp sản phụ được chỉ định mổ đẻ phải phối hợp với sản khoa, khai thác kỹ tiền sử của sản phụ cũng như nắm chắc chắn được tình trạng hiện tại của sản phụ, dựa vào đó làm cơ sở để đưa ra phương án mổ đẻ vô cảm là gây tê vùng hay gây mê toàn thân.

Lưu ý tai biến sản khoa

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, tỉ lệ tử vong mẹ trong khi sinh nở ở VN đã giảm nhiều, nhưng thời điểm này vẫn ở mức 58-59/100.000 trẻ mới sinh, tính trung bình mỗi ngày có tới hai phụ nữ tử vong do các tai biến sản khoa.

Ông Tiến cho biết ngành y tế đang tiếp tục nỗ lực để có thể giảm tai biến sản khoa, bằng các biện pháp như đưa bác sĩ sản khoa về tuyến y tế cơ sở công tác luân phiên, triển khai kỹ thuật mổ đẻ hỗ trợ các bà mẹ đẻ khó ở vùng sâu vùng xa…

 

L.ANH – Q.LIÊN/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)