Kiểm tra nồng độ cồn ở chốt thí điểm gần trạm thu phí lối vào cao tốc Trung Lương – TP.HCM. Ảnh: M.P
|
Với mục tiêu kéo giảm TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia, TP.HCM đang trong quá trình thí điểm kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Với các lái xe, việc bị kiểm tra dù nghiêm ngặt nhưng không nặng nề.
Vì không muốn bị phạt hành chính, càng không muốn là nguyên nhân gây thương vong khi lưu thông nên nhiều lái xe nỗ lực hạn chế thói quen “chè chén” trước đây của mình.
Cơ hội để lái xe “sửa mình”
Anh Phan Văn Thành, nhân viên lái xe cho một doanh nghiệp tuyến Sài Gòn – Rạch Giá từ lời cảnh báo của một đồng nghiệp mới bị phạt ở chốt thí điểm gần trạm thu phí lối vào cao tốc Trung Lương – TP.HCM nên anh tuyệt đối không uống bia mỗi khi lên ca. “Trước đây lúc nào gặp bạn rủ rê là uống. Thật ra khi trong người có chất men thì điều khiển xe không tốt như khi tỉnh táo bình thường. Bởi vậy nên cũng có đôi lần tôi đã gây ra những vụ va quẹt, may là chưa có vụ nào nghiêm trọng. Bây giờ nhân dịp này chắc là phải cai bia rượu triệt để thôi” – anh Thành bộc bạch qua điện thoại trước khi lên ca tại Bến xe Rạch Giá.
Có xe riêng và thường lưu thông qua chốt thí điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Nguyễn ngụ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cho dù bản thân ông luôn nghiêm khắc với chính mình, đến nỗi chưa một lần ông uống rượu, bia trước khi lái xe. Thậm chí mỗi khi đi đám tiệc thì ông thuê tài xế lái. Tuy nhiên, người đàn ông này không cảm thấy khó chịu khi bị ngành chức năng kiểm tra hơi thở. Ông Nguyễn cho rằng: “Làm như vậy là công bằng cho tất cả mọi người. Xe riêng hay doanh nghiệp đều cần được kiểm tra như nhau. Theo tôi khi công tác này được triển khai đồng bộ và chặt chẽ sẽ góp phần kéo giảm TNGT một cách đáng kể”.
Ông Nguyễn còn nói thêm rằng từ hôm TP.HCM triển khai thí điểm kiểm tra nồng độ cồn, con trai ông không được thường xuyên đi TP.HCM để thăm người yêu như trước vì hay tụ tập say xỉn với nhóm bạn học cũ khiến vợ chồng ông Nguyễn không an tâm. “Có tuần ngày nào nó cũng uống. Bây giờ thì vợ chồng tôi lấy việc kiểm tra nồng độ cồn để ngăn không cho nó đi thành phố. Chừng nào nghiêm chỉnh hẳn hoi thì nó sẽ lại được đi”, ông Nguyễn nói như vậy và ông cũng dùng những lời này để khuyên răn con.
Quy trình mới với nhiều ưu điểm
Từ đầu tháng 7, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM (PC67) bắt đầu triển khai thí điểm kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo quy trình mới với buổi ra quân đầu tiên ở trạm thu phí, đường dẫn vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương, nơi mà dòng phương tiện không thể chọn hướng đi nào khác.
Theo quy trình cũ, lực lượng chức năng phải tốn nhiều thời gian khảo sát địa bàn, tuyến giao thông và các tụ điểm, quán ăn uống rồi mới kiểm tra nồng độ cồn với các đối tượng nghi vấn, thì quy trình theo kinh nghiệm quốc tế lại được thực hiện nhanh chóng và khách quan hơn, bởi bất kỳ lái xe nào điều khiển phương tiện giao thông cũng có thể bị kiểm tra. Theo đó, cảnh sát sẽ đến tận nơi vị trí xe, sử dụng máy đo cảm ứng để kiểm tra lái xe, trong khoảng 10 giây sẽ cho ra kết quả nồng độ cồn trong máu. Những lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn sẽ được đưa vào khu vực xử lý riêng, tổ công tác sẽ kiểm tra giấy phép lái xe và dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng có ống thổi để xác định mức độ vi phạm, lập biên bản xử lý theo quy định.
Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM (PC67) nhận định, quy trình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là một quy trình có nhiều ưu điểm như có thể kiểm tra được số lượng lớn, thuận tiện cho người dân đi xe gắn máy, xe ô tô từ 12 chỗ trở xuống, xe tải từ 3,5 tấn trở xuống. Vì lái xe ô tô từ 12 chỗ trở xuống và xe tải từ 3,5 tấn trở xuống vẫn có thể ngồi trên xe để test nhanh (thông qua việc nói chuyện thông thường) để xác định có sử dụng rượu bia hay không. Khi có dấu hiệu có nồng độ cồn thì mới ngậm ống thổi nhằm xác định mức độ vi phạm cụ thể, nếu không CSGT sẽ nói lời xin lỗi và cảm ơn rồi hướng dẫn người dân đi tiếp.
Thiếu tá Phong khẳng định công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn là nhiệm vụ quan trọng trong việc kéo giảm TNGT. Do đó, sau khi áp dụng thí điểm ở Đội CSGT An Lạc, PC67 sẽ áp dụng đồng loạt mô hình này trên địa bàn TP.HCM.
Bích Vân
Để kéo giảm TNGT từ nguyên nhân lái xe sử dụng rượu, bia, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị áp dụng phương pháp kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế vì tốn rất ít thời gian và thủ tục nhanh gọn. Mô hình này được triển khai sớm nhất tại Quảng Ninh và lập tức gần như phát hiện 100% lái xe ô tô vi phạm. Dự kiến sắp tới phương pháp này sẽ được triển khai rộng rãi ở nhiều tỉnh thành. Với hoạt động tuần tra và xử lý vi phạm trên, mọi hành vi vi phạm nồng độ cồn đều được lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định tại nghị định 171/2013/NĐ-CP. |
Bình luận (0)