Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không khí ô nhiễm đe dọa tính mạng người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Có đến 78/90 ngày, tương đương 86,6% số ngày của quý 1/2017, nồng độ bụi trong không khí ở cả Hà Nội và TP.HCM vượt chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Người dân ra đường trang bị đầy đủ để tránh hít phải không khí ô nhiễm /// Ảnh: Độc Lập - Đào Ngọc Thạch
Người dân ra đường trang bị đầy đủ để tránh hít phải không khí ô nhiễm. ẢNH: ĐỘC LẬP – ĐÀO NGỌC THẠCH
Ô nhiễm không khí cũng được cho liên quan đến cái chết của hàng chục ngàn người mỗi năm.
Đó là những cảnh báo được đưa ra gần đây, trong đó có kết quả phân tích chất lượng không khí dựa trên nguồn dữ liệu từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM mà Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vừa công bố.
Hàng chục ngàn người chết mỗi năm
Kết quả phân tích cho thấy, trong 3 tháng đầu năm chất lượng không khí ở khu vực Hà Nội có dấu hiệu cải thiện trong khi TP.HCM lại xấu đi so với quý 1/2016. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã đưa ra công thức để chuyển các số đo PM 2.5 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (micromet)) thành chỉ số chất lượng không khí liên quan tới sức khỏe hay còn được gọi là chỉ số (AQI). Chỉ số AQI tập trung vào tác động sức khỏe trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít phải không khí không sạch, được phân ra làm 6 cấp độ gồm tốt, trung bình, không lành mạnh (cho các nhóm nhạy cảm), không lành mạnh, rất không lành mạnh và nguy hiểm. 

Nguồn gây ô nhiễm được cho là đến từ các nhà máy nhiệt điện than, các hoạt động giao thông, công nghiệp và theo gió thổi từ các nước láng giềng. Theo ghi nhận của WHO, ô nhiễm không khí gây ra các bệnh như bệnh tim, ung thư phổi, đột quỵ, tắc phổi mạn, và nhiễm trùng đường hô hấp
Cụ thể tại Hà Nội, có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn PM 2.5 cao hơn so với giới hạn (Quy chuẩn quốc gia VN là 50 µg/m3); còn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (25 µg/m3, tức lượng bụi PM 2.5 trong 1 m3 không khí tối đa 25 µg (microgam)) vượt đến 78 ngày. Ngày 15.2, nồng độ PM 2.5 vượt quá gần 5 lần Quy chuẩn quốc gia và gấp 10 lần theo hướng dẫn của WHO.
Ngược lại với Hà Nội, không khí ở TP.HCM ít ô nhiễm hơn nhưng lại có chiều hướng tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2017, có 6 ngày nồng độ PM 2.5 vượt quá Quy chuẩn quốc gia – ít hơn Hà Nội đến 31 ngày. Tuy nhiên nếu so với khuyến cáo của WHO thì vẫn có đến 78 ngày vượt ngưỡng (25 µg/m3). So với năm 2016, số giờ có chỉ số AQI ở nhóm không tốt đã tăng từ 32,12% lên 41,82%. Đặc biệt, số giờ có chỉ số AQI ở mức “có hại cho sức khỏe” tăng hơn 15 lần, từ 0,61% lên 9,55%. Chỉ số AQI trung bình quý tăng từ 91,2 lên 100,8, tương ứng nồng độ bụi PM 2.5 trung bình tăng từ 30,72 lên 35,8 µg/m3.
Nguồn gây ô nhiễm được cho là đến từ các nhà máy nhiệt điện than, các hoạt động giao thông, công nghiệp và theo gió thổi từ các nước láng giềng. Theo ghi nhận của WHO, ô nhiễm không khí gây ra các bệnh như bệnh tim, ung thư phổi, đột quỵ, tắc phổi mạn, và nhiễm trùng đường hô hấp.
Trong nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại TP.HCM, giai đoạn 1990 – 2013” của TS Lê Việt Phú, Đại học Fulbright, công bố gần đây cho thấy nồng độ ô nhiễm bụi trong không khí tăng rất nhanh, trung bình năm vượt ngưỡng cảnh báo của WHO tới 3 lần. Hệ lụy của nó là số người chết do ô nhiễm không khí tại VN cũng tăng từ 20.000 người năm 1990 lên 40.000 người năm 2013. Riêng tại khu vực TP.HCM vào năm 2013, số người chết do ô nhiễm không khí lên tới 3.000 người. Thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại về kinh tế thông qua việc mất thu nhập và giá trị mạng sống, ước tính tương đương với 5,5 – 7,5 tỉ đồng/người. Với tổng số người chết do ô nhiễm không khí, con số thiệt hại về kinh tế tương đương từ 5 – 7% GDP, khoảng 10 – 12 tỉ USD vào năm 2013.
Đừng chờ giàu mới nâng chuẩn môi trường
Trong một buổi tọa đàm gần đây về vấn đề tài chính cho nhiệt điện than được tổ chức tại TP.HCM, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức Change tại VN, cảnh báo: Riêng TP.HCM, nếu xây dựng trung tâm nhiệt điện than ở Long An chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ở thành phố này trong tương lai sẽ như Bắc Kinh (Trung Quốc) hiện tại. Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, sức khỏe và tính mạng con người là thứ quý nhất. Chúng ta không nên đợi đến lúc phát triển ngang với Mỹ hay châu Âu rồi mới áp dụng chuẩn môi trường như họ. "Tôi cho rằng ít nhất chúng ta nên đặt mình ở vị thế bình đẳng với thế giới trong vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính chúng ta", bà Khanh nói.
Không khí ô nhiễm đe dọa tính mạng người dân - ảnh 4

Không khí ở 2 thành phố lớn của VN đang ngày càng ô nhiễm. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo TS Phú, nếu không thay đổi đường hướng phát triển, giả dụ ô nhiễm không khí vẫn tăng như hiện nay thì đến năm 2035 con số tử vong vì ô nhiễm là không dưới 100.000 người/năm. Nếu VN tuân thủ đúng tiêu chuẩn về ô nhiễm không khí hiện nay sẽ giảm được 9.000 người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí; nếu áp chuẩn cao hơn (của WHO khuyến cáo) thì sẽ giảm đến khoảng 20.000 người. Với thực trạng hiện nay VN rất khó tăng chuẩn, chính vì vậy trước mắt cần làm sao giữ cho bầu không khí đạt chuẩn quốc gia, không để ô nhiễm không khí tiếp tục tăng như hiện nay. Cụ thể, cần thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để gửi thông tin cho người dân ở khu vực ô nhiễm, đưa ước lượng thiệt hại sức khỏe và kinh tế vào các báo cáo đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, nhiệt điện.
Thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng ở VN đã đến mức báo động. Ngày 25.4.2017, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp Quỹ Hanns Seidel tại VN tổ chức hội thảo “Ô nhiễm không khí tại VN: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, Bộ TN-MT, các bộ ngành liên quan và các tổ chức xã hội tại VN. Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, đưa ra các kiến nghị giải pháp bảo vệ môi trường không khí trong khi nhấn mạnh về việc cần thiết phải ban hành một đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí.
Đến ngày 7.5, trang web của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM (Sở TN-MT) mới có báo cáo tóm tắt hiện trạng chất lượng môi trường quý 3/2016. Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn chủ yếu là do bụi lơ lửng do các hoạt động giao thông gây ra. Đến 72,36% số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt QCVN 05:2013/BTNMT. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại khu vực ngã tư An Sương, Gò Vấp, Cát Lái có giá trị cao nhất trong 20 vị trí quan trắc chất lượng không khí. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 20 vị trí quan trắc trong quý 3/2016 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2015. Nồng độ PM 10 trung bình 24 giờ trong quý 3/2016 dao động trong khoảng 40 – 99,40 µg/m3, 98,57% số liệu đạt QCVN.
Chỉ số đo ô nhiễm không khí tại TP.HCM được lấy từ trạm quan trắc đặt tại Lãnh sự quán Mỹ chưa phải là nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất.

Chí Nhân/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)