Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Báo động TNGT trên đường cao tốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, nơi đã từng xảy ra nhiều vụ TNGT thảm khốc. Ảnh: L.T
Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, tuyến cao tốc đầu tiên của hệ thống đường cao tốc Việt Nam, được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2010. Không thể phủ nhận những lợi ích về kinh tế của tuyến đường nối liền trung tâm kinh tế lớn nhất nước với vùng trọng điểm nông nghiệp và thủy sản đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên đây cũng là nơi đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Trên tuyến cao tốc dài 61,9km này, vụ TNGT gần nhất xảy ra vào lúc 6 giờ sáng ngày 17-7-2014, tại km 13+800 (thuộc huyện Bến Lức, Long An) giữa xe khách 16 chỗ của doanh nghiệp vận tải hành khách Huỳnh Đạt với xe tải biển số tỉnh Lâm Đồng. Xe tải biển số 49X-1546 do tài xế Nguyễn Vũ Hùng điều khiển đang chạy ở làn đường quy định tốc độ 80km/giờ, theo hướng từ miền Tây về TP.HCM thì xe khách biển số 64B-004.34, do tài xế Dương Trường Sơn điều khiển chở 13 hành khách chạy phía sau, ở làn đường 100km/giờ bất ngờ lao sang làn đường 80km/giờ rồi tông vào phía sau xe tải khiến phần đầu chiếc xe khách bị bẹp dúm. Hậu quả vụ tai nạn khiến 4 người tử vong và 6 người bị thương. Ngay trong chiều ngày tai nạn xảy ra, Thượng tá Đoàn Văn Sôi, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Long An kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do tài xế xe khách phóng nhanh, ngủ gật và chạy không đúng làn đường.
Cách đây 3 tháng, vào sáng ngày 16-4-2014 cũng trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang) đã xảy ra tai nạn thảm khốc giữa xe khách 29 chỗ và xe bồn đang tưới cây làm 7 nạn nhân tử vong, 8 hành khách bị thương nặng.
Ngoài ra, trong năm 2012, 2013 cũng có không ít TNGT xảy ra trên đường cao tốc này.
Theo nhận định của Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an tỉnh Long An, đa phần các vụ TNGT thảm khốc trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương đều xảy ra vào thời điểm sáng sớm. Anh Phan, một tài xế xe khách chạy tuyến Rạch Giá – Sài Gòn thừa nhận từ nửa đêm về sáng là khoảng thời gian rất dễ buồn ngủ, nên đôi khi tài xế không làm chủ được tay lái.
Theo một cán bộ điều tra TNGT, nguyên nhân các vụ tai nạn đều do tài xế điều khiển xe quá tốc độ quy định, không giữ khoảng cách an toàn và tình trạng ngủ gật cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên những vụ tai nạn thảm khốc.
Tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban Chuyên trách, Ban ATGT TP.HCM cho biết, trong nhiều năm qua, Ban ATGT TP phối hợp với đơn vị quản lý tuyến cao tốc (tại địa bàn quận Bình Tân, Bình Chánh), Công an TP, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, khảo sát để khắc phục những bất cập về hệ thống đèn chiếu sáng, cách bố trí sơn – vạch, các điểm chờ lún, tình trạng buôn bán lấn chiếm lề đường, nhất là ở khu vực đường dẫn vào đường cao tốc, và đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm. Trong đó, vấn đề xử lý, xử phạt vi phạm lưu thông quá tốc độ, nhất là vi phạm lấn làn đường cũng luôn được lưu tâm.
Tuy nhiên, từ sau vụ TNGT mới đây, cùng với sự chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT TP sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan chú trọng nhắc nhở và chấn chỉnh về tốc độ lưu thông và tăng cường tuyên truyền về vấn đề đảm bảo ATGT cho các tài xế. Đặc biệt, dịp này Ban ATGT chuẩn bị xuất bản 100.000 cẩm nang cho tài xế xe ô tô trên địa bàn và sẽ phát trực tiếp cho họ với mục đích chú trọng tuyên truyền riêng cho lực lượng này. Mặt khác, Ban ATGT cũng sẽ treo nhiều panô dọc theo đường cao tốc, đồng thời phối hợp với Đài VOH, VOV để thường xuyên cảnh báo, cung cấp thông tin về tình hình trật tự giao thông trên địa bàn.
Ông Tường cũng lưu ý rằng, tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương còn có nhiều tài xế các tỉnh lưu thông nên Ban ATGT các địa phương cũng cần lưu tâm đến vấn đề trên. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp vận tải cần tránh để cho tài xế làm việc quá sức, cần đảm bảo sức khỏe cho tài xế và đảm bảo ATGT bằng việc phân công hai tài xế điều khiển xe trên một cuộc hành trình, nhất là đối với xe lưu thông đường dài. Nếu trong trường hợp xảy ra tai nạn thì tùy theo mức độ mà doanh nghiệp, chủ xe cũng nên bị xử phạt, nhắc nhở hoặc khuyến cáo.
Theo ông Tường, một vấn đề nữa cũng mang tính bức thiết lúc này là cần nâng cao đạo đức và trách nhiệm cho người tài xế. Theo đó, người tài xế cần ý thức rằng mình đang nắm giữ sinh mạng của rất nhiều con người. Vì vậy, việc lưu thông an toàn chính là bảo vệ tính mạng, hạnh phúc của gia đình hành khách. Đó cũng là bảo vệ chính tính mạng và hạnh phúc gia đình của tài xế nữa.
Bích Vân
Biện pháp hạn chế TNGT trên đường cao tốc 
Để hạn chế các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên các đường cao tốc, mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công điện gửi Bộ Công an, Bộ GTVT và các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn chặn, hạn chế TNGT trên đường cao tốc. 
Theo đó, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho các sở GTVT; chỉ đạo Cục Quản lý đường cao tốc cung cấp dữ liệu trên hệ thống camera giám sát cho lực lượng CSGT để xử phạt đối với lái xe vi phạm, nhất là lỗi vi phạm về tốc độ, vượt xe.
Ủy ban ATGT quốc gia cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT sử dụng có hiệu quả phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tập trung giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm: Chạy quá tốc độ, vi phạm tốc độ tối thiểu, đi sai làn đường, chuyển làn không có tín hiệu báo trước, vượt sai quy định, vi phạm khoảng cách an toàn, vi phạm nồng độ cồn… 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)