Cư xử lịch thiệp là tác phong cần thiết của người CSGT
|
Sau những vụ CSGT “hành hung” người vi phạm, Trưởng phòng PC67 Công an TP.HCM khẳng định sẽ điều tra, xử lý, chấn chỉnh thái độ, tác phong, ứng xử của các cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, xét về mặt công bằng, thái độ ứng xử của người vi phạm cũng cần được cân nhắc.
Cần tránh những hành vi bất hợp tác
Bà Nguyễn Thị Thái Quý, một giáo viên về hưu (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói rằng bản thân bà đã đôi lần chứng kiến người vi phạm bị thổi phạt nhưng thái độ ứng xử của CSGT với người vi phạm diễn ra trong ôn hòa. Người giáo viên này cho rằng, vấn đề văn hóa ứng xử trong giao thông công bằng mà xét thì phải xét hành vi từ hai phía. Bà nói rằng xã hội không thể phủ nhận những hình ảnh đẹp mà người CSGT đã để lại trong lòng dân, tiêu biểu như hình ảnh CSGT dẫn cụ già qua đường, CSGT chở thí sinh đến trường thi, CSGT mua hàng giúp bà cụ già trên đường cao tốc thay vì họ có quyền yêu cầu bà cụ đem hàng rời khỏi chốn này hoặc có thể xử phạt ngay lập tức…
Nói về những vụ hành hung người vi phạm trong thời gian qua, theo bà Quý nếu đổ hoàn toàn lỗi về phía CSGT là không công bằng. Bà không phủ nhận những vụ do CSGT gây ra gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, một trong số những hành vi của họ cũng được xem là “hậu quả” của việc người dân khi vi phạm nhưng không tuân thủ pháp luật. “Chúng ta biết rằng CSGT cũng như bao người. Cũng có khi nóng giận, khó kiềm chế bản thân. Nhưng xét cho cùng mọi chuyện cũng có nguyên do của nó. Thử hỏi khi người phạm lỗi cố tình bỏ chạy, chắc chắn khi đó ta gây cho người CSGT tâm lý tức giận, nên đối với người CSGT có tính khí nóng nảy sẽ dễ có biểu hiện bằng những hành vi hung bạo. Chúng ta hãy đặt mình vào vai trò là người CSGT, nếu người vi phạm có thái độ hợp tác, chúng ta làm sao nỡ có những hành xử không đúng hoặc gây thương tích cho người vi phạm”, bà Quý trăn trở.
Nói về thái độ hành xử, anh Long cũng thừa nhận “khi nóng giận, người đàn ông rất khó kiềm chế bản thân, nên trong một số trường hợp có thể có những lời nói và hành động khiếm nhã với người đối diện. Thế nên trong một bối cảnh nào đó, người vi phạm không làm chủ được hành vi, người CSGT cũng không phải là người nhẫn nhịn thì rất dễ xảy ra những vụ “mất lòng nhau” như đã thấy trong thời gian vừa qua”.Đồng tình với bà Quý, anh Nguyễn Tôn Long, Giám đốc Công ty Xây dựng Kiến Thiết cho hay bản thân anh cũng bị vài ba lần vi phạm các lỗi lấn tuyến, không đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn và dùng kiếng chiếu hậu không đúng quy định. Anh còn nhớ những người CSGT mà anh đã tiếp xúc đều cư xử với người vi phạm rất tử tế. Thậm chí, có lần anh chứng kiến một trường hợp người vi phạm cùng với anh trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức), người vi phạm có ý “hối lộ” để được tha nhưng không được CSGT chấp nhận. Cuối cùng cũng phải chịu lập biên bản xử phạt như những người cùng bị CSGT “tuýt còi”.
Sẽ chấn chỉnh văn hóa ứng xử của CSGT
Bàn về vấn đề trên, Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67), Công an TP.HCM khẳng định: “Người thi hành công vụ phải có hành vi, thái độ ứng xử đúng mực với người dân. Cũng vì thế, CSGT khi phát hiện vi phạm thì xử lý hành vi vi phạm chứ không được dùng vũ lực với người vi phạm”.
Thượng tá cho hay, đối với những trường hợp CSGT “hành hung” người vi phạm mà báo chí đã đề cập như vụ đánh học sinh ở An Sương, vụ ném đèn pin gây thương tích ở ngã tư Hàng Xanh… PC67 sẽ xác minh và nếu có trường hợp CSGT vi phạm, những cá nhân đó tùy vào mức độ mà sẽ phải làm kiểm điểm hoặc chịu hình thức xử lý tương ứng.
Bài, ảnh: Bích Vân
Chú trọng chấn chỉnh, hoàn thiện văn hóa ứng xử cho CSGT Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, việc chấn chỉnh, hoàn thiện văn hóa ứng xử cho CSGT là công việc được chú trọng thường xuyên và liên tục. Bằng chứng là trong nhiều năm nay, PC67 đã tổ chức nhiều lớp về văn hóa ứng xử cho CSGT. Đặc biệt riêng trong năm nay, PC67 sẽ tổng hợp những vụ việc mà báo chí đã đề cập và lấy đó làm đề tài cho lớp văn hóa ứng xử sắp tới. Ngoài ra, PC67 còn dùng máy quay phim chuyên dụng để kiểm tra công khai hoặc mặc thường phục kiểm tra bí mật, nhằm chống tiêu cực và giám sát hành vi, tác phong, cách ứng xử của CSGT khi làm nhiệm vụ, để xử lý và chấn chỉnh kịp thời. |
Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Hành động CSGT đánh dân giữa đường dù đúng hay sai cũng gây bức xúc cho nhiều người dân và ảnh hưởng đến hình ảnh của công an nhân dân nói chung. Lực lượng công an nhân dân từ trước tới nay vẫn là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Được đứng trong hàng ngũ CSGT luôn là niềm tự hào và mơ ước của rất nhiều người. Bên cạnh những con người đang ngày đêm dốc sức cống hiến cho sự phát triển của nước nhà thì cũng có không ít “con sâu làm rầu nồi canh”. Chính vì thế, đừng để “con sâu” này làm hình ảnh người CSGT trở nên xấu đi.
T.V
|
Bình luận (0)