Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cảng Cát Lái TP.HCM: Tìm giải pháp tháo gỡ ùn tắc

Tạp Chí Giáo Dục

Chia bớt hàng hóa sang các cảng phụ cận là cách giảm tải cho cảng Cát Lái
Với công suất tiếp nhận đến 85% lượng container hàng hóa tại khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Cát Lái hiện đang là cảng lớn nhất Việt Nam. Gần một tháng nay, cảng Cát Lái lâm vào tình trạng quá tải bởi lượng container ùn ứ tăng khoảng 30% so với thời điểm trước. Tình trạng ùn tắc hàng hóa không những gây khó cho năng suất hoạt động của cảng, mà còn làm cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Doanh nghiệp khốn đốn
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị trực tiếp quản lý và khai thác cảng Cát Lái) cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng ứ đọng hàng hóa tại cảng một phần là do sản lượng, kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM tăng, dẫn đến khối lượng hàng hóa tại các cảng biển trên địa bàn thành phố (trong đó có cảng Cát Lái) cũng tăng theo. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bể kế hoạch sản xuất” của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu.
Ông Phan H., giám đốc một công ty nhập khẩu thiết bị trang trí nội thất thuật lại rằng ông đã phải buột miệng “kêu trời” khi đích thân chứng kiến cảnh ùn tắc diễn ra cả bên trong và bên ngoài cảng vào hồi đầu tháng này. “Công ty tôi phải cắn răng trả thêm “phí ùn tắc” với mức 50 USD/container 20 feet và 100 USD/container 40 feet do cảng bị ách tắc, phải thuê tàu nằm đợi dỡ hàng”.
Không chỉ trả thêm các khoản phí, Công ty cổ phần Vĩnh Bình (sản xuất giày dép xuất khẩu tại huyện Trảng Bom) còn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì 2 container hàng bị kẹt ở cảng hơn 7 ngày. Anh Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của công ty than rằng việc kẹt hàng là nguyên nhân khiến cho công ty bị “cháy” nguyên liệu sản xuất, công nhân lúc làm lúc nghỉ. Đến khi đem được nguyên liệu về thì lại phải “làm bán sống bán chết” cho kịp thời gian giao hàng theo hợp đồng.
Ông La Quốc Thắng, Phó giám đốc Công ty TNHH Diên Niên, chuyên về may mặc ở TP.HCM cũng bức xúc: “Để xuất được một container hàng, chúng tôi đã phải đóng đủ thứ phí. Bây giờ lại thêm khoản phí kẹt cảng nữa. Tất cả các khoản rồi cũng “đổ lên đầu” giá thành sản phẩm, kéo theo sức cạnh tranh cũng phải giảm thôi”.
Nguyên nhân và giải pháp
Liên quan đến vấn đề ùn ứ hàng hóa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với cảng Cát Lái cùng hệ thống các cảng biển của thành phố. Bộ trưởng cũng đã chỉ ra thêm một vài nguyên nhân nữa gây ùn ứ hàng hóa là do khách hàng chậm nhận container, tàu đến cảng chậm trễ hoặc ùn tắc giao thông cục bộ khu vực ngoài cảng. 
Trong buổi gặp gỡ này, nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc đã được đưa ra gồm: Chia bớt hàng hóa sang các cảng khác; chuyển một số chuyến tàu sang cập các cảng khác trong khu vực để dỡ hàng nhập; mở rộng thêm các cảng; nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông ra vào cảng; tăng chiều cao xếp chồng container; chuyển container rỗng ra khu vực ngoài cảng; tận dụng tối đa khoảng trống để hạ container; kết hợp nhập, xuất tàu đồng thời trong các thời điểm bãi quá tải nặng; rút trạm cân hiện đang đặt tại cổng ra vào cảng để việc lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn… Một số giải pháp trên nhờ được áp dụng một cách cấp thiết nên cảng Cát Lái đã hoạt động ổn định trở lại, đảm bảo được cầu bến tiếp nhận tàu, thời gian giao nhận hàng hóa đã nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, mới đây, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ban hành một loạt chính sách có hiệu lực nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái như: Khống chế thời gian hạ bãi container hàng xuất sớm; khuyến khích khách hàng tới cảng lấy container sớm hơn; định mức số lượng container rỗng cho từng hãng tàu được phép lưu cảng; bỏ dịch vụ đóng rút hàng; khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hàng vào cảng khu vực Cái Mép lấy hàng trực tiếp tại cảng thay vì chuyển tải bằng xà lan về Cát Lái nhận hàng như hiện nay để giảm áp lực cho cảng.
Để giảm tải cho cảng Cát Lái về lâu dài, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất đẩy nhanh tốc độ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối tới cảng Cát Lái, đặc biệt là tuyến đường cầu Phú Mỹ, để giảm áp lực giao thông, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa cho cảng. Bên cạnh đó, tổng công ty cũng đề xuất hải quan tăng cường cán bộ làm việc thêm giờ mỗi ngày và thứ bảy, chủ nhật, đặc biệt là bộ phận liên quan đến máy soi để đẩy nhanh tốc độ thông quan, giảm thời gian chờ đợi lấy hàng của khách hàng.
Bài, ảnh: Bích Vân
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang triển khai đầu tư thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và mở rộng thêm diện tích bãi cảng Cát Lái, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 580 tỷ đồng. Đồng thời, đưa cảng Tân Cảng – Hiệp Phước, Phú Hữu – Bến Nghé vào khai thác nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái.
 
 

Bình luận (0)