Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đưa ATGT vào học chính khóa: Kỳ vọng về một sự đổi thay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ vọng sẽ có sự đổi thay ATGT trước cổng trường (trong ảnh, cổng trường THCS Trần Phú (quận 10) luôn ùn tắc mỗi khi học sinh tan học)
Chương trình giáo dục ATGT sẽ được đưa vào giờ học chính khóa từ tháng 9 này đối với học sinh từ mầm non đến CĐ tại TP.HCM tạo nên niềm hy vọng sẽ góp phần chấn chỉnh vi phạm của học sinh cấp THPT, dần xây dựng ý thức về văn hóa giao thông ở học sinh mầm non, tiểu học. Một thế hệ thể hiện nét đẹp văn hóa giao thông đang được nhiều người kỳ vọng…
Loại trừ tâm lý “đối phó”
Cô giáo Vũ Thị Ngọc, Tổ trưởng Bộ môn văn Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (quận 9) nói rằng không thể phủ nhận hiệu quả chương trình “Tháng ATGT”, “Năm ATGT” đã được thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dường như học sinh vẫn còn tâm lý đối phó. Tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường, lưu thông dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng, “ngụy trang” sau giờ học để tránh bị CSGT phát hiện vẫn chưa chấm dứt mặc dù các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý nghiêm minh như nêu tên dưới cờ, mời phụ huynh làm cam kết, hạ bậc hạnh kiểm tháng, hạnh kiểm năm… Cô Ngọc tin rằng chương trình giáo dục ATGT trong giờ học chính khóa sẽ có tác động xuyên suốt góp phần thay đổi dần tâm lý đối phó và hành vi vi phạm của học sinh sẽ dần được cải thiện, đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, cô Ngọc cũng cho rằng, khi đã đưa giáo dục ATGT vào giờ học chính khóa, cho dù với hình thức lồng ghép vào các bộ môn khác nhưng cũng cần có bài kiểm tra và thi để tính điểm cho học sinh. Như thế sẽ giúp cho học sinh tiếp cận toàn bộ kiến thức về ATGT một cách có hệ thống và có thái độ học tập nghiêm túc. Cách làm này cũng sẽ là lợi thế cho các em khi thi lấy bằng lái xe và thậm chí có lợi cho các em trong suốt cuộc đời. “Tôi hình dung khi chúng ta học để thi lấy bằng lái xe, khi lấy được bằng lái rồi thì kiến thức cũng lại trả cho thầy. Tôi tin khi được giáo dục ATGT chính khóa, các em sẽ có sự đổi khác, không còn phải đối phó như nhiều người vẫn làm”, cô Ngọc tin tưởng.
Đồng tình với chương trình này, nên khi biết về mức độ phủ rộng khắp của chương trình giáo dục ATGT năm nay, ông Nguyễn Văn Hoàng Dũng (Phó ban đại diện cha mẹ học sinh của Trường THPT Trần Văn Giàu) rất vui mừng. Ngay sau đó, ông mạnh dạn quyết định không mua xe máy theo ý con trai muốn. “Chương trình này đưa vào giờ học chính khóa, cũng có nghĩa là buộc tất cả học sinh và phụ huynh phải thực hiện nghiêm túc. Đôi khi con cái mè nheo với cha mẹ để nhu cầu của mình được đáp ứng, nhưng quy định không được lưu thông bằng xe máy của chương trình chính khóa sẽ giúp chúng tôi giải tỏa khúc mắc với con cái mình. Tôi tin rằng tất cả những lỗi vi phạm của học sinh cũng sẽ được loại trừ tối đa khi nhà trường, phụ huynh hợp tác chặt chẽ với lực lượng chức năng xử lý vi phạm”, ông Dũng bộc bạch.
Ông Dũng kể năm học vừa qua, một học sinh của trường nơi con ông đang theo học bị tai nạn giao thông do điều khiển xe máy khi lưu thông qua đường ray xe lửa. Bài học đó vẫn không đủ sức răn đe các học sinh khác cho bằng chính từ kiến thức và ý thức các em có được khi được giáo dục bằng một chương trình dài hơi.
Xây dựng ý thức tham gia giao thông
Nhiều giáo viên có chung nhận định rằng việc kết hợp xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm và giáo dục ATGT trong giờ học chính khóa sẽ có tác dụng tích cực với học sinh phổ thông trở lên, thì với học sinh mầm non, tiểu học chương trình này được kỳ vọng nhiều vì khi được giáo dục ATGT từ bé, lớp học sinh này sẽ trở thành “những người tiên phong” trong công cuộc xây dựng nét đẹp văn minh nơi học sinh, sinh viên của thành phố.
Thầy Nguyễn Thái Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Bắc Hải (quận 10) ủng hộ hình thức giáo dục ATGT của năm học mới. Theo thầy Hằng, việc xây dựng ý thức về giao thông bằng chương trình giáo dục ATGT cho học sinh mầm non, tiểu học có nhiều thuận lợi vì đây là lứa tuổi dễ tác động, các em cũng dễ tiếp thu và biết vâng lời. Tuy nhiên, việc giáo dục này cần có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, nên việc đầu tư những sân chơi về ATGT cũng là điều cần thiết. Được tham gia trò chơi về ATGT và thực hành trên mô hình thật sẽ giúp cho học sinh hiểu lý thuyết, nhớ lâu hơn.
Bài, ảnh: Bích Vân
Phụ huynh cũng cần làm gương cho con
Thầy Hằng cho rằng, việc giáo dục ý thức về ATGT cho trẻ cũng cần có sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Vì thực tế học sinh khi được học trong trường các em hiểu việc phải dừng chờ khi đèn đỏ, đèn xanh mới được lưu thông. Nhưng khi lưu thông cùng cha mẹ, các em đôi khi vẫn chứng kiến cảnh vượt đèn đỏ của người lớn hoặc chính cha mẹ mình khiến trẻ rơi vào trạng thái phân vân. Vì vậy, để góp phần vào việc giáo dục ý thức cho trẻ, cho dù chỉ là những hành vi rất nhỏ như việc dừng chờ đèn đỏ, phụ huynh cũng nên chấp hành Luật Giao thông để làm gương cho con. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)