Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Xe điện tiện ích: Kỳ 1: Thúc đẩy du lịch phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Xe điện là phương tiện đang được khai thác hiệu quả trong du lịch
So với các xe dùng xăng (dầu), xe điện có ưu điểm hơn là chạy bằng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, không gây tiếng ồn, có thiết kế nhỏ gọn và phù hợp với nhu cầu phục vụ tiện ích về du lịch. Nên ngay từ khi phương tiện này được đưa vào thí điểm ở Huế, Hà Nội đã phát huy tính hiệu quả và được người dân nồng nhiệt đón nhận.
Từ mô hình thí điểm
Nói về phương tiện xe điện, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là nơi đầu tiên triển khai thí điểm sử dụng loại phương tiện này vào năm 2009, nhằm phục vụ nhu cầu du lịch của du khách trong Đại Nội và kết nối đến một số điểm lân cận giúp cho du khách, đặc biệt là những người lớn tuổi, trẻ em và người tàn tật di chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian khi tham quan di tích, thắng cảnh.
Nhận thấy tiện ích của loại phương tiện này và được đông đảo du khách hưởng ứng nên từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã mạnh dạn đầu tư thêm lượng xe với 20 chiếc để phục vụ du khách ngoài các điểm di tích trong Đại Nội, còn được tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bến xe Nguyễn Hoàng, hoặc quanh Hoàng thành. Theo đánh giá của các chuyên gia, loại phương tiện vận tải được du khách ưa chuộng này đã tạo được sự đột phá cho tỉnh nhà về một loại hình dịch vụ du lịch mới.
Sau Huế, Hà Nội cũng đưa vào thí điểm loại phương tiện giao thông sạch vào năm 2010 để khai thác hai tour du lịch phố cổ phục vụ khách du lịch trong dịp đặc biệt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Kế hoạch này cũng nhằm hưởng ứng chương trình Năm Du lịch xanh của thành phố.
Được nhân rộng vì tính hiệu quả
Nhận thấy hiệu quả của mô hình thí điểm xe điện phục vụ du khách dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Dự án du lịch, khám phá văn hóa, lịch sử Hồ Tây bằng ô tô điện đã được UBND thành phố Hà Nội cho phép thí điểm thực hiện vào cuối năm 2011. 
Thực hiện dự án này, đơn vị đầu tư đã mạnh dạn nhập khẩu 30 xe ô tô chạy bằng năng lượng điện để phục vụ du khách tham quan đường ven Hồ Tây dài khoảng 18km, với 10 nhà ga chính được đặt tại các khu công cộng như sân chơi, vườn hoa dọc các điểm tham quan và 35 điểm dừng đỗ trong suốt tuyến.
Với những tiện ích sẵn có, du lịch bằng ô tô điện được được kỳ vọng góp phần quảng bá về tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa của quận Tây Hồ, đồng thời bảo vệ môi trường và làm tăng sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Ngoài các tuyến tham quan khu phố cổ trước đây, Hà Nội tiếp tục đầu tư và đưa vào hoạt động thêm 2 tuyến du lịch bằng xe điện khai thác giá trị văn hóa, lịch sử, các khu phố kiến trúc Pháp với nhiều địa danh nổi tiếng như: Ga Hàng Cỏ, chùa Quán Sứ, nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Lớn đúng vào dịp 30-4-2013.
Để tổ chức tốt 2 tuyến du lịch này, đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đồng Xuân đã đầu tư thêm 10 xe điện ứng dụng công nghệ pin năng lượng mặt trời, nâng tổng số xe hiện có lên 30 xe với đội ngũ 36 lái xe. Đồng thời đơn vị cũng tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và ngoại ngữ Anh ngữ, Nhật và tiếng Trung để nâng cao trình độ của nhân viên, với mục đích phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Nhấn mạnh tính hiệu quả của loại phương tiện giao thông ưu việt này, Công ty cổ phần Đồng Xuân cho hay sau gần 3 năm triển khai mô hình đưa khách du lịch tham quan nội đô Hà Nội bằng xe điện, công ty đã đưa đón hơn 1 triệu lượt khách. Trung bình mỗi ngày, công ty đưa đón khoảng 1.000 khách tham quan phố cổ.
Thích thú với du lịch bằng xe điện
Tiếp bước Huế và Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Nha Trang cũng đã thành công trong mục tiêu dùng xe điện đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Chỉ có điều khác là ở Hà Nội, xe điện hoạt động theo tuyến cố định, thì ở Đà Nẵng và Nha Trang, xe điện hoạt động như hình thức xe taxi nhưng theo lộ trình quy định.
Ông Anthony Malcolm – một khách du lịch đến từ Australia chia sẻ rằng ông cảm thấy thích thú với tour du lịch bằng xe điện: “Du lịch bằng phương tiện này tôi có thể thoải mái thưởng lãm vẻ đẹp của thành phố Nha Trang cùng nét truyền thống văn hóa của thành phố các bạn. Tôi nghĩ, những người làm du lịch cần đẩy mạnh quảng bá tour du lịch xe điện cho du khách nước ngoài, bởi các cẩm nang du lịch không có thông tin về tour du lịch này”.
Có chung nhận định về phương tiện xe điện hữu ích, ông Trương Đăng Tuyến – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Xe điện là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, an toàn cho du khách. Việc sử dụng xe điện để vận chuyển khách du lịch, đưa khách đi tour nội thành Nha Trang là một ý tưởng rất hay… Theo tôi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh loại hình du lịch này để góp phần tạo nên một môi trường du lịch bền vững cho Nha Trang”.
Nhận định này có lẽ không chỉ đúng và đem nhiều lợi ích đến cho ngành du lịch của thành phố Nha Trang, mà còn góp phần tạo nên những môi trường du lịch bền vững cho Huế, Hà Nội, Đà Nẵng và những nơi nào biết tận dụng loại phương tiện này cho địa phương mình trong mưu cầu thúc đẩy du lịch phát triển cũng như phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện, TP.HCM cũng đang triển khai mô hình này tại khu vực trung tâm thành phố.
Bài, ảnh: Bích Vân
Việt Nam hiện có 4 địa phương sử dụng xe điện phục vụ trong du lịch với các phương thức hoạt động khác nhau. Cụ thể: Ở Hà Nội, xe điện hoạt động theo tuyến cố định, với giá vé từ 10.000-30.000/lượt.
Tại Huế, Đà Nẵng và Nha Trang, xe điện đều hoạt động như hình thức xe taxi nhưng theo lộ trình quy định, với các mức giá khác nhau. Tại Huế, xe 4 chỗ: 80.000đ/lượt, xe 11 chỗ: 10.000đ/lượt hoặc 120.000đ/chuyến. Tại Đà Nẵng: 250.000đ/giờ. Tại Nha Trang: 25.000/km.
 
 

Bình luận (0)