Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Nhức nhối “điểm đen” TNGT: Kỳ 2: Tìm những giải pháp bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đầu cầu vượt ở đường Hồng Bàng cần có biển báo cảnh báo tai nạn để người dân đề phòng
Kiên quyết xóa “điểm đen” TNGT với cơ quan chức năng thành phố nay là trọng trách cấp bách hơn bao giờ hết. Các đơn vị hữu quan đang nỗ lực thực hiện các phương án cụ thể đồng thời chỉ ra những việc cần thực hiện ngay lúc này.
Nỗ lực của cơ quan chức năng
Bàn về việc xóa “điểm đen” TNGT, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho hay ủy ban đã đề nghị Ban ATGT TP.HCM tiếp tục rà soát và cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp như mở rộng bán kính cong, mặt đường, đèn chiếu sáng, đặt gờ giảm tốc, bổ sung thêm biển báo…, nhằm tiến tới xóa các “điểm đen” TNGT trên toàn địa bàn.
Điển hình như tại điểm xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp trong 3 ngày liền vào đầu tháng 4-2014 thuộc nút giao thông Thủ Đức (vị trí dưới chân cầu vượt trạm 2, giao lộ quốc lộ 1 – nhánh rẽ phải từ ĐH Nông lâm ra xa lộ Hà Nội) làm 3 người chết cũng đã được chỉ đạo cải thiện về hạ tầng. Theo phản ánh của người dân, đoạn chân cầu vượt trạm 2, hướng từ quốc lộ 1 rẽ về xa lộ Hà Nội xe máy muốn lên cầu vượt để về hướng Đồng Nai phải chuyển từ làn hỗn hợp ra làn ô tô, trong khi đó nếu có xe tải chạy cùng chiều rẽ phải ra xa lộ Hà Nội về trung tâm thành phố sẽ giao cắt với hướng di chuyển của xe máy, nên những người điều khiển xe máy khi chuyển làn đường lưu thông mà thiếu quan sát trong khi xe tải chạy nhanh không thắng kịp thì tai nạn rất dễ xảy ra.
Để khắc phục tình trạng tại “điểm đen” này, Sở GTVT đã giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 2 tổ chức điều chỉnh lại giao thông, kéo dài dải phân cách bê tông ngăn làn đường dành cho xe ô tô và làn đường dành cho xe hỗn hợp trên quốc lộ 1 thêm 10m, lắp đèn cảnh báo chớp vàng tại vị trí kết thúc dải phân cách, điều chỉnh kích thước biển cảnh báo “Đoạn đường thường xảy ra TNGT”, bổ sung các cụm vạch sơn giảm tốc. Bên cạnh đó, 3 mô giảm tốc bằng vật liệu bê tông nhựa nóng trên phần đường dành cho xe ô tô trên quốc lộ 1 cũng đã được lắp đặt tại vị trí gần giao lộ quốc lộ 1 – nhánh rẽ phải từ ĐH Nông lâm về xa lộ Hà Nội. Các mô giảm tốc có chiều dày tăng cao dần để cảnh báo người đi đường, lần lượt là 3cm, 5cm và 7cm.
Chủ động “kêu cứu” khi phát hiện bất cập
Là người đã chứng kiến trường hợp tử vong của cô gái 18 tuổi gặp nạn cách chân cầu vượt Cây Gõ chỉ vỏn vẹn 10m vào ngày 7-1-2014, ông Trương Đình Chính, ngụ ngay khu vực chân cầu cho rằng cô gái tử vong là do va chạm với xe buýt rồi bị té ra đường và thiệt mạng do bị xe khách chạy phía sau cán phải. Ông Chính đưa ra giả định: “Nếu các xe ô tô không chạy quá nhanh khi đổ dốc cầu, nếu có gờ giảm tốc, nếu có dải phân cách riêng biệt cho xe ô tô và xe máy thì đã không xảy ra thương vong đáng tiếc như trên”.
Ông Chính cũng cho rằng bất kỳ cầu vượt nào cũng cần thực hiện những nguyên tắc trên thì sẽ tránh được thương vong cho người lưu thông. Ông cũng cảnh báo rằng ở một số cầu vượt mới như cầu vượt Nguyễn Tri Phương hoặc cầu qua sông Lê Văn Sỹ, mức độ ánh sáng được bố trí quá chói khiến cho một số người lớn tuổi thấy hơi choáng khi lưu thông bằng xe máy vì bị ánh sáng chi phối.
Để góp phần vào trọng trách xóa “điểm đen” TNGT, góp phần chấn chỉnh tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP, nhiều người dân nói rằng họ mong cơ quan chức năng nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện các hạng mục về giao thông ở những khu vực đông lưu lượng lưu thông, đặc biệt hệ thống cầu vượt để phòng ngừa phát sinh điểm đen mới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường, những trường hợp lạng lách, say rượu bia chạy quá tốc độ khi tham gia giao thông… góp phần ngăn ngừa những tác nhân gây TNGT.
Bài, ảnh: Bích Vân
Ông Trương Đình Chính nói rằng kể từ sau vụ tai nạn ở chân cầu vượt Cây Gõ khiến một người chết, cho đến nay khu vực này vẫn chưa được gắn biển báo cảnh báo tai nạn hoặc biển báo giảm tốc. Ông Chính ưu tư: “Người dân mong có trong tay số điện thoại của đường dây nóng để kịp thời phản ánh bất cập trong giao thông mà chúng tôi được biết, được thấy. Hầu góp phần chung tay với cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh trật tự ATGT trên địa bàn, để bảo vệ cho chính cuộc sống của chúng tôi”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)