Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Người tài xế có tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Đơn quyết sẽ gắn bó với nghề đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi
Trong suốt gần 20 năm gắn bó với nghề vận chuyển hành khách, ông âm thầm cứu người bị TNGT, trả lại tài sản cho hành khách bỏ quên, bảo vệ hành khách khỏi nạn móc túi… Ông là Võ Văn Đơn, 48 tuổi, một trong 7 tài xế xe buýt tiêu biểu được UBND TP khen thưởng và tuyên dương trong số 82 tài xế xe buýt được khen thưởng trong năm do Sở GTVT, Liên đoàn Lao động và Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức.
Một tấm lòng đáng trân trọng
Ông Đơn, ngụ Hưng Long (quận Bình Tân), tài xế của Hợp tác xã (HTX) Vận tải xe buýt Quyết Tâm (thuộc Liên hiệp HTX Vận tải TP) là người tài xế có tính tình hiền lành và chân chất. Ông nói rằng ông yêu nghề lắm và quyết sẽ gắn bó với nghề đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi. Cái nghề này ông rất quý và biết ơn vì đã nuôi sống gia đình ông trong bao nhiêu năm qua. Người con trai lớn đã tốt nghiệp ngành quản lý đô thị, con trai nhỏ làm cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Bình Tân. Các con ngoan ngoãn và chăm làm cùng người vợ hiền lành, chịu thương chịu khó. Gia đình hạnh phúc ngày nay ông có được cũng là nhờ cái nghề ông đã chọn và đã gắn bó.
Gần 20 năm rồi, vòng quay dậy sớm lúc 3 giờ, sau khi vệ sinh cá nhân ông liền đến bến xe để kiểm tra dầu nhớt, kiểm tra thiết bị an toàn xe và khởi động để bắt đầu ngày mới. Cả ngày thường và ngày lễ tết đều tuần tự như thế. Vòng tuần hoàn ấy chính là niềm vui, lý tưởng sống của ông. Vì vậy, khi nhận được bằng khen của UBND TP, với ông là niềm phấn khởi, vui mừng và là hân hạnh cả đời. Từ trước tới giờ ông làm việc nghĩa và tự nhủ rằng ông chỉ làm theo tiếng nói của lương tâm, cho dù việc nghĩa ở ngoài đường không có ai nhìn thấy. Và giờ những việc ông làm trong âm thầm đã được công nhận.
Ông Đơn kể ông đến với nghề khởi đầu với niềm vui thích được đi xe buýt. Đến nỗi khi đang học lớp 8 mà ông đã bỏ học chỉ để rong ruổi theo những chuyến xe lưu thông qua đường Hưng Long nơi gia đình ông ở. Cứ như vậy rồi niềm say mê thấm dần vào con người và tâm trí ông. Đến một ngày ông xin đi làm phụ xe. Sau hai năm làm phụ xe, ông quyết định đi học lái xe ở Hóc Môn và sau đó trở thành tài xế xe buýt chính thức.
Ông Đơn nói rằng nghề nào ông không biết, chứ nghề xe buýt là “nghề rèn người”. Ông định nghĩa: “Nghề tài xế xe buýt là nghề không được tham lam, không được nóng nảy vì sẽ gây nguy hiểm cho người khác. Cũng có khi mình phải nhường nhịn và sẵn sàng nói lời xin lỗi, năn nỉ khi có việc gì phật ý hành khách. Làm người tài xế phải hòa nhã với cộng đồng, tính tình điềm tĩnh để xử lý tình huống cho tốt nhằm đảm bảo sự an toàn cho hành khách mình”.
Tuy nhiên, bảo vệ an toàn tính mạng cho hành khách vẫn chưa đủ, theo ông Đơn, người tài xế vừa điều khiển tay lái an toàn, còn phải là người có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho hành khách trên xe và việc quan sát gương chiếu hậu thường xuyên là trọng trách của họ. Chẳng hạn như khi phát hiện trên xe có người móc túi, tài xế phải ra hiệu cho tiếp viên để nhắc nhở các hành khách cẩn trọng tư trang, hành lý. Còn trong trường hợp đối tượng đã móc túi rồi, thì người tài xế phải mạnh dạn điều khiển xe vào trụ sở công an phường gần nhất và cùng phối hợp với hành khách áp tải đối tượng giao nộp cho công an.
Đong đầy nhiều kỷ niệm
Gần 20 năm ôm vô lăng cũng là thời gian để người tài xế xe buýt hiền lành cảm nhận và lưu giữ những kỷ niệm đẹp của cuộc đời. Có một kỷ niệm mà “người ta không bao giờ quên tôi mà cả tôi cũng không quên người ta được”. Chuyện xảy ra vào năm 1997, khi ông Đơn đang cho xe lưu thông đến gần chợ Bình Chánh thì phát hiện em Hà (quê Long An), sinh viên ĐH Nông lâm bị gãy chân khi va quẹt bởi một xe máy khác nhưng người gây tai nạn đã bỏ chạy. Lúc đó ông Đơn lập tức dừng xe lại để giúp đỡ người bị nạn cho dù bị hành khách cự nự vì làm trễ thời gian của họ. Ông nhanh trí đón một chiếc xe Dasu Bình Chánh rồi bế Hà lên xe và giao hết giấy tờ tùy thân cho tài xế để làm tin, rồi nhờ xe này chở Hà đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Sau đó ông liền liên lạc với mẹ của Hà ở quê để bà kịp thời đến bệnh viện lo cho con gái. Cũng từ đó trở đi, Tết năm nào Hà cũng đến thăm nhà ông Đơn để chúc Tết gia đình với tâm tình của người mang ơn cứu mạng.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác vào năm 2008, khi ông Đơn chạy xe tuyến số 14 Bến xe Miền Đông – 3-2 – Bến xe Miền Tây vào ngày 28 Tết. Lúc đó ông chở khách vào Bến xe Miền Đông, khi hành khách đã xuống xe hết thì phát hiện một chiếc giỏ khách bỏ quên. Ông Đơn đã cùng với phụ xe mở giỏ thì phát hiện trong đó có hành lý và tiền nên liền báo cho điều hành đầu bến. Khi vòng xe trở lại gần 3 tiếng sau đó, ông Đơn đã quay lại bến xe và trao giỏ hành lý cho chủ nhân của nó là một công nhân may. Theo lời cô công nhân này kể lại thì số tiền 18 triệu trong giỏ là công sức lao động mồ hôi nước mắt của cô sau một năm làm việc cật lực. Cô muốn dùng số tiền này đưa về cho gia đình ở quê. Nhận được số tài sản nguyên vẹn, cô gái hết lời cám ơn bác tài xế và phụ xe tốt bụng.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo ông Đơn, gương chiếu hậu của xe buýt không chỉ là công cụ để bảo vệ hành khách một cách thường xuyên, nó còn là phương tiện giúp ông biết khi có người già, người khuyết tật cần xuống xe mà chủ động đậu xe sát vào lề đường và nhắc nhở nhân viên đưa hành khách xuống xe được an toàn.
 

Bình luận (0)