Người tham gia giao thông được khuyến cáo không nên dùng các loại thuốc gây buồn ngủ
|
Trước đây, người ta thường nghĩ nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT) là do uống rượu bia hay sử dụng ma túy. Ít ai ngờ rằng, khi dùng thuốc để trị cảm cúm, ho, sổ mũi hoặc một số bệnh thông thường cũng có nguy cơ gây TNGT do tác dụng phụ không được khuyến cáo.
Gây tai nạn vì uống thuốc cảm
Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ TNGT vào sáng 25-3-2013. Vào lúc 21 giờ ngày 24-3, anh Nguyễn Văn Trung điều khiển xe loại 20 tấn, lưu thông từ vòng xoay An Lạc về ngã tư Gò Dưa thì bị hư lốp xe nên anh đành phải tấp vào lề đường nghỉ tạm. Mặc dù xe anh Trung luôn bật đèn xi nhan cảnh báo liên tục nhưng do vừa lái xe vừa ngủ gật nên vào lúc 3 giờ sáng ngày 25-3, ông Lương Anh Dũng (56 tuổi, ngụ Vũng Tàu) điều khiển xe khách đã tông vào xe của anh Trung. Vụ va chạm quá mạnh khiến 2 hành khách tử vong và 12 người bị thương.
Ông Dũng khai nhận ông đã uống một liều thuốc cảm trong đêm trước, do không thể cưỡng lại được cơn buồn ngủ nên đã bị lạc tay lái và gây tai nạn thương tâm. Ngày 21-12, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Dũng 8 năm tù về tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Bị cáo Dũng gây tai nạn khi đang bị bệnh đã kịp thời ra đầu thú và bồi thường cho gia đình nạn nhân nên tòa xem xét giảm nhẹ tội cho ông.
Chưa đến độ gây tai nạn dẫn đến thương vong, nhưng chị Phạm Thị Chi Mai đã vô tình gây hư hại tài sản, làm bị thương hai sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ TP.HCM vào cuối tháng 9 vừa qua. Chuyện xảy ra vào một buổi sáng khi chị Mai trên đường đi làm. Vì vừa chạy xe vừa lơ mơ ngủ nên chị đã tông mạnh vào chiếc xe đạp của hai sinh viên lưu thông phía trước khiến chiếc xe bị méo niềng bánh sau, còn hai em này thì té xuống mặt đường bị thương. Chị Mai thú nhận do bị cảm nặng, bị viêm mũi dị ứng nhưng nóng lòng muốn mau hết bệnh để chuẩn bị cho đợt kết toán thuế vào cuối tháng nên chị cố dùng thuốc cảm liều cao.
Cần được khuyến cáo
Các dược sĩ khuyến cáo người tham gia giao thông đặc biệt là tài xế không nên sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ khi lưu thông để đảm bảo an toàn
|
Khi tiết trời chuyển sang mùa thu đông nóng lạnh thất thường, thuận lợi cho chứng bệnh dị ứng phát triển. Khi bị dị ứng, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các thuốc kháng histamin. Một số thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 như chlorpheniramin, prometha-zin, diphenhydramin hay được sử dụng trong các chế phẩm trị cảm cúm, ho, sổ mũi… Tuy nhiên, các loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ như ức chế thần kinh trung ương, tùy từng cá thể khác nhau mà có biểu hiện từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, giãn đồng tử, nói lầm bầm không rõ tiếng, mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn điều tiết mắt, suy giảm tâm thần vận động… trường hợp nặng có thể bị hôn mê, co giật. Vì vậy, nhóm thuốc kháng histamin H1 cổ điển được khuyến cáo không nên sử dụng khi lái tàu xe, làm việc ở nơi nguy hiểm và trên cao, tiếp xúc vận hành với các loại máy móc…
Để tránh những điều đáng tiếc, dược sĩ Phan Kim Yến, người có thâm niên 16 năm trong ngành thuốc cho rằng, cần có nỗ lực từ thầy thuốc và bệnh nhân, vì hầu như khi kê toa hoặc khi bán thuốc thì BS và dược sĩ chỉ hỏi bệnh nhân có bị đau bao tử hay không, chứ không lưu tâm nghề nghiệp họ đang làm. Do đó, BS khi kê toa hoặc dược sĩ khi bán thuốc cần dặn dò bệnh nhân về các tác dụng phụ của thuốc, giúp họ biết cách ứng phó trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, bệnh nhân hoặc người mua cần chủ động nói rõ tình trạng nghề nghiệp, việc học hành để dược sĩ có thể thay thế loại thuốc không gây buồn ngủ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị hầu đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc và học tập.
Dược sĩ Kim Yến lưu ý rằng, các loại thuốc kháng histamin H1 có hiệu quả điều trị nhanh chóng các triệu chứng bệnh trị cảm cúm, ho, sổ mũi. Trong đó chlorpheniramin là một loại thuốc rẻ mà hiệu quả. Chẳng hạn, có trường hợp một bệnh nhân 43 tuổi thường bị viêm mũi dị ứng, bà cho uống thuốc kháng sinh, kháng viêm và vitamin 4 ngày không hết bệnh, nhưng khi cho uống chlorpheniramin trong 2 ngày, mỗi lần 2 viên thì bệnh nhân này hết bệnh ngay. Một điều khó cho dược sĩ khi khách hàng vừa yêu cầu loại thuốc giúp mau khỏi bệnh vừa không gây buồn ngủ. Dược sĩ Kim Yến khuyến cáo, những người lao động chân tay, làm việc trên cao hoặc điều khiển tàu xe cần chú trọng việc giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt cần tránh để bệnh trở nặng, vì khi đó sẽ thường phải dùng đến các loại thuốc kháng histamin H1 để thời gian điều trị không bị kéo dài.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nên dùng các loại thuốc không gây buồn ngủ
Theo dược sĩ Kim Yến, thuốc thường phát huy tác dụng sau 30 phút hoặc 1 giờ sau khi uống và kéo dài tác dụng điều trị trong vòng 4-6 giờ, vì vậy người lao động, tài xế hoặc người tham gia giao thông khi cảm thấy buồn ngủ hoặc xuất hiện các phản ứng phụ khác thì cần dừng ngay công việc, cuộc hành trình để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cách tốt nhất theo bà Yến vẫn là việc chủ động dùng các loại thuốc không gây buồn ngủ, không có tác dụng phụ để công việc, việc học hành hoặc cuộc hành trình luôn được an toàn.
|
Bình luận (0)