Gần đây, các nhà lãnh đạo và nhiều người dân TP.HCM bày tỏ khát vọng cháy bỏng đưa TP phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Điều đó thật đáng trân trọng vì TP là đầu tàu phát triển của cả nước; TP tăng tốc sẽ kéo cả đoàn tàu Việt Nam băng về phía trước.
Hôm nay diễn ra cuộc hội thảo về chủ đề này đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, hi vọng sẽ có nhiều cao kiến để biến khát vọng của TP mang tên Bác thành hiện thực.
Trước hết, nên làm rõ mục tiêu cần vươn tới là gì? Có người nói phải giành lại vị trí “hòn ngọc Viễn Đông”. Có người muốn lấy Thượng Hải (Trung Quốc) làm kiểu mẫu. Có người nêu mục tiêu xây dựng TP.HCM thành trung tâm “số 1 khu vực” nhưng chưa làm rõ khu vực nào: bán đảo Đông Dương? tiểu vùng sông Mekong? khu vực Đông Nam Á? khu vực Viễn Đông?
Giả dụ muốn biến TP thành “trung tâm của Đông Nam Á” thì TP sẽ ngang vai bằng vế với trung tâm nào trong 5 trung tâm hiện hữu là Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta và Manila hay vượt trội lên trên tất cả và trở thành số 1?
Từ đây nảy sinh vấn đề thứ hai về cái “chất” của trung tâm hay nói một cách khác, TP sẽ trở thành trung tâm về phương diện nào? Có thể hiểu nôm na rằng “trung tâm” là nơi có sức quy tụ và lan tỏa rộng.
Sức mạnh ấy có được thường nhờ ở sự phát triển toàn diện đi đôi với những đặc điểm nổi trội hay những giá trị cốt lõi. Vậy TP sẽ chọn điểm nhấn gì để tạo nên được sức hút và sức lan tỏa ra toàn khu vực, ví dụ Đông Nam Á chẳng hạn?
Nếu là trung tâm kinh tế thì sẽ nổi trội trong lĩnh vực, phân ngành, thậm chí sản phẩm gì? Đó là chưa kể tới năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, những giá trị tinh thần, lối sống, văn hóa, xã hội, môi trường…
Xin lưu ý rằng cả hai vấn đề nêu trên đều là những nhân tố động: các trung tâm khác không đứng chờ ta; cơ cấu kinh tế thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh; hôm nay là tiên tiến, ngày mai đã lạc hậu.
Điều đó đòi hỏi những tính toán cần mang tính dự báo nhiều hơn – một điều không đơn giản chút nào trong một thế giới biến động không ngừng.
Tiếp đến là câu chuyện về những tiềm năng đích thực TP có được. Tiềm năng nói tới ở đây không chỉ là “phần cứng” mà cả “phần mềm”, mà trong thời đại hiện nay “phần mềm” có khi còn quan trọng hơn “phần cứng”.
Nhân đề cập tới vấn đề này, tôi bỗng nhớ lại những suy nghĩ của ông Lý Quang Diệu chia sẻ khi tôi được cử đi tháp tùng ông trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam và TP.HCM vào đầu những năm 1990.
Ông nói có nước (không tiện nêu tên cụ thể) muốn cạnh tranh với Singapore để trở thành trung tâm vận tải biển vì họ cũng có vị trí địa lý thuận lợi và có điều kiện xây cảng nước sâu, nhưng đã không thành dù đổ ra nhiều tỉ đôla để xây dựng.
Theo ông Lý, họ không hiểu rằng vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên là cần nhưng không đủ; muốn đủ phải cần hai điều kiện nữa: anh có là cơ sở sản xuất, tiêu thụ không và anh có năng lực quản lý để bảo đảm bốc xếp nhanh, giá thành thấp không?
Cuộc tranh luận về chủ trương biến vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) thành trung tâm trung chuyển quốc tế và sân bay Long Thành thành trung tâm hàng không quốc tế cũng đã khơi gợi những điều lăn tăn theo hướng đó.
Điều quan trọng tiếp theo, có ý nghĩa quyết định là làm thế nào để biến khát vọng đã được làm rõ tiêu chí, nội hàm thành hiện thực. Việc này quá rộng và quá phức tạp, đòi hỏi phải có những nỗ lực và năng lực vượt bậc; nếu không khát vọng vẫn là khát vọng.
VŨ KHOAN (nguyên phó thủ tướng)/ TTO
Bình luận (0)