Em Ngô Xuân Nhã Hân đang vào vai bác sĩ khám bệnh cho… búp bê |
Đó là các góc chơi hấp dẫn trẻ như bác sĩ nhí, họa sĩ nhí, siêu thị của bé, âm nhạc… ở Trường Mầm non 19-5 Thành phố (Q.1) đã cho trẻ những trải nghiệm thú vị.
Chơi mà học, học mà chơi
Vào vai bác sĩ khám bệnh cho em bé, nhưng cách khám bệnh, kê toa và dặn dò phụ huynh của Ngô Xuân Nhã Hân (lớp Lá 1) “chuyên nghiệp” như một bác sĩ thực thụ. Hân nói em rất thích chơi trò chơi này và quyết tâm “sau này sẽ cố gắng học thật giỏi, để làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người, tự tay chăm sóc và chữa bệnh cho ông bà, ba mẹ nữa”. Cùng chơi ở góc gia đình tại lớp Lá 1, Minh Trang (lớp Lá 1) xông xáo vào vai một đầu bếp nấu món nui hầm xương vì “món này mẹ hay nấu cho em ăn”. Trong khi đó Quế Phương chọn nấu món trứng và khoai tây chiên mà em yêu thích… Trong khi nhóm đầu bếp lăng xăng chuẩn bị mâm cơm thì Nam Phan và Gia An thích thú với công trình nhà mô hình ở góc xây dựng, nhiều bạn nhỏ khác lại chăm chút cho việc bài trí phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp sao cho ngăn nắp ở góc trang trí nội thất… Cô Nguyễn Thị Hồng Vân (phụ trách lớp Lá 1) cho biết: Ngoài những góc chơi trên, các bé cũng rất thích góc họa sĩ nhí, góc thư giãn (đọc sách, truyện), góc làm đẹp… Hầu hết các góc chơi đều được thực hiện từ việc giáo viên quan sát và tìm hiểu nhu cầu của trẻ. Kể cả đồ dùng và đồ chơi để bài trí cũng do các giáo viên đứng lớp chủ động sắm sửa hoặc tự thiết kế và sản xuất. Chẳng hạn như góc bác sĩ nhí rất đẹp là ý tưởng của cô Nguyễn Thị Uyên Phương – các dụng cụ y khoa như mô hình răng miệng, hộp thuốc, ống xi lanh được cô Phương mua từ cửa hàng bán dụng cụ y tế hoặc xin của tiệm thuốc tây. Theo các giáo viên, góc chơi này vừa tạo cho trẻ sự thích thú khi tham gia trò chơi, vừa giúp các em tránh được nỗi sợ hãi mỗi khi phải khám bác sĩ ngoài đời thực.
Góc dân gian với khạp đựng nước, gáo dừa, vịt, gà… đặc trưng của vùng quê Nam bộ |
Nam Phan (phải) và Gia An đang cặm cụi xây… nhà |
Tương tự, trong các góc chơi của lớp Lá 2, so với góc tạo hình, siêu thị của bé… thì góc dân gian có vẻ rất đặc biệt. Góc chơi này giúp trẻ làm quen với nghề nông qua hình ảnh cây lúa do chính cô giáo và các em tự trồng. Khu vực này hấp dẫn vì còn có nhiều trò chơi dân gian (đánh banh đũa, trò chơi ô quan, đánh đáo), những bộ nồi đất, khạp đựng nước và chiếc gáo dừa, những chú heo đất, vịt, gà và một bịch trứng rất to… Cô Phương Tâm (phụ trách lớp Lá 2) cho hay các bé rất thích chơi ở góc chơi này và đặt nhiều câu hỏi liên quan rất thú vị…
Linh động để tạo sự mới mẻ
Nói về sự phong phú và không giống nhau của các góc chơi giữa các lớp, cô Nguyễn Ngọc Hiệp (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 Thành phố) cho biết đây là sự chủ động của nhà trường trong việc thiết lập các góc chơi cho trẻ. Vì trẻ mầm non luôn thích sự mới lạ, nên cần có sự khác biệt để khi các em chuyển lên lớp mới hoặc qua lớp khác sẽ thấy điều mới mẻ với mình. Mặt khác, vì là người trực tiếp dạy trẻ nên các cô giáo hiểu được những nhu cầu của học trò mình. Từ đó, cô giáo sẽ chủ động thay đổi góc chơi, trao đổi đồ chơi với các lớp hoặc tự thiết kế đồ chơi sao cho phù hợp và đáp ứng kịp thời nhất mong muốn của trẻ.
Cô Ngọc Hiệp cho biết thêm, trẻ mầm non trong học có chơi và chơi là để học, qua đó giáo viên có thể phát hiện sớm năng khiếu và sở thích của trẻ bằng những hành động cụ thể. Chẳng hạn bé trai thích xây nhà thì chơi ở góc xây dựng; bé gái thích nấu ăn, thích trang trí nội thất thì vào chơi ở góc gia đình… Từ những dấu hiệu nhận biết khi quan sát trẻ chơi, các giáo viên sẽ có những điều chỉnh hoặc khuyến khích, định hướng sở thích qua năng khiếu trẻ vốn có. Qua hoạt động chơi mà học, học mà chơi này sẽ góp phần giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, định hướng sở thích và nhu cầu của trẻ ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)