Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên có biểu hiện tâm lý không bình thường!

Tạp Chí Giáo Dục

Tình huống: Thầy Hải là giáo sinh được phân công về trường tập sự giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2. Trong tháng đầu nhận nhiệm vụ, nhà trường nhận được phản ánh của ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) như sau: “Thầy Hải có biểu hiện tâm lý không bình thường. Cụ thể một vài trường hợp: Phụ huynh kiểm tra tập vở của HS thấy có bài em làm sai mà thầy chấm đúng; thầy có dùng thước để đánh vào tay HS khi em làm bài sai và đặc biệt là khi phụ huynh trao đổi với thầy thì thầy thường hay nóng giận, cáu gắt thậm chí có thái độ gây gổ với họ. Qua tiếp xúc họ cho rằng thầy có tâm lý bất ổn nên đã có nhiều phụ huynh làm đơn xin chuyển lớp cho con”.

Muốn trở thành nhà quản lý giáo dục giỏi, bản thân hiệu trưởng phải biết lắng nghe, quan sát… Trong ảnh là học sinh tiểu học xin phát biểu ý kiến. Ảnh: N.Trinh

Xử lý tình huống

Tiếp nhận các thông tin trên, hiệu trưởng nhà trường đã xử lý như sau:

Bước 1: Hiệu trưởng đã mời ban đại diện của lớp lên trao đổi để nắm tình hình bức xúc của phụ huynh, đồng thời nghiên cứu, xem xét các vấn đề xoay quanh việc kết luận về tâm lý của giáo viên. Hiệu trưởng hứa sẽ xử lý trong thời gian sớm nhất.

Bước 2: Hiệu trưởng triệu tập phó hiệu trưởng chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên để họp. Trong buổi họp hiệu trưởng lắng nghe giải trình của giáo viên, nghe ý kiến của tổ trưởng, phó hiệu trưởng về các vấn đề có liên quan đến thầy Hải. Trong buổi họp, thầy Hải đã nói loanh quanh về vấn đề cần giải trình, khi tổ trưởng, phó hiệu trưởng đặt các câu hỏi để làm rõ vấn đề thì thầy không trả lời được và bắt đầu có thái độ nóng giận, cáu gắt, không phân biệt được phải – trái, cứ nói lớn tiếng. Mọi người đều im lặng.

Ghi nhận thái độ này, hiệu trưởng đã đề nghị thầy Hải về nhà viết bản tường trình cụ thể các sự việc đã xảy ra và đề nghị mọi người bình tĩnh, ngưng cuộc họp lại.

Bước 3: Hiệu trưởng đã tham khảo ý kiến của tổ trưởng, phó hiệu trưởng về sự việc này. Tổ trưởng khẳng định bình thường thầy Hải rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người nhưng khi có tranh luận và biết mình có lỗi mà không thể né tránh thầy thường không kiềm chế được cảm xúc, còn các công tác về hồ sơ sổ sách giáo viên thầy đều làm tốt. Phó hiệu trưởng trao đổi rằng thầy có chuyên môn giảng dạy nên xem xét các ưu nhược điểm của thầy để xử lý. Tuy nhiên vì thầy là giáo viên tập sự nên phải đứng lớp giảng dạy mới có kết luận về chuyên môn.

Bước 4: Ghi nhận các ý kiến, hiệu trưởng đã mời thầy Hải lên gặp riêng và để thầy bình tĩnh trình bày các vấn đề của mình. Theo đó, gia đình thầy còn nhiều khó khăn, thầy hơn 30 tuổi mới tốt nghiệp CĐ, thầy biết là mình khó kiềm chế cảm xúc và thường cảm thấy bị thiếu tôn trọng khi có ai đó chỉ ra lỗi sai hay khuyết điểm của mình một cách gay gắt. Thầy rất sợ mất việc làm và chính cái sợ đó làm thầy không kiềm chế được… Sau khi nghe thầy Hải nói, hiệu trưởng đã phân tích sự việc cho thầy thấy sai phạm của mình. Bên cạnh đó, tổng hợp các ý kiến đóng góp của tổ trưởng và phó hiệu trưởng, thấu hiểu được các vấn đề: gia đình, tâm lý; hiệu trưởng nhận ra rằng thầy có biểu hiện tâm lý không ổn định, dễ bị kích động và không kiềm chế được cảm xúc nên khó có thể làm giáo viên chủ nhiệm lớp.

Hiệu trưởng đã ân cần trao đổi theo hướng cho thầy thôi không làm chủ nhiệm nữa mà phân công giảng dạy môn kỹ thuật đồng thời phụ trách công tác thiết bị của nhà trường để giảm áp lực phụ huynh, HS cho thầy, đồng thời phát huy được khả năng sáng tạo, khéo tay của thầy. Bên cạnh đó bản thân thầy cũng phải tự nỗ lực để biết kiềm chế cảm xúc của mình, không gây ảnh hưởng đến quan hệ đồng nghiệp, phụ huynh và uy tín của nhà trường.

Thầy Hải đồng ý nhận công tác vì thầy cũng cảm thấy công việc đó phù hợp với tính cách và khả năng của mình. Từ đó thầy vui vẻ với công việc của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, hỗ trợ tốt cho công tác thiết bị của nhà trường; không xảy ra tình trạng la mắng, đánh HS nữa.

Phân tích tình huống

Người hiệu trưởng trong tình huống này đã xử lý rất khéo léo, rất tâm lý với các đối tượng khác nhau. Trong đó, theo tôi nghĩ thầy hiệu trưởng đã áp dụng tinh thần của các học thuyết quản lý theo trường pháp hành vi.

Theo Abraham Maslow, nhu cầu của con người gồm 5 cấp bậc được xếp theo thứ tự: Sinh tồn, an toàn, xã hội, được tôn trọng và sáng tạo. Bản thân thầy Hải tồn tại những nhu cầu này, nên khi có ai đụng chạm đến các nhu cầu ấy thầy thường nóng giận. Hiệu trưởng nắm bắt được nên đã bố trí sắp xếp cho thầy công việc đảm bảo cuộc sống, an toàn đối với mọi người xung quanh, tôn trọng và phát huy được tính sáng tạo vốn có của thầy.

Trong tình huống này, hiệu trưởng đã chỉ ra cho thầy Hải thấy rằng thầy còn có ích và giữ một vị trí cũng quan trọng trong nhà trường, điều đó làm động lực để thầy phát huy tài năng, sự sáng tạo vốn có của mình đồng thời thỏa mãn được nhu cầu về việc làm, được cống hiến của thầy. Điều này sẽ mang lại tinh thần thoải mái, hiệu quả công việc của thầy sẽ được nâng lên nhiều lần. Nếu hiệu trưởng chọn cách đe dọa hay mệnh lệnh thì có lẽ chỉ làm tổn thương thêm một người, có thể làm ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội đến ngành giáo dục. Chính sự cân nhắc, xem xét các khía cạnh của vấn đề đã giúp hiệu trưởng có quyết định đúng đắn vừa khoa học trong tổ chức quản lý giáo dục, vừa tâm lý trong xử sự các mối quan hệ cấp trên với cấp dưới, giáo viên với phụ huynh…

Nguyễn Thị Kiều Chinh – Hai Đức

 

Bình luận (0)