Giáo viên trao đổi với học sinh trong giờ dạy học môn ngữ văn lớp 8. Ảnh: Anh KHôi |
Bắt đầu từ năm học 2008-2009, giáo viên phổ thông trong quá trình dạy bắt buộc phải lồng ghép nội dung môi trường vào bài học.
Để thực hiện tốt nội dung này, ngành giáo dục đã đưa ra 5 nguyên tắc thực hiện. Trong đó nguyên tắc thứ ba quy định: Không làm tăng nội dung học tập dẫn đến quá tải. Thế nhưng, trong văn bản hướng dẫn chi tiết từng bài học có liên quan đến nội dung lồng ghép môi trường thì đưa nội dung lồng ghép môi trường vào quá nhiều làm cho bài học quá tải dẫn đến không có thời gian dạy hết nội dung bài học. Tôi xin đơn cử hai trường hợp sau:
Việc giảm tải chưa làm, lại đưa thêm nội dung dạy học lồng ghép môi trường vào không chỉ ở một bộ môn mà tất tần tật các bộ môn, không chỉ ở một bài học mà nhiều bài học làm cho sự quá tải càng quá tải, dẫn đến hiệu quả dạy học rõ ràng không như mong đợi của xã hội. |
Thứ nhất, ở bộ môn ngữ văn lớp 7, phần phân môn Tiếng Việt, bài Từ Hán Việt học 2 tiết mà đưa đến 8 thuật ngữ về môi trường là: Thạch quyển, khí quyển, sinh quyển, thủy quyển, ô nhiễm, hệ sinh thái, suy thoái môi trường, đa dạng sinh học. Để học sinh hiểu các thuật ngữ khoa học khó hiểu, trừu tượng này đòi hỏi giáo viên phải cắt nghĩa rõ ràng từng từ, nên phải chiếm một lượng thời gian không ít (ít nhất phải 6-8 phút). Trong khi đó bài Từ Hán Việt là bài học khó dạy vì nhiều đơn vị kiến thức, bài tập lại quá nhiều mà trong quy định của chuyên môn: khi dạy Tiếng Việt thì phải thực hiện ít nhất 2/3 bài tập ở sách giáo khoa trên lớp mới đạt yêu cầu về tiết dạy là đã khó thực hiện rồi, thử hỏi khi đưa vào giảng dạy thêm 8 từ trên thì làm gì dạy hết nội dung bài được, chứ chưa nói là dạy tốt.
Thứ hai, ở bộ môn ngữ văn lớp 8, phần phân môn Văn học, bài Bài toán dân số phần luyện tập quá nhiều mà muốn làm được bài tập số 3/132 thì phải đọc phần Đọc thêm. Trong khi phần Đọc thêm lại quá dài (gần 2 trang sách với số liệu dày đặc) nên chỉ dạy và làm bài tập này đã là không đủ thời gian rồi; trong khi đó bài này lại đưa vào nội dung lồng ghép môi trường quá nhiều: Sự gia tăng dân số; ảnh hưởng của gia tăng dân số tới tài nguyên và môi trường; giải pháp khắc phục. Tính sơ sơ đã gần 2 trang giấy A4 với số liệu quá chi tiết. Nếu chỉ đọc cũng phải mất 3-4 phút thì làm gì có thời gian giảng giải, phân tích cho các em thấy, hiểu được. Trong khi bản thân bài học là đã quá tải rồi. Như vậy, việc đưa nội dung lồng ghép môi trường vào các bài học trên đã vi phạm nguyên tắc ba khi dạy lồng ghép môi trường mà ngành đã đề ra.
Lâu nay dư luận phản ánh về nội dung chương trình sách giáo khoa ở các bộ môn (thuộc các bậc học) đã quá tải, làm cho thầy – trò khó dạy và học tốt được. Thế nhưng việc giảm tải chưa làm, lại đưa thêm nội dung dạy học lồng ghép môi trường vào không chỉ ở một bộ môn mà tất tần tật các bộ môn, không chỉ ở một bài học mà nhiều bài học làm cho sự quá tải càng quá tải, dẫn đến hiệu quả dạy học rõ ràng không như mong đợi của xã hội. Dẫu biết rằng lồng ghép nội dung giảng dạy vào bài học là tốt, nhằm hướng học sinh có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường của địa phương, đất nước; song để lồng ghép thành công thì đòi hỏi phải giảm tải nội dung bài học, nghĩa là phải cắt bớt, bỏ đi một phần nào đó nội dung bài học, có thế mới có thời gian dạy lồng ghép môi trường thành công được. Nếu không thì việc dạy lồng ghép này lại vô tình ảnh hưởng xấu đến chất lượng của nội dung chính khóa tất cả môn học và như vậy thì ai phá hoại môi trường để thầy – trò lại khổ, ngành giáo dục phải lao đao?
Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng)
Bình luận (0)