Hiện nay, đa phần các trường tại những thành phố đều dạy 2 buổi (có bán trú), có trường thì dạy 1 buổi sáng và 1 buổi dạy thêm chiều theo hình thức tự nguyện (từ 2 đến 3 buổi trong tuần, có sự cho phép của phòng GD-ĐT). Dạy thêm mang tính chất tự nguyện giữa phụ huynh và nhà trường, giữa nhà trường và giáo viên (GV) trong trường, nhưng khi có GV từ chối việc dạy thêm (vì nhiều lý do như không có thời gian, muốn làm thêm công việc khác, hay thấy dạy thêm mà không đạt kết quả mong muốn) thì sẽ nhận được ánh mắt lạ từ GV khác, như “có thêm thu nhập mà sĩ diện”.
Nhiều GV chấp nhận dạy thêm để mong học sinh được tăng thêm phần nào kiến thức và mình cũng có thêm thu nhập. Nhưng hy vọng đó nhiều khi cũng mong manh khi vào các buổi dạy chiều, vì là không chính khóa và được xem là học thêm không mang tính bắt buộc, học sinh thích nghỉ thì nghỉ, thích học thì học. Một GV chia sẻ: “Trường đã tổ chức dạy thêm cho học sinh từ đầu năm, tôi cũng mong được dạy để có thêm thu nhập nhưng nhiều lúc rất buồn về những buổi học thêm đại trà ở trường không hiệu quả. Học sinh đông tương tự buổi học chính khóa như thế thì làm sao cá biệt hóa được từng điểm mạnh/yếu ở các em; làm sao có đủ thời gian để nâng cao học sinh khá, củng cố và lấy lại kiến thức cho học sinh yếu được. Nên nhiều khi bản thân cũng thấy áy náy”. Một GV khác bức xúc: “Hiện tại chúng tôi phải đi dạy thêm cho học sinh nhưng không nhận được sự đồng cảm còn mang tiếng với phụ huynh. Tôi đã gặp trường hợp học sinh đi học thêm nhưng không chú tâm vào việc học mà chỉ lo nói chuyện và trêu chọc các bạn xung quanh. Tôi dọa đuổi về thì học sinh đó đứng dậy và bảo: “Hôm nay em mất 10.000 đồng để đi học thêm nên thầy đuổi em không về”. Tôi thấy đó là sự sỉ nhục đối với GV vì học sinh nghĩ rằng bản thân các em không muốn đi học thêm nhưng bị cha mẹ ép theo sự “kêu gọi phụ đạo kiến thức” của nhà trường…”.
Là GV chứng kiến nhiều trường hợp dở khóc dở cười, tôi thiết nghĩ, dạy thêm và học thêm không có gì sai, cái chưa phù hợp chính là chương trình học quá nhiều, học lặp lại một cách nhàm chán đã có từ buổi học chính khóa. Thiết kế một buổi học thêm đại trà nên các em không thấy được sự quan tâm để phát huy thế mạnh, học sinh giỏi và học sinh yếu cũng không thấy mình được bổ túc thêm kiến thức. Trong khi GV thì cứ “tà tà” cho hết tiết dạy, còn học sinh thì gắng hết tiết học để “thoát” khỏi cổng trường đi chơi vì lúc nào cũng phải học. Thế nên, cần thiết phải thay đổi cả cách tổ chức dạy thêm để có kết quả tốt hơn.
Việt Kiến Quốc
Bình luận (0)