Giả sử với mức thu thấp nhất là 50.000 đồng, mỗi năm thành phố sẽ có thêm 290 tỷ đồng cho việc sửa chữa đường
|
Kể từ ngày có quy định thu phí xe máy 1-1-2015, người dân ở TP.HCM đa số ủng hộ và cho rằng đây là “công bằng xã hội”.
Đóng phí là “công bằng xã hội”
Theo quy định, 410 đồng/ngày là mức thu phí sử dụng đường bộ cao nhất đối với loại xe máy 2 bánh có dung tích xi lanh lớn 175 phân khối (150.000 đồng/năm), mức thấp nhất là 136 đồng/ngày đối với xe có dung tích nhỏ nhất dung tích xi lanh nhỏ hơn hoặc bằng 100 phân khối (50.000 đồng/năm). Với mức phí này, đa phần người dân cho là quá rẻ so với thu nhập trung bình hoặc thậm chí là thu nhập thấp, vì “400 đồng hiện nay còn chẳng mua được ly nước trà đá”.
Anh N.H, giám đốc một công ty xây dựng ở quận Bình Thạnh nói rằng việc thu phí đường bộ với xe máy là một quy định công bằng. Anh H. bày tỏ thái độ đồng tình và giãi bày chính kiến anh từng trăn trở: “Không lý do gì chúng tôi lưu thông bằng xe ô tô 4 bánh thì đóng phí cầu đường, còn xe máy thì không. Chúng ta thử hình dung thành phố mình lượng xe máy rất đông, tình trạng lưu thông nhiều và thường xuyên xảy ra ách tắc cũng gây ảnh hưởng nhiều đến độ bền của đường sá thì việc nên đóng phí để góp phần bảo trì hoặc sửa chữa là điều rất hợp lý. Chúng ta cùng lưu thông thì cùng góp phần bảo vệ công trình công cộng mà Nhà nước đã dày công xây dựng để phục vụ cho lợi ích của chúng ta”.
Bà Lài, một phụ nữ bán hàng nước ngoài lề đường ở quận 10 nói rằng ngày nào gia đình bà cũng đi lại bằng xe máy để vận chuyển hàng, đưa đón cháu đi học và hai người con đến sở làm, nên với khung mức phí quy định như trên gia đình bà hoàn toàn ủng hộ. Bà Lài nói như khoe: “Từ hôm biết quy định đóng phí, gia đình tôi đã chuẩn bị 3 suất cho 3 chiếc xe hiện có, chỉ chờ phường thông báo là tôi đi đóng ngay. Nói gì thì nói chứ mình có lưu thông bằng xe máy thì phải đóng phí cầu đường, phí bảo trì đường sá. Đây là công bằng xã hội và gia đình tôi cũng phải góp phần mình vào công việc chung”.
Theo quy định, các đơn vị phường, xã ở các quận huyện trên địa bàn TP.HCM sẽ là nơi trực tiếp thu phí đường bộ xe máy. Ông Nguyễn Phúc Hiệp, Chủ tịch phường 13, quận Tân Bình cho hay, hiện công an khu vực và ủy ban phường đang phối hợp tiến hành khảo sát về số lượng xe máy của các hộ gia đình trên địa bàn, để chuẩn bị cho việc thu phí được thuận lợi.
Theo ông Hiệp, sau khi hoàn thành việc khảo sát xe máy tại các hộ dân, phường sẽ báo cáo kết quả lên quận. Cũng theo dự đoán của ông Hiệp, quy định thu phí sẽ được thực hiện trong tương lai gần.
Bài học kinh nghiệm từ đơn vị tiên phong
Thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ hai năm qua, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho đến giờ phút này đã rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm quý. Ông Trương Minh Hùng, Chủ tịch xã cho hay vào năm đầu tiên bắt đầu thực hiện thu phí là năm 2013, toàn xã có hơn 90% hộ dân tham gia và tổng số tiền thu được khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm 2014, số hộ dân đóng phí giảm hẳn. Tổng số tiền thu được chỉ hơn 40 triệu đồng là minh chứng sống cho điều đó.
Nguyên nhân của tình trạng này theo ông Hùng phỏng đoán là do tình trạng chế tài thực hiện không nghiêm. Ông Hùng nhớ lại, vào thời điểm năm 2013, khung chế tài cao nhất quy định phạt 1 triệu đồng đối với những trường hợp không đóng phí đường bộ. Tuy nhiên, thực tế chính quyền địa phương thiếu việc rà soát, cảnh sát giao thông cũng không kiểm tra, nên một số hộ dân không đóng phí cũng không bị phạt. Đó là nguyên do dẫn đến tình trạng số hộ dân tham gia đóng phí giảm rõ rệt, mặc dù rõ ràng người dân đã chứng kiến đường sá ở địa bàn nơi họ sinh sống được sửa chữa và gia cố bằng chính số tiền mà họ đóng góp.
Theo ông Hùng, để việc thu phí đường bộ đạt được hiệu quả cao, việc tuyên truyền cho người dân hiểu rõ là điều cần thiết, đồng thời việc chế tài cũng cần thực hiện nghiêm túc, để tránh tâm lý đối phó của người dân: “Nộp phí vì sợ bị phạt, không phạt thì không cần nộp”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, tính đến đầu năm 2014, thành phố đang quản lý hơn 5,8 triệu xe máy (chưa kể hơn 1 triệu xe từ di dân các tỉnh). Giả sử lấy mức thu thấp nhất là 50.000 đồng mà sở đề xuất thì với 5,8 triệu xe máy, mỗi năm thành phố sẽ có thêm 290 tỷ đồng cho việc sửa chữa đường.
Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, tính đến nay 60/63 tỉnh đã ban hành mức thu phí xe máy. Tuy nhiên, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy ở các địa phương còn gặp khó khăn và số phí thu được chưa cao.
|
Bình luận (0)