Mật độ lưu thông ở vòng xoay ngã tư An Sương luôn vượt ngưỡng cho phép
|
Đó là ngã tư An Sương (quận 12) và vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2). Hai điểm đen “cực nóng” này sẽ được TP ưu tiên bố trí vốn xây hầm chui, nút giao thông khác với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để tiến tới dần xóa triệt để.
Điểm đen… kêu cứu
Tính đến tháng 12-2014, TP.HCM có 27/28 điểm đen của năm 2013 đã được xóa. Tuy nhiên, vào năm 2014 lại phát sinh thêm 8 điểm mới, tổng cộng là 9 điểm. Trong đó 2 điểm “cực nóng” gồm ngã tư An Sương và vòng xoay Mỹ Thủy là nơi có tình trạng giao thông phức tạp nhất, là nơi thường xảy ra va quẹt, TNGT, thường xuyên ùn tắc hoặc đông xe lưu thông.
Theo quan sát của chúng tôi, tại vòng xoay Mỹ Thủy (điểm giao cắt giữa đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định và Vành Đai Đông, quận 2), mặc dù không phải là giờ cao điểm nhưng cứ khoảng trên dưới 10 phút lại xảy ra tình trạng đông xe một lần. Xe đi về từ các hướng cao tốc, cảng Cát Lái, xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ hướng nào cũng đông đúc. Nhiều người dân nói rằng lưu thông bằng phương tiện xe máy ở khu vực vòng xoay hay có cảm giác “ớn lạnh” vì xe tải liên tục lao tới từ bốn hướng. Riêng hướng phà Cát Lái, container hoạt động 24/24.
Anh Quốc Việt, nhân viên Công ty cổ phần Cơ khí – điện Lữ Gia cho hay, đơn vị anh chịu trách nhiệm vận hành chiếu sáng khu vực này, thậm chí có một bóng đèn đường hư ngay gần vòng xoay Mỹ Thủy (hướng Nguyễn Thị Định) nhưng vì diện tích mặt đường hẹp, lượng xe ra vào phà Cát Lái quá đông nên xe cẩu thi công không thể len vào sửa chữa. Theo dự tính của Việt, xe cẩu hỗ trợ thi công có thể gây ùn tắc giao thông vì diện tích đế xe đã chiếm hơn một len đường.
Ở khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, anh Việt kể rằng anh đã từng chứng kiến nhiều vụ va chạm nhưng chủ yếu giữa container hoặc ô tô với nhau, nhất là loại container 40 feet do thân quá dài nên tài xế khó kiểm soát khi lưu thông gây va quẹt với phương tiện cùng lưu thông. Trước đây cũng tại vòng xoay này còn xảy ra nhiều vụ xe 4 bánh va quẹt với thân vòng xoay có thể do vòng xoay có kích thước không hợp lý, nay bán kính của vòng xoay này đã được sửa nhỏ hơn bán kính cũ khoảng 1,5 mét nên tình trạng này dường như đã được khắc phục.
So với vòng xoay Mỹ Thủy, điểm “cực nóng” thứ hai là ngã tư An Sương có vẻ phức tạp hơn vì các loại phương tiện lưu thông qua khu vực này tấp nập hơn. Xe container loại 20 feet, 40 feet, xe du lịch, xe buýt thường chạy hàng hai hàng ba, xe hai bánh, xe đạp, người đi bộ cũng chen chúc lưu thông vào bất kỳ chỗ trống nào có thể. Mật độ lưu thông đến chóng mặt khiến nơi này thường xảy ra va quẹt hoặc thậm chí gây TNGT chết người.
Một vấn đề khác nữa cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông khu vực này chính là Bến xe An Sương. Ông Hùng xe ôm khu vực này nói rằng nhiều xe khi đã lên tài nhưng không chạy ngay, vì chờ rước thêm khách ngoài đường lớn nên dễ gây thêm ùn tắc.
Kiên quyết xóa điểm đen
Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, mật độ lưu thông ở hai điểm đen trên đã vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể mỗi ngày ở vòng xoay Mỹ Thủy có khoảng 16.000-17.000 lượt phương tiện qua lại. Vào giờ cao điểm, hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật, tình hình giao thông ở đây rất phức tạp, thường xuyên bị ùn tắc. Mật độ lưu thông dày đặc đến chóng mặt ở ngã tư An Sương tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ nhận thấy sự quá tải.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM lưu ý rằng các quận, huyện phải rà soát và đề xuất giải pháp xử lý ngay những điểm có nguy cơ ùn tắc, TNGT, chứ không phải chờ đến khi tai nạn xảy ra gây chết người mới lưu tâm giải quyết.
Bàn về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu Sở GTVT, Công an TP, Ban ATGT chủ động phối hợp rà soát lại tất cả các nguyên nhân và giải pháp góp phần xóa điểm đen một cách triệt để. Trong đó, cũng cần chú trọng đến việc xử lý xe quá tải. Cụ thể khi phát hiện xe quá tải, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý bằng việc yêu cầu tài xế di chuyển đến nơi gần nhất để tránh ùn tắc và hạ tải xong mới cho xe tiếp tục lưu thông.
Bàn về kế hoạch xây hầm chui và nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy và ngã tư An Sương, vị Phó chủ tịch yêu cầu các cơ quan hữu quan chú trọng việc khảo sát thực tế một cách kỹ lưỡng để tránh gây lãng phí.
Bài, ảnh: Bích Vân
Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án xây hầm chui đôi An Sương theo hướng trục Trường Chinh – quốc lộ 22 dự kiến kinh phí là 450 tỷ đồng. Công trình xây dựng nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy dự kiến đầu tư giai đoạn 1 là 500 tỷ đồng. |
Bình luận (0)